Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Dứt khoát chấm dứt quy hoạch sản phẩm
Mạnh Bôn - 12/09/2016 08:10
 
Tuần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào Dự thảo Luật Quy hoạch. Theo quan điểm của ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, dứt khoát phải chấm dứt quy hoạch sản phẩm.

Vì sao ông lại kiên quyết với quan điểm chấm dứt quy hoạch sản phẩm?

Tình trạng lập quy hoạch quá nhiều, nhưng không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực đang diễn ra ở tất cả các bộ, ngành, địa phương và ngày càng có xu hướng gia tăng.

Từ “quy hoạch” thường xuyên bị lạm dụng, nhiều ngành, lĩnh vực chỉ cần xây dựng đề án, chương trình phát triển hoặc xây dựng tiêu chí để quản lý và đưa ra những dự báo, định hướng, chính sách phát triển cũng được lập thành quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực như Quy hoạch Thương nhân xuất khẩu gạo, Quy hoạch Phát triển tổ chức hành nghề công chứng, Quy hoạch Sản xuất rượu và làng nghề sản xuất rượu địa phương, Quy hoạch Sản xuất thuốc lá và mạng lưới buôn bán thuốc lá…

.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương

Hơn nữa, đã có quy hoạch sản phẩm bị sử dụng là bằng chứng bất lợi cho Việt Nam trong vụ kiện chống bán phá giá, gây bất lợi cho doanh nghiệp trong nước khi xuất khẩu. Tôi cũng muốn nói thêm rằng, với cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thì việc quy hoạch sản phẩm, trong đó có các chính sách hỗ trợ về hạ tầng, vốn, đào tạo… dễ bị thị trường nhập khẩu khởi kiện về chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Những quy hoạch nêu trên phần nhiều là của Bộ Công thương, thưa ông?

Không chỉ có Bộ Công thương, mà bộ, ngành, địa phương nào cũng lạm dụng từ “quy hoạch”. Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2011 - 2020, số lượng quy hoạch phải lập lên tới 19.285 bản, gấp 6 lần giai đoạn 2001 - 2010 (3.114 bản quy hoạch). Cá nhân tôi với tư cách là Thứ trưởng Bộ Công thương trong thời gian vừa qua đã loại bỏ ít nhất 3 quy hoạch sản phẩm do các đơn vị của Bộ Công thương xây dựng, trong đó có Quy hoạch Sản xuất bia, Quy hoạch Sản xuất vùng Đồng bằng sông Hồng.

Đâu là cơ sở để ông kiên quyết loại bỏ các quy hoạch kể trên?

Trên thực tế, không ít quy hoạch sản phẩm được sử dụng như một dạng “giấy phép con” trong thủ tục hành chính, gây trở ngại cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Cá nhân tôi đã chứng kiến một doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm tại một địa phương, nhưng không được chấp nhận chỉ bởi vì tỉnh đó quy hoạch trong địa phương chỉ cần… một nhà máy sản xuất, chế biến sản phẩm đó. Điều đáng nói là, doanh nghiệp trong nước được cấp phép xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến sản phẩm theo đúng quy hoạch, nhưng 5 - 7 năm sau vẫn chưa xây dựng nhà máy. Trong khi đó, doanh nghiệp Nhật Bản này làm ăn rất nghiêm túc, không được chấp nhận đầu tư họ đã bỏ đi, không chấp nhận “chạy”.

Nếu doanh nghiệp mà chạy, có khi quy hoạch sản phẩm của địa phương này sẽ được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh như hàng ngàn quy hoạch khác cũng thường xuyên bị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung với cả ngàn lý do hết sức thuyết phục. Thực tế đó cho thấy, quy hoạch sản phẩm không chỉ là một loại giấy phép con, mà còn tạo điều kiện cho tiêu cực, xin - cho trong xây dựng, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch.

Ông có hy vọng, với Dự thảo Luật Quy hoạch được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 3 sẽ chấm dứt được tình trạng đua nhau làm quy hoạch?

Về hệ thống quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình 2 phương án. Trong đó, theo phương án 2, hệ thống quy hoạch chỉ có 4 loại, gồm cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh và quy hoạch đô thị, nông thôn (thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn). Còn theo phương án 1, hệ thống quy hoạch bổ sung thêm tổng thể quy hoạch quốc gia và quy hoạch xây dựng các khu chức năng đặc thù.

Dù thực hiện theo phương án nào thì về cơ bản sẽ chấp dứt được tình trạng đua nhau làm quy hoạch, sẽ không còn quy hoạch “trên trời” gây lãng phí nguồn lực xã hội, cản trở sự phát triển, gây khó khăn trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Đặc biệt, nếu thực hiện theo phương án 2, phương án mà qua nhiều lần thảo luận, tổ chức hội thảo, lấy ý kiến, các chuyên gia kinh tế, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, đại biểu Quốc hội ủng hộ, thì tình trạng “ngành ngành làm quy hoạch” gần như chấm dứt.

Ông còn băn khoăn gì với bản Dự thảo Luật quy hoạch này không?

Đây chỉ là dự thảo, còn phải trình Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến ít nhất 2 lần nữa và sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung mới được thông qua. Với bản dự thảo hiện nay, tôi chỉ băn khoăn quy định “loại hình quy hoạch khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trong trường hợp cần thiết”. Phải làm rõ trong những trường hợp nào mới được làm quy hoạch, bởi nếu không, thông qua “cửa này” các bộ, ngành sẽ ẩn quy hoạch sản phẩm vào quy hoạch ngành cấp quốc gia.

Thực tế, không khó để ẩn quy hoạch sản phẩm vào quy hoạch ngành cấp quốc gia. Ví dụ, người ta lấy lý do tạo động lực phát triển, phát huy lợi thế… để lập quy hoạch phát triển ngành sản xuất bia ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch phát triển sản xuất đường ở Tây Nguyên, quy hoạch phát triển sản xuất chè ở Tây Bắc… Nói là quy hoạch ngành, nhưng thực ra là quy hoạch sản phẩm và đây chính là rào cản hết sức bất hợp lý cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh; là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực, xin - cho, sách nhiễu phát triển.

5 bộ luật sẽ lên bàn Phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa phân công một số Bộ chuẩn bị các tài liệu phục vụ cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư