Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
EU tăng nhập khẩu rau quả Việt Nam
Thế Hoàng - 27/02/2023 14:12
 
Việt Nam là nhà cung cấp rau quả lớn thứ 59 cho EU năm 2022, ước đạt 235 triệu USD, tăng gần 8% về lượng và tăng 35% về trị giá so với cùng kỳ 2021.
EU tăng nhập khẩu rau quả từ thị trường Việt Nam.
Với việc thực thi EVFTA, EU đang tăng nhập khẩu rau quả từ thị trường Việt Nam.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang thực thi đã góp phần đưa nhiều loại hàng hóa của Việt Nam tăng tốc xuất khẩu sang EU, trong đó có mặt hàng rau quả, nhờ lợi thế về các ưu đãi thuế quan.

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), nhập khẩu hàng rau quả của EU (HS 06, 07, 08, 20, không tính HS 080131 và 080132) trong 11 tháng năm 2022 đạt 78,4 triệu tấn, trị giá 115,1 tỷ USD, giảm 0,4% về lượng, nhưng tăng 9,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Việt Nam là thị trường cung cấp hàng rau quả lớn thứ 59 cho EU trong 11 tháng năm 2022, đạt 74.000 tấn, trị giá 215 triệu USD, tăng 7,8% về lượng và tăng 35,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Ước kim ngạch xuất khẩu cả năm 2022 vào khoảng 235 triệu USD.

Trị giá tăng cao, do giá nhập khẩu bình quân từ Việt Nam đạt 2.723,1 Euro/tấn, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2021. 

Hầu hết các chủng loại hàng rau quả EU nhập khẩu từ Việt Nam hiện vẫn chiếm tỷ trọng thấp so với nhu cầu nhập khẩu của khối này trong 11 tháng năm 2022. Trong đó, nhóm quả và quả hạch (HS 08) EU nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam, tuy nhiên tỷ trọng chỉ chiếm 0,09% tổng trị giá nhập khẩu.

Tiếp theo là chủng loại rau và một số loại củ, thân củ và rễ ăn được (HS 07), chỉ chiếm 0,03%. Đáng chú ý, mới đây việc châu Âu gỡ bỏ kiểm soát 50% với 4 loại rau gia vị được kỳ vọng sẽ thúc đẩy trị giá xuất khẩu chủng loại này trong thời gian tới.

Hàng rau quả của Việt Nam được xuất khẩu sang các nước thành viên EU với các thị trường xuất khẩu chủ lực là Hà Lan, Pháp, Đức, Italia, Bỉ....

Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật SPS Việt Nam cho hay, 4 sản phẩm: mùi tây, rau mùi, húng quế, bạc hà của Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu sẽ không còn áp dụng các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp. Đây là thành quả đạt được sau 6 tháng tích cực đàm phán, cam kết đảm bảo chất lượng từ phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý của Việt Nam.

Trước khi EVFTA có hiệu lực, rau quả Việt Nam xuất khẩu vào EU đã được hưởng mức thuế suất ưu đãi theo Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), nhưng vẫn ở mức khá cao từ 10 - 20%.

Từ ngày 1/8/2020, EVFTA có hiệu lực, khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến được EU cắt giảm về 0%, trong đó có nhiều mặt hàng rau, quả có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Thuế giảm mạnh theo EVFTA là một lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các mặt hàng nông sản của các nước ở châu Á (vì có nhiều mặt hàng tương đồng), đặc biệt với hai thị trường nông sản lớn Thái Lan và Trung Quốc, do chưa có Hiệp định thương mại tự do với EU.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, EU là một trong các thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Hiệp định EVFTA được coi là cơ hội để nông sản Việt liên kết sâu rộng vào thị trường lớn, có giá bán cao, nhưng cũng là thách thức đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa để tăng trưởng xuất khẩu bền vững sang thị trường  này.

Xuất khẩu sang EU được lợi từ EVFTA
Hiệp định EVFTA đi vào thực thi hơn 2 năm đã tạo ra cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường 27 nước thành viên EU..
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư