Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Đường xa tuyết trắng, hàng trăm nghìn học sinh Việt Nam vẫn xách ba lô lên đường
Huyền Đặng - 20/02/2018 07:16
 
Đã có lần, bạn ấy gần như khóc khi tự vấn rằng, tại sao bạn ấy lại rời bỏ nhà cao cửa rộng để đến đây? Mà không chỉ bạn ấy, nhiều đứa trẻ từng rời giảng đường để ra phía biển mà gào lên những câu hỏi tương tự. Nhưng rồi, dù đường xa vạn dặm, hàng trăm ngàn học sinh Việt Nam vẫn xách ba lô và lên đường du học.

1.

Trường đại học nơi con gái tôi học tập là một trường quốc tế cách Hà Nội nhiều giờ bay, nằm trên núi, bao quanh là biển, đẹp một cách yên bình. Đám sinh viên trẻ, trong môi trường đa quốc gia, đa sắc tộc, đa tôn giáo gắn bó với nhau vô tư, không có bất kỳ rào cản nào. Con gái tôi thân với một bạn gái người Malaysia, con cưng của một gia đình danh giá. Nhưng khi đi du học, giống như con gái tôi và rất nhiều du học sinh khác, các cháu đều phải chấp nhận những khó khăn của người xa xứ.

“Đã có lần, bạn ấy gần như khóc khi tự vấn rằng, tại sao bạn ấy lại rời bỏ nhà cao cửa rộng để đến đây?” - con gái tôi kể -  “mà không chỉ riêng bạn ấy. Đã có những buổi sáng mùa đông, thây kệ tuyết trắng tơi bời, đám trẻ từng rời giảng đường để ra phía biển mà gào lên những câu hỏi tương tự”.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 110.000 du học sinh tại 47 quốc gia trên thế giới. Trong ảnh: Sinh viên Việt Nam du học tại Na Uy
Hiện nay, Việt Nam có hơn 110.000 du học sinh tại 47 quốc gia trên thế giới. Trong ảnh: Sinh viên Việt Nam du học tại Na Uy

Nhưng thực ra thì ngay trong câu hỏi đã có câu trả lời.

Câu trả lời chính là ở quyết định ra đi, dù biết, du học là một trải nghiệm không hề dễ chịu, không hề nhung lụa và xa hoa. Truyền thông nhiều năm gần đây đã tương đối khách quan khi thông tin một cách toàn diện về du học với hân hoan và thất vọng, với văn minh và chật vật, với danh giá và mất mát, với thành công và cực nhọc.

Không nói về những cậu ấm cô chiêu phải du học vì nếu ở Việt Nam thì không có khả năng đậu bất kỳ một trường đại học nào, thậm chí tệ hơn là coi du học như một phương pháp mỹ miều để cai nghiện hoặc còn tệ hơn thế, thì du học vẫn là con đường lựa chọn của nhiều bạn trẻ có năng lực thực sự.

Và cho dù truyền thông đã truyền tải tốt thông điệp du học không phải là giấc mơ nhung lụa thì làn sóng du học cũng không vì thế mà lắng lại. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngay từ năm 2016, đã có khoảng 130.000 công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài, trong đó du học bằng ngân sách chỉ chiếm một phần rất nhỏ (chừng 5.000 người).

.

Không chỉ là những con số thống kê chứng minh cho phong trào du học, một bằng chứng hoàn toàn có thể kiểm nghiệm được bằng phương pháp thực chứng, đó là những loại hình dịch vụ phục vụ du học đang sống khỏe tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. 

Như, phụ huynh có thể dễ dàng tìm thấy những công ty tư vấn du học nếu có nhu cầu tư vấn về thủ tục, hồ sơ. Phụ huynh cần hồ sơ học tập của con em được dịch chuẩn và đẹp thì hàng loạt công ty công chứng dịch thuật sẵn sàng phục vụ. Việc chuyển tiền cho con ở nước ngoài cũng chưa bao giờ tiện lợi đến thế, khi mà hầu như ngân hàng nào cũng quảng bá tiếp thị dịch vụ chuyển tiền du học với mức phí cạnh tranh… Ấy là còn chưa kể dịch vụ chuyển tiền ngoài luồng ở con phố kim tiền Hà Trung (Hà Nội), không cần mất công dò dẫm, chỉ cần hỏi nhỏ là thấy.

Ngay đến những việc nhỏ hơn như sắm đồ sinh hoạt cho du học sinh trước khi bay thì ở Hà Nội cũng đầy rẫy các cửa hàng: cần túi ziplock đựng đồ ăn ra Hàng Đường, cần ổ chuyển điện thích ứng với mọi quốc gia Âu - Á thì ra chợ Giời, cần quần áo thì ra Hàng Bông hoặc “trung tâm thương mại Hỏa Lò”, kể cả giữa cái nóng chảy mỡ của mùa hè Hà Nội vẫn có thể ngay và luôn rinh về những chiếc áo đại hàn, những đôi giày đi tuyết và vô số những đồ chống rét khác.

2.

Còn nhớ, một báo cáo thuộc nghiên cứu giá trị của giáo dục với tên gọi “Những nền tảng cho tương lai” của Ngân hàng HSBC từng được truyền thông Việt Nam công bố, cho thấy, trong số 6.200 bậc cha mẹ ở 15 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia khảo sát, có tới 40% nghĩ rằng, việc học đại học ở nước ngoài có thể giúp con họ tìm được công việc tốt hơn và 35% hy vọng rằng có thu nhập cao hơn.

Với các phụ huynh Việt Nam, cho đến nay, chưa thấy một khảo sát riêng nào được truyền thông công bố, nhưng hy vọng về một cuộc sống tốt hơn bắt đầu từ một công việc tốt hơn cho con cái, có lẽ là mong mỏi của phụ huynh ở mọi quốc gia.

Theo báo cáo “Không ngừng vươn cao”, báo cáo mới nhất trong chuỗi khảo sát giá trị của giáo dục của Tập đoàn HSBC được công bố vào tháng 12/2017, xu hướng du học trên toàn cầu không hề cho thấy dấu hiệu dừng lại. Hơn 2/5 (42%) trong tổng số hơn 8.000 bậc cha mẹ ở 15 quốc gia và lãnh thổ tham gia khảo sát cho biết, họ sẽ cân nhắc cho con đi học đại học ở nước ngoài, một tỷ lệ cao hơn 7 điểm phần trăm so với kết quả của cuộc khảo sát năm ngoái (35%).

Tại Việt Nam cũng đang diễn ra một xu hướng tương tự, với số lượng đáng kể 63.703 sinh viên Việt Nam đang theo đuổi các chương trình đại học và sau đại học ở khắp nơi trên thế giới, theo thống kê của UNESCO .

Năm 2016, báo cáo của HSBC từng chỉ ra rằng, hiện nay Việt Nam có hơn 110.000 du học sinh tại 47 quốc gia trên thế giới, ước tính chi phí du học của họ vào khoảng 3 tỷ USD mỗi năm. Như vậy, trung bình mỗi du học sinh chi tiêu khoảng 30.000 - 40.000 USD mỗi năm cho học phí và sinh hoạt phí.

Cơ hội trải nghiệm một môi trường giáo dục tiên tiến với sự thụ hưởng nền giáo dục chất lượng cao ở những trường đại học danh tiếng là nền tảng cho những kỳ vọng đẹp đẽ ấy. Nếu ngay tại Việt Nam cơ hội ấy có, thì tôi tin rằng, sẽ chẳng có bạn trẻ nào từ chối trải nghiệm. Chỉ tiếc là vì nhiều lý do, trong bảng xếp hạng 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới, vẫn vắng bóng các trường đại học Việt Nam.

Trong khi đó, theo công bố năm 2017, châu Á đã có 26 trường đại học được lọt vào bảng xếp hạng danh giá này. Ngoài Singapore với Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đứng thứ 22 và Đại học Công nghệ Nanyang đứng vị trí 52, còn có 10 trường Thái Lan, 9 trường Malaysia, 4 trường Indonesia và 1 trường Philippines.

Tất nhiên là chúng ta có quyền hy vọng, thậm chí cả kỳ vọng. Nhưng giờ đây, những trường đại học danh tiếng vẫn còn đang ở rất xa dải đất hình chữ S này. Dựa theo 13 tiêu chí hoạt động được chia thành 5 lĩnh vực: giảng dạy, nghiên cứu, số lần trích dẫn nghiên cứu, yếu tố quốc tế và thu nhập nghiên cứu, thì những vị trí đầu của bảng xếp hạng danh giá nói trên vẫn thuộc về Mỹ, Anh, Thụy Sỹ, những đất nước mà hiện giờ theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đang có số lượng lớn du học sinh Việt Nam theo học. 

3. 

Thực ra, ngay từ những năm cuối thế kỷ XX, các nhà khoa học trên thế giới đã chỉ ra cách thức tiếp cận mới được cộng đồng quốc tế chấp nhận, đó là đánh giá về sự phát triển của mỗi quốc gia hay mỗi cộng đồng từ sự phát triển con người. Trong bản báo cáo đầu tiên năm 1990 của UNDP về phát triển con người - được coi là sự kiện đánh dấu một bước quan trọng trong việc khẳng định vai trò của con người trong phát triển - quan điểm về phát triển con người của UNDP thể hiện rõ hai khía cạnh, đó là mở rộng các cơ hội và nâng cao năng lực lựa chọn của con người. Có nghĩa là mở rộng không gian lựa chọn cho mỗi con người để họ có thể tiếp cận những thứ tốt hơn, trong đó bao gồm cả giáo dục.

Du học, theo nghĩa đó là sự lựa chọn có triển vọng khi cơ hội lựa chọn được mở rộng và đó là một chỉ báo cho thấy sự phát triển của quốc gia. Những du học sinh Việt Nam mai này dù thành công tại Việt Nam hay ở bất cứ đâu trên thế giới này, thì họ vẫn là người Việt và làm rạng danh cho nước Việt.

Và bởi vậy mà dù đường xa tuyết trắng thì những dấu chân du học sinh Việt Nam vẫn không quản ngại, chấp nhận tất thảy những khó khăn của người xa xứ. Như trong bức thư của một du học sinh đang được đăng tải nhiều trên truyền thông dành cho giới trẻ: “Du học có nghĩa là mỗi buổi sáng thức dậy tự hỏi mình đang ở đâu và sắp làm gì. Nhìn ra cửa sổ thấy sương lạnh buốt và biết mình có một ngày dài để chiến đấu. Nghe tiếng mình nhỏ nhẹ trong lòng, ráng lên nào, sống vì tương lai… Du học có nghĩa là tự hào. Tự hào thấy mình thay đổi, tự hào thấy mình đang lớn, tự hào vì mình được yêu thương. Du học có nghĩa là tự hứa nhiều lắm. Tự hứa với mình, với người ta, với gia đình, với bạn bè. Tự hứa không được lãng phí những gì đã hy sinh”.

Việt Nam đứng thứ 6 về số du học sinh tại Mỹ
Việt Nam tiếp tục đứng thứ 6 trong danh sách những nước dẫn đầu về số lượng sinh viên đang du học tại Mỹ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư