Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dồn sức chuẩn bị chạy thử không tải
Anh Minh - 12/01/2017 08:03
 
Chủ đầu tư, Tổng thầu thi công Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông đang dồn sức cho mục tiêu chạy thử không tải vào tháng 10/2017. “Việc thi công các hạng mục xây lắp liên quan đến bê tông tại Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi, chỉ còn một vài vị trí, kết cấu hạng mục phụ trợ, lối lên xuống các nhà ga La Khê, Văn Khê, Vành đai 3”, ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (PMU Đường sắt) cho biết.
TIN LIÊN QUAN

Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2016, Dự án đã hoàn thành khoảng 85% khối lượng xây lắp bao gồm: toàn bộ trụ và dầm khu gian; toàn bộ kết cấu chính các nhà ga và đang triển khai công tác hoàn thiện; cơ bản hoàn thành rải ray đường thử tàu và 70% đường ray chính tuyến; triển khai thi công đồng loạt 14/16 hạng mục kiến trúc trong khu Depot (trong đó 5/14 hạng mục đã hoàn thành kết cấu chính và đang triển khai công tác hoàn thiện), các hạng mục còn lại đang thi công đến kết cấu thân nhà.

Đại diện chủ đầu tư cũng đang yêu cầu Tổng thầu EPC (Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc), đến hết quý I/2017, phải hoàn thiện toàn bộ phần xây lắp trang trí kiến trúc bao gồm các nhà ga và các công trình kiến trúc trong khu Depot; trong tháng 3/2017 bắt đầu lắp đặt tuần tự các hạng mục chuyên ngành thiết bị và hoàn tất toàn bộ vào cuối tháng 7/2017.

nhà thầu đang triển khai hạng mục rải đường ray trên tuyến Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Đức Thanh
Nhà thầu đang triển khai hạng mục rải đường ray trên tuyến Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Đức Thanh

“Đây là 2 đường găng tiến độ mà Dự án bắt buộc phải hoàn thành nếu muốn chạy thử không tải - bao gồm căn chỉnh tổng hợp, vận hành thử không tải, vận hành thử chở khách mô phỏng vào tháng 10/2017”, ông Thành cho biết.

Theo PMU Đường sắt, do đây là công trình đường sắt đô thị đầu tiên được đưa vào khai thác tại Việt Nam, nên các quy trình cho việc chạy thử cần được chuẩn bị kỹ lưỡng. Quá trình chạy thử này kéo dài từ 3 - 6 tháng, với thời gian vận hành lên tới 5.000 km.

Hiện nhà cung cấp thiết bị (Công ty Chế tạo tàu điện ngầm Bắc Kinh) đang bám sát tiến độ chế tạo 13 đoàn tàu theo hợp đồng với Tổng thầu. Nếu không có gì thay đổi, Tổng thầu sẽ vận chuyển đoàn tàu đầu tiên về Việt Nam vào giữa tháng 1/2017.

Được biết, vào cuối tháng 12/2016, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh tiến độ hoàn thành và đưa dự án vào khai thác thương mại trong quý I/2018.

Trước đó, Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT  phê duyệt vào tháng 10/2008 và phê duyệt điều chỉnh vào tháng 2/2016 với tổng mức đầu tư 18.001 tỷ đồng, tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác thương mại trong năm 2016.

Có nhiều lý do dẫn đến việc công trình trọng điểm này phải nới đai tiến độ, nhưng chủ yếu là do Tổng thầu chậm trễ trong việc xác định giá trị chi phí thiết bị, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ ký kết Hợp đồng vay vốn bổ sung cũng như tiến độ đấu thầu mua sắm thiết bị cho Dự án.

Về nguồn vốn vay bổ sung (tương đương 250,62 triệu USD), theo thông tin từ PMU Đường sắt, chủ đầu tư đang cùng Bộ GTVT và Bộ Tài chính làm việc với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) để thống nhất các điều khoản chi tiết sớm ký kết Hiệp định vay.

Khó khăn về vốn không chỉ là chuyện riêng của Tổng thầu. Năm 2016, PMU Đường sắt đã chỉ đạo thực hiện hoàn thành cơ bản kết cấu chính hạ tầng chạy tàu với tiến độ tốt, sản lượng thực hiện cao và đã giải ngân hết kế hoạch vốn bố trí cho Dự án (kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016).

Đây cũng là một khó khăn cho Dự án, khi giá trị khối lượng thực hiện vượt kế hoạch vốn bố trí, đặc biệt giai đoạn đang hoàn thiện công trình đòi hỏi dòng tiền liên tục và đều đặn. PMU Đường sắt hiện đang chờ nguồn vốn bố trí kế hoạch năm 2017 để giải ngân tiếp sản lượng đã thực hiện thực hiện năm 2016.

Theo ông Thành, việc tìm ra nguyên nhân sự chậm trễ sẽ giúp cả chủ đầu tư, tổng thầu  đẩy nhanh tiến độ thi công trong giai đoạn nước rút này.

“Để đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng thầu tăng cường lực lượng thi công, tăng cường đầu mối cung cấp vật tư thiết bị; đảm bảo nguồn lực tài chính để thanh toán cho nhà thầu phụ. Việc kiểm soát tiến độ sẽ được thực hiện hàng tuần không để phát sinh thời gian chết, ngay cả trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới”, ông Thành cho biết.

Các mốc tiến độ mới của Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông
Hoàn thiện toàn bộ phần xây lắp trang trí kiến trúc bao gồm cả khu Depot trước ngày 31/3/2017.
Bắt đầu lắp đặt thiết bị ngày 15/3/2017.
Hoàn thành lắp đặt thiết bị ngày 31/7/2017.
Đóng điện toàn tuyến ngày 01/9/2017.
Bắt đầu vận hành chạy thử (bao gồm căn chỉnh tổng hợp, vận hành thử không tải, vận hành thử chở khách mô phỏng) ngày 1/10/2017.
Thời gian vận hành thử là 3 - 6 tháng, tùy thuộc vào kết quả chạy thử để tiến hành đưa vào khai thác thương mại.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư