Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Èo uột lợi nhuận ngân hàng
Thùy Vinh - 07/11/2013 09:06
 
Nợ xấu tăng khiến lợi nhuận của các ngân hàng thương mại giảm mạnh.  

Tăng trưởng tín dụng của nhiều nhà băng tính đến hết tháng 9/2013 vẫn chưa thoát khỏi tình trạng âm, trong khi nợ xấu vẫn không ngừng phát sinh từ các khoản cho vay cũ. Đặc biệt, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn phải trích lập 100% dự phòng) đã tăng chóng mặt.

Nợ xấu đang đè nặng lên lợi nhuận của PGBank. Ảnh: Đức Thanh

Tín dụng của Navibank đến cuối tháng 9/2013 vẫn âm đến 8,95% và tăng trưởng huy động vốn âm tới 21,4%.

Trong khi đó, nợ xấu tăng khá cao, chiếm 8,7% tổng dư nợ tính đến cuối tháng 9. Với kết quả đó, dự phòng rủi ro của Navibank tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, nên lợi nhuận quý III chỉ còn 2,6 tỷ đồng, giảm tới 60% so với cùng kỳ năm 2012.

Lũy kế 9 tháng qua, Navibank chỉ đạt 10 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm gần 90% so với cùng kỳ.

Southern Bank đã ký hợp đồng bán 206 tỷ đồng nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong tháng 10 vừa qua, nhưng do nợ xấu tăng cao, nhất là nợ nhóm 5, nên lợi nhuận sau thuế của Southern Bank quý III giảm đến 71% so với cùng kỳ, còn 36 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng chỉ đạt hơn 226 tỷ đồng.

Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu của PGBank cao nhất trong toàn hệ thống tính đến cuối tháng 9/2013, chiếm đến 9,5% tổng dư nợ (tương đương 1.200 tỷ đồng), trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm hơn nửa. Nợ xấu tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế của PGBank còn lại rất ít, chỉ hơn 60 tỷ đồng trong 3 quý.

Lý giải về lợi nhuận sụt giảm mạnh, nợ xấu tăng, lãnh đạo các nhà băng cho rằng, sức khỏe doanh nghiệp yếu khiến nợ xấu tăng nhanh, trích lập cao. Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, hậu quả của ngày hôm nay là do các nhà băng đã “vung tay quá trán” trong tăng trưởng tín dụng trong những năm 2008 - 2010, trong đó tập trung nhiều vào bất động sản. Vì thế, khi thị trường nhà đất đóng băng, các ngân hàng khó kiểm soát được nợ xấu.

Nợ xấu tăng nhanh là nguyên nhân khiến lợi nhuận của ngân hàng giảm mạnh trong 3 quý đầu năm. Thế nhưng, việc kiểm soát tình hình nợ xấu trong bối cảnh hiện nay không đơn giản.

“Có thể kiểm soát được rủi ro nợ xấu đối với khoản vay mới, nhưng rất khó hạn chế được nợ xấu phát sinh từ các khoản vay cũ, do tình hình sức khỏe doanh nghiệp vẫn yếu, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ”, ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc NamA Bank nói và cho biết, với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đặt ra cho năm nay ở mức 400 tỷ đồng, NamA Bank sẽ rất khó hoàn thành, bởi 2 quý đầu năm mới đạt 50,6 tỷ đồng.

Southern Bank cũng là một trường hợp dễ thấy khi tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh đã “ăn” mòn lợi nhuận. Cụ thể, đến hết quý II/2013, nợ xấu của Southern Bank chỉ chiếm 2,78% tổng dư nợ, nên lợi nhuận đạt được quý này tăng mạnh, đạt 190 tỷ đồng. Thế nhưng, do nợ xấu của ngân hàng tăng nhanh trong quý III, nhất là nợ nhóm 5, khiến lợi nhuận sụt giảm mạnh.

Lãnh đạo DongA Bank cho biết, tăng trưởng tín dụng trong 3 quý đầu năm rất khó khăn. Tín dụng của DongA Bank trong 9 tháng tăng vỏn vẹn 1,2%. Vì thế, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng đưa ra năm nay là rất khó đạt được.

Thực tế cho thấy, hầu hết các nhà băng đều khó đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm và rất ít ngân hàng thoát được tình trạng tín dụng âm. Trong khi đó, nợ xấu từ khoản vay cũ vẫn không ngừng phát sinh, đặc biệt là tình trạng nợ chuyển sang nhóm rủi ro cao hơn. “Nợ nhóm 2, 3 chuyển xuống nhóm 4, 5 rất nhanh, khiến chúng tôi không thể trở tay kịp. Nợ xấu tăng, kéo theo trích lập dự phòng cao, dẫn đến lợi nhuận giảm”, lãnh đạo DongA Bank nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư