Thứ Hai, Ngày 07 tháng 04 năm 2025,
Đường đi giúp hàng Việt “vượt bão”
Anh Hoa - 06/04/2025 09:58
 
Sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao, đầu tư đa dạng hóa sản phẩm... là những động thái của các doanh nghiệp Việt để gia tăng thị phần trong giai đoạn khó khăn.
 chính sách thuế mới của Mỹ
chính sách thuế mới của Mỹ

Đi bằng con đường giá trị

Tham gia hai triển lãm có quy mô toàn cầu là Natural Products Expo West (Mỹ) và FOODEX JAPAN 2025 (Nhật Bản), thương hiệu gia vị Dh Foods đã lan tỏa mạnh hơn trên thị trường quốc tế. Nhiều siêu thị, nhà nhập khẩu trung gian tìm hiểu và đặt hàng gia vị và nông sản của Việt Nam, hứa hẹn trong tương lai gần, gia vị chế biến sẵn của nước ta sẽ có được chỗ đứng trên thị trường quốc tế.

Tại triển lãm Natural Products Expo West, Dh Foods tiếp cận gần 100 khách hàng từ các quốc gia Mỹ, Canada, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brazil, Israel, Colombia. Trong đó, có những đối tác lớn là nhà thu mua từ siêu thị châu Á và các nhà nhập khẩu có khả năng đưa sản phẩm Dh Foods vào các hệ thống siêu thị lớn tại Mỹ.

Theo ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc Dh Foods, sản phẩm Dh Foods được đánh giá cao về hương vị. Chứng chỉ BRCGS của Dh Foods cũng là một lợi thế lớn khi làm việc với các hệ thống siêu thị tại Mỹ. Tuy nhiên, các đối tác đặt ra yêu cầu cao về chính sách độc quyền hàng hóa. Hơn nữa, để tiếp cận khách hàng người bản xứ, Dh Foods cần hợp tác chặt chẽ với đối tác để điều chỉnh sản phẩm phù hợp hơn với khẩu vị của người tiêu dùng da trắng.

Các doanh nghiệp nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường. Trong ảnh: Sản xuất thực phẩm tại PAN group

“Đây là một thách thức Dh Foods cần vượt qua để có thể thâm nhập hệ thống siêu thị cũng như các nhà nhập khẩu lớn tại thị trường Mỹ”, Tổng giám đốc Dh Foods cho biết.

Còn tại FOODEX JAPAN 2025 (Nhật Bản), Dh Foods đã có hơn 100 cuộc gặp gỡ và trao đổi với đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Cũng theo ông Dũng, sản phẩm Dh Foods hiện diện ngày càng nhiều tại Tokyo. Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua các dòng sản phẩm ưa thích của Dh Foods từ các siêu thị lớn đến chợ đầu mối, cửa hàng tạp hóa, chuỗi cửa hàng bán lẻ dành cho người Việt tại Nhật. Điển hình như Cafferant (Aeon), chuỗi 112 cửa hàng Xuân Shop Việt Nhật, Viet Foods Otsuka, Otsuka Mart.

Qua sự kiện này, các đối tác Nhật Bản sẽ hỗ trợ sản phẩm của Dh Foods để xuất hiện trong “Tuần hàng Việt Nam tại Nhật”, tạo cơ hội lớn hơn để gia vị Việt tiếp cận người tiêu dùng nước này. Hiện một đối tác lâu năm của Dh Foods tại Nhật đang cân nhắc mở rộng danh mục sản phẩm, dự kiến nhập thêm 10 mã hàng mới.

Thực tế, ngành hàng nông sản - thực phẩm được dự báo ít chịu tác động từ chính sách thuế mới của Mỹ, thậm chí còn có nhiều dư địa để phát triển. Mỹ vẫn đang có nhu cầu lớn với các mặt hàng của Việt Nam. Người tiêu dùng Mỹ yêu thích sản phẩm và sẵn sàng trả giá cao khi doanh nghiệp tuân thủ đúng các quy định của họ.

Dù vậy, giữa bối cảnh có nhiều cuộc khủng hoảng như hiện nay, để hàng Việt “vượt bão” cả thị trường trong và ngoài nước, doanh nghiệp cần sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao hơn, chinh phục người tiêu dùng bằng chất lượng tốt, hương vị thơm ngon, đầu tư đa dạng hóa sản phẩm.

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT CTCP Vinamit cho biết, có những thách thức lớn về mặt thị trường mà các doanh nghiệp Việt đang phải đối mặt. Chẳng hạn, sự lên ngôi của thương mại điện tử gây ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hệ thống kênh phân phối truyền thống; hành vi người tiêu dùng thay đổi hoàn toàn, khi họ dành thời gian mua hàng trên Shopee hay TikTok nhiều hơn. Những điều này cho thấy, doanh nghiệp sản xuất hàng thực phẩm không thể cạnh tranh bằng giá rẻ, mà phải bằng chất lượng vượt trội, đồng thời đa dạng hóa kênh phân phối.

Quản trị sự bất định

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (nay là Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược) cho rằng, bên cạnh việc đa dạng và nâng cao chất lương sản phẩm, các doanh nghiệp Việt cần thích ứng, quản trị được rủi ro, quản trị sự bất định.

Câu chuyện tại Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) là ví dụ điển hình cho việc doanh nghiệp chủ động đưa ra giải pháp thích ứng tình hình mới. Đầu năm 2025, nữ doanh nhân kỳ cựu Trần Kim Liên rời ghế Chủ tịch sau hơn 2 thập kỷ lãnh đạo đơn vị, tân Chủ tịch Nguyễn Thị Trà My, Tổng giám đốc PAN group, đồng thời là Chủ tịch Pan Farm - cổ đông lớn nhất tại Vinaseed, lên nắm quyền tại đơn vị này.

Mặc dù bối cảnh thương mại thế giới đang biến động, nhưng Vinaseed vẫn đặt kế hoạch lãi cao kỷ lục ngay năm đầu dưới thời bà Nguyễn Thị Trà My. Cụ thể, Vinaseed đặt kế hoạch doanh thu 2.750 tỷ đồng, lãi trước thuế 310 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 12% và 14% so với năm trước.

Công ty sẵn sàng bước vào giai đoạn mới, với việc chuẩn bị thương mại hóa bộ sản phẩm chiến lược thích nghi với biến đổi khí hậu, có năng lực canh tranh đặc biệt trong vụ hè thu - vụ mùa khắc nghiệt nhất trong năm và chưa có sản phẩm thực sự dẫn dắt thị trường.

Lãnh đạo Công ty chia sẻ, sẽ tiếp tục hoàn thiện bộ giải pháp canh tác giảm phát thải để tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng tại Đồng bằng sông Cửu Long. Về vấn đề quản trị, Vinaseed sẽ tiến hành tái cấu trúc toàn diện tập đoàn, giảm đầu mối, cải tiến quy trình và đổi mới bộ máy quản trị.

Vinaseed cũng là công ty thành viên của PAN. Trong khi đó, lộ trình kỳ vọng của PAN không chỉ giữ vững vị thế dẫn đầu ngành nông nghiệp ở Việt Nam, mà sẽ trở thành biểu tượng cho sự phát triển bền vững và đổi mới trên toàn cầu.

Về thị trường, PAN đã nhìn trước được những khó khăn về chính sách thuế của Mỹ, nên đã đa dạng hóa thị trường để tránh rủi ro. Tập đoàn vươn đến những thị trường khác, không tập trung vào Mỹ. Trung Quốc là thị trường mà PAN dồn lực chinh phục, hiện bánh kẹo của PAN đã xuất khẩu được vào hệ thống Wallmart Trung Quốc. Ngoài ra, việc hợp tác thành công với Hi-Life (chuỗi siêu thị tiện lợi lớn thứ ba tại Đài Loan) cũng giúp PAN phân phối và đưa các sản phẩm hạt, trái cây sấy vào thị trường này.

Mỹ áp thuế quan "có đi có lại" đối với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp dụng "thuế quan có đi có lại" đối với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả các thành viên Liên minh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư