Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 09 năm 2024,
Được bật đèn xanh bán vốn, ông lớn ngân hàng vui mở cờ
Hà Tâm - 19/03/2018 17:11
 
Hiện là thời điểm tốt để các ngân hàng cổ phần nhà nước “chốt” thương vụ bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Nhiều ngân hàng lên kịch bản bán vốn cho cổ đông nước ngoài

Ngân hàng TMCP Vietcombank (VCB) xác nhận, Chính phủ đã “gật đầu” cho phép ngân hàng này bán 10% cổ phần (tương ứng hơn 350 triệu cổ phiếu) cho nhà đầu tư nước ngoài. Số cổ phiếu trên sẽ được phát hành riêng lẻ hoặc được đấu giá công khai cho một lượng nhà đầu tư nước ngoài giới hạn.

Hai nhà đầu tư đáng chú ý sẽ tham gia đấu giá là Quỹ Singapore GIC và Ngân hàng Mizuho - đối tác chiến lược hiện sở hữu 15% vốn VCB. Nhiều khả năng, Mizuho sẽ mua với số lượng đủ để duy trì tỷ lệ nắm giữ 15%, số còn lại sẽ “về tay” GIC. Dự kiến, thương vụ này sẽ được “chốt” trong nửa đầu năm nay.

Vietcombank đã được Chính phủ “gật đầu” cho bán 10% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Đ.T
Vietcombank đã được Chính phủ “gật đầu” cho bán 10% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Đ.T

Năm 2016, GIC đã ký thỏa thuận sơ bộ mua 7,7% vốn VCB từ tháng 8/2016, với mức giá chưa đến 400 triệu USD (khoảng 29.000 đồng/cổ phiếu). Mức giá quá thấp so với thị giá lúc đó (57.500 đồng/cổ phiếu), khiến Chính phủ không đồng ý. Trong vòng một năm qua, giá cổ phiếu VCB liên tục tăng mạnh, hiện vọt lên 72.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, để nắm được 10% vốn của VCB, chắc chắn, các nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra số tiền không nhỏ.

Việc Chính phủ cho phép Vietcombank bán 10% vốn khiến các ngân hàng TMCP có vốn nhà nước khác cũng khấp khởi mừng thầm. Hiện tỷ lệ nắm giữ vốn của Nhà nước tại VietinBank chỉ còn 64,5% (hết room cho phép), Ngân hàng cũng đã bán hết 30% vốn (mức tối đa) cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Do vậy, hiện tại, VietinBank gần như bế tắc về tăng vốn, trong khi hệ số an toàn vốn (CAR) đang ngấp nghé mức cảnh báo.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho hay, Ngân hàng đã trình Chính phủ phương án tăng vốn thông qua việc bán cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài hiện hữu (IFC và Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ).

Đề xuất của VietinBank chưa được Chính phủ thông qua, song nhiều khả năng, nếu có phương án hợp lý, Chính phủ cũng sẽ gật đầu. Tại buổi gặp mặt cán bộ, nhân viên Ngân hàng VietinBank tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, nhiều đối tác nước ngoài đã muốn mua thêm cổ phiếu VietinBank.

Trong số các ngân hàng TMCP nhà nước, chỉ còn duy nhất BIDV vẫn còn nguyên “room” sở hữu 30% dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của BIDV đã trễ hẹn nhiều năm. Tuy nhiên, với sự trở lại ấn tượng, giá cổ phiếu BIDV đã tăng 50% chỉ trong vòng 2 tháng gần đây, BIDV được dự báo sớm tìm được đối tác chiến lược. Hiện tại, nhiều ngân hàng đến từ ASEAN và Đông Bắc Á đang rất quan tâm đến BIDV.

Trong khi đó, việc tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài để bán lại 3 ngân hàng 100% vốn nhà nước khác trong diện tái cơ cấu là Ocean Bank, CB và GPBank vẫn đang tiếp tục.

Cơ hội vàng bán vốn nhà nước

Lợi nhuận ngân hàng đang dần quay lại thời kỳ hoàng kim, cộng với sự phục hồi của thị trường chứng khoán, nên hiện là thời điểm tốt để các ngân hàng cổ phần nhà nước “chốt” thương vụ bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài với mức giá hợp lý.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất quan tâm tới thị trường tài chính Việt Nam. Đây là cơ hội tốt để các ngân hàng phát hành cổ phiếu, tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài. Đương nhiên, với các ngân hàng có vốn nhà nước, việc tăng vốn còn phụ thuộc vào phương án bán vốn có được phê duyệt hay không.

Thời gian qua, nhiều ngân hàng TMCP tư nhân cũng nhanh chân bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại, tiêu biểu là HDBank, VPBank, TPBank. Ngoài ra, OCB, LienVietPostBank, NCB… cũng rầm rộ xây dựng kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Đáng lưu ý, thời gian gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài chuyển hướng lựa chọn các ngân hàng lớn hoặc các ngân hàng nhỏ nhưng tài chính lành mạnh, có nền tảng công nghệ tốt để đầu tư.

“Cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh thời gian qua, song không phải ngân hàng nào cũng dễ dàng tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài, nhất là các ngân hàng nhỏ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Chưa kể, theo hàng loạt quy định mới vừa được ban hành và có hiệu lực từ năm 2018, dòng vốn mua bán cổ phần ngân hàng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ, đòi hỏi tính minh bạch cao, hiện tượng vốn ảo không còn, nên sự cạnh tranh sẽ tăng lên.

Trong bối cảnh đó, muốn trở nên “đắt hàng” và có thể bán vốn nhà nước cho đối tác nước ngoài với mức giá hợp lý, các ngân hàng TMCP có vốn nhà nước cần đẩy nhanh tái cơ cấu và lấy lại vị trí chủ lực của mình trên thị trường.

Ngân hàng cổ phần lần thứ 3 bị "thúc" lên sàn
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản số 657/NHNN-TTGSNH về việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của các Ngân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư