Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 04 tháng 10 năm 2024,
Được phép chỉ định thầu với dự án di dời công trình hạ tầng kỹ thuật?
Anh Ngọc - 04/05/2017 07:22
 
Một trong những trường hợp được áp dụng hình thức chỉ định thầu là gói thầu di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật do một đơn vị chuyên ngành trực tiếp quản lý để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng; gói thầu rà phá bom, mìn, vật nổ để chuẩn bị mặt bằng thi công xây dựng công trình.

Độc giả Nguyễn Ngọc Bằng - Tỉnh Bình Thuận đặt câu hỏi như sau: Theo quy định của Luật Đất đai và Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ thì công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bao gồm cả nội dung bồi thường công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (Chương VI Luật Đất đai; Điều 28 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP); công trình hạ tầng kỹ thuật có thể được bồi thường hoặc không bồi thường (Khoản 3, Điều 89 và Điều 92 Luật Đất đai); việc xác định tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt (Khoản 1, Điều 32 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP).

Căn cứ các quy định trên, khi lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức triển khai các dự án đầu tư thì việc quản lý, chi phí thực hiện công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (nếu có, như là di dời hệ thống mạng điện thoại, cáp internet, hệ thống cấp điện, ...) được phê duyệt thuộc chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo tôi khi áp dụng Luật Đấu thầu để tổ chức di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nêu trên, thì có 2 quy định liên quan về nội dung này như sau: Tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 22 Luật Đấu thầu thì áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với gói thầu di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật do một đơn vị chuyên ngành trực tiếp quản lý để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Theo Điểm b, Khoản 2, Điều 36 Luật Đấu thầu thì tổ chức đền bù giải phóng mặt bằng thuộc phần công việc không áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu. Xin hỏi, đối với di dời công trình hạ tầng kỹ thuật thì trường hợp nào áp dụng theo Điểm đ, Khoản 1, Điều 22 của Luật Đấu thầu, trường hợp nào áp dụng theo Điểm b, Khoản 2, Điều 36 Luật Đấu thầu? Theo Điểm đ, Khoản 1, Điều 22 của Luật Đấu thầu quy định áp dụng chỉ định thầu đối với “gói thầu di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật do một đơn vị chuyên ngành trực tiếp quản lý để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng”.

Vậy, trong trường hợp chủ đầu tư áp dụng chỉ định thầu theo Điểm đ, Khoản 1, Điều 22 của Luật Đấu thầu, nhưng lại chỉ định thầu cho một đơn vị khác (không phải là đơn vị chuyên ngành đang trực tiếp quản lý), bảo đảm yêu cầu về tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm thì có vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu hay không?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:

Điểm đ, Khoản 1, Điều 22 Luật Đấu thầu quy định một trong những trường hợp được áp dụng hình thức chỉ định thầu là gói thầu di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật do một đơn vị chuyên ngành trực tiếp quản lý để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng; gói thầu rà phá bom, mìn, vật nổ để chuẩn bị mặt bằng thi công xây dựng công trình.

Đối với câu hỏi của công dân, trường hợp gói thầu di dời công trình hạ tầng kỹ thuật do một đơn vị chuyên ngành trực tiếp quản lý thì được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định nêu trên. Tuy nhiên việc chỉ định thầu phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật Đấu thầu và nhà thầu được chỉ định phải có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu.

Công ty mẹ được phép chỉ định thầu cho công ty con?
Tổng công ty có 51% vốn Nhà nước đầu tư dự án trong đó có gói thầu dưới 2 tỷ đồng có được phép chỉ định thầu cho công ty con được không?
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư