Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Duyên hải Bắc bộ: Tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển dịch vụ logistics
Thanh Sơn - 31/10/2024 07:29
 
Với kết cấu hạ tầng giao thông khá hoàn chỉnh, hiện đại, có cảng biển, cảng thủy nội địa lớn, các địa phương trong vùng Duyên hải Bắc bộ như Hải Phòng, Quảng Ninh có đủ tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy dịch vụ logistics.
Dịch vụ logistics vùng Duyên hải Bắc bộ phát triển nhờ hạ tầng giao thông tại nhiều khu vực trong vùng được đầu tư bài bản
Dịch vụ logistics vùng Duyên hải Bắc bộ phát triển nhờ hạ tầng giao thông tại nhiều khu vực trong vùng được đầu tư bài bản

Hải Phòng hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm logistics khu vực và quốc tế

Hải Phòng là đô thị cảng biển, có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, với 5 loại hình giao thông (đường biển, đường bộ, đường sắt, hàng không, thủy nội địa) thuận lợi kết nối liên tỉnh, liên vùng và các nước trên thế giới.

Những năm qua, Hải Phòng tập trung huy động nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT). Hệ thống cảng biển nước sâu không ngừng được đầu tư; 8 bến tại Lạch Huyện đã và đang được xây dựng, các bến tiếp theo cũng tiếp tục được triển khai.

Thành phố có 14 tuyến đường thủy nội địa quốc gia với chiều dài 265 km; 17 tuyến đường thủy nội địa địa phương với chiều dài 191 km, 16 cảng thủy nội địa. Cảng hàng không quốc tế Cát Bi được quy hoạch đạt công suất 13 triệu lượt khách/năm và 250.000 tấn hàng hóa/năm vào năm 2030; 18 triệu lượt khách/năm và 500.000 tấn/năm vào năm 2050.

Ngoài ra, Hải Phòng còn giữ vị trí trọng yếu trong vùng Duyên hải Bắc bộ, giao điểm của 2 hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và tuyến hành lang ven biển phía Bắc, là đầu mối giao thông quan trọng, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, Thành phố xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

“Hải Phòng luôn nhất quán chủ trương là phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin. Đây cũng là điều kiện quan trọng để logistics Hải Phòng phát triển”, ông Tùng khẳng định.

Trên địa bàn Thành phố hiện có 4 trung tâm logistics, trong đó có 2 trung tâm đã hoạt động là Trung tâm Logistics Green, Trung tâm tiếp vận Yusen Logistics; 2 trung tâm đang được xây dựng là Trung tâm Logistics CDC và Trung tâm Logistics tại KCN Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.

Ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C nhận định: “Cơ hội phát triển logistics tại Hải Phòng rất lớn. Các KCN được xây dựng bên cạnh cảng biển, nằm trong KKT ven biển đã và đang trở thành xu hướng tất yếu do tận dụng được tiềm lực sẵn có về đường bờ biển dài của Việt Nam, giúp vận chuyển số lượng lớn hàng hóa trên quãng đường xa với chi phí thấp. Đây là bệ phóng tăng trưởng của ngành dịch vụ cảng biển và logistics”.

Thời gian qua cũng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Hiện nay, trên địa bàn TP. Hải Phòng có khoảng 250 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics với hơn 170.000 lao động, cùng 60 kho bãi chính có tổng diện tích khoảng 701 ha. Trong đó, có khoảng 30 công ty, tập đoàn logistics đa quốc gia như DHL, UPS, FedEX...

Hải Phòng đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Phát triển KKT ven biển phía Nam, trong đó có cảng Nam Đồ Sơn, khu thương mại tự do, sân bay quốc tế Tiên Lãng và hàng chục KCN mới, mở ra dư địa rộng lớn hơn cho logistics. KKT ven biển phía Nam Hải Phòng sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, logistics hiện đại, là đầu mối của địa phương tham gia chuỗi giá trị, cung ứng của khu vực và thế giới.

Trước mắt, đến năm 2025, Hải Phòng sẽ đầu tư xây dựng thêm 1 - 3 khu dịch vụ logistics cấp quốc gia với tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 30 - 35%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GDP của Thành phố đạt 20 - 25%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 60%, sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 300 triệu tấn.

Đến năm 2030, Hải Phòng phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả 5 hệ thống giao thông, ưu tiên quỹ đất để xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics đạt tầm cỡ quốc gia và quốc tế, cơ bản hoàn thiện mạng lưới trung tâm logistics trên địa bàn. Tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 30 - 35%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GDP của Thành phố đạt 25 - 30%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 65%, các trung tâm logistics mới theo quy hoạch đảm nhận 60 - 70% tổng lượng hàng hóa, các trung tâm và khu vực cung ứng dịch vụ logistics đang khai thác đảm nhận 30 - 40%.

Quảng Ninh đưa logistics thành mũi nhọn kinh tế

Trong những năm qua, Quảng Ninh cũng luôn quan tâm phát triển dịch vụ logistics, phát huy tối đa điều kiện sẵn có và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Tỉnh đã chú trọng triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ cảng biển và ưu tiên phát triển cảng, bến gắn với dịch vụ hậu cần sau cảng.

Quảng Ninh hiện có 8 khu bến cảng và 2 khu neo đậu, chuyển tải, với sự đồng bộ về hạ tầng, dịch vụ sau cảng, được Chính phủ xác định là một trong 5 khu vực cảng biển lớn của cả nước, đảm nhận trên 50% tổng lượng hàng hóa, hành khách khu vực phía Bắc, có vai trò phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, liên vùng, cửa ngõ hoặc cảng trung chuyển quốc tế.

Tại TP. Hạ Long, khu bến cảng Hòn Gai - Cái Lân nằm trong vùng vịnh kín, luồng vào cảng ít bị sa bồi, với 25 cầu bến được xác định là cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực, bao gồm khu bến tổng hợp container Cái Lân và các bến chuyên dùng vệ tinh.

Tại TP. Cẩm Phả có 7 cầu bến, chủ yếu là cảng chuyên dùng của ngành than và các bến tổng hợp, phục vụ công nghiệp khai thác than và một số cơ sở công nghiệp tập trung khác. Trong đó, bến Cửa Ông có diện tích 20 ha với 2 cầu bến liền bờ dài 550 m, độ sâu trước bến 10,5 m; hệ thống bến phao neo Con Ong - Hòn Nét với độ sâu trên 20 m, có khả năng tiếp nhận tàu đến 120.000 tấn.

Các khu vực cảng khác như Hải Hà, Vạn Gia, Cô Tô... là cảng tổng hợp có chức năng giao lưu bằng đường biển không chỉ cho riêng khu vực, mà còn là cửa ngõ giao thương với Trung Quốc.

Theo quy hoạch, Quảng Ninh sẽ trở thành một trong những cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực, trung tâm du lịch quốc tế. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt hơn 122 triệu tấn, lưu lượng hành khách vận tải biển đạt 250.000 - 300.000 lượt, dịch vụ cảng biển đóng góp 1,2 - 1,5% GRDP của Quảng Ninh.

Định hướng đến năm 2050, Quảng Ninh sẽ là trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN; sân bay quốc tế Vân Đồn trở thành trung tâm logistics của Việt Nam, hướng tới là điểm trung chuyển cho Đông Nam Á.

Theo báo cáo, từ năm 2020 đến nay, Quảng Ninh đã thu hút gần 65.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách cho 10 dự án hạ tầng, dịch vụ cảng biển. Một trong những điểm nhấn phát triển hạ tầng dịch vụ logistics được địa phương này thực hiện là triển khai Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (TP. Móng Cái) với tổng mức đầu tư giai đoạn I trên 2.248 tỷ đồng.

Ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP. Móng Cái cho biết, Dự án Bến cảng Vạn Ninh khi đi vào khai thác (dự kiến trong năm 2025) sẽ góp phần hoàn thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng và dịch vụ cảng biển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thúc đẩy hoạt động logistics, xuất nhập khẩu, giao thương quốc tế, nhất là giao thương hàng hóa bằng đường biển giữa khu vực ASEAN với Đông Bắc Á; hình thành tuyến vận tải kết nối Móng Cái với các cảng biển lớn trong cả nước và khu vực, mở ra cơ hội hình thành tuyến vận tải biển dài nhất từ trước đến nay tới Cà Mau.

Từ thực tiễn và các quy hoạch chung, với những thuận lợi về hạ tầng, cùng những cơ chế, chính sách đặc biệt, Quảng Ninh đang tích cực phát triển logistics thành ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, với những điều kiện sẵn có và các công trình, dự án tiếp tục được đầu tư, Quảng Ninh hội tụ đủ yếu tố cần thiết để trở thành một trong những đầu mối logistics quan trọng, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa đa phương thức kết nối vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ với cả nước cũng như khu vực và thế giới.

Dự báo ngành logistics và cung ứng của Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng
Lĩnh vực logistics và quản trị cung ứng Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ với nhiều tiềm năng. Mặc dù còn không ít thách thức, nhưng logistics và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư