Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xuất khẩu sang EU: Chuyển đổi để thích ứng là yêu cầu sống còn
Thế Hoàng - 13/02/2023 09:12
 
Đối diện với sức mua sụt giảm và các yêu cầu khắt khe hơn, nhưng xuất khẩu nhiều ngành hàng của Việt Nam sang EU trong năm 2023 vẫn có cơ hội tăng trưởng, nếu kịp thời chuẩn hóa sản xuất để tăng độ thích ứng và tận dụng tốt EVFTA.
Những mặt hàng xuất khẩu lớn sang EU năm 2022 (tỷ USD)
Những mặt hàng xuất khẩu lớn sang EU năm 2022 (tỷ USD)     Nguồn: Tổng cục Hải quan.      Đồ họa: Đan Nguyễn

Quy định khắt khe hơn với hàng nhập khẩu

Việt Nam đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá hơn 46 tỷ USD sang thị trường 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2022, tăng 15% so với năm 2021.

Kết quả xuất khẩu sang EU có sự hỗ trợ đáng kể từ việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Hiệp định thương mại tự do song phương này đã tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu, giúp nhiều nhà nhập khẩu EU biết tới các nhà cung ứng Việt Nam hơn…

Nhưng năm 2023 không thể nói chắc về đà tăng của xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU, do phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như lạm phát, đà tăng trưởng chậm của kinh tế châu lục này, xu hướng cắt giảm tiêu dùng

Ngoài ra, một điểm khó hơn với nông - thủy sản, hàng dệt may, giày dép là EU tiếp tục bổ sung các quy định mới nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, cũng như yêu cầu về sản xuất xanh, bền vững, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Việc EU dựng lên nhiều tiêu chuẩn và quy định mới theo hướng chặt chẽ hơn, đề cao độ an toàn, bền vững, môi trường, đề cao sản phẩm xanh… buộc doanh nghiệp Việt phải cập nhật thông tin, chuyển đổi để tận dụng dư địa tăng tốc xuất khẩu.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương)

Chương trình phối hợp kiểm soát của EU giai đoạn 2023-2025 nhằm đảm bảo tuân thủ mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa và việc đánh giá mức độ phơi nhiễm của người tiêu dùng đối với dư lượng thuốc trừ sâu trên và trong thực phẩm có nguồn gốc động vật cũng là rào cản với các nhà xuất khẩu.

Theo đó, các quốc gia thành viên EU sẽ lấy và phân tích mẫu cho các tổ hợp thuốc trừ sâu. Các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật và động vật sẽ được lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra, như cam, táo, chuối, kiwi, bưởi, hành tây, cà rốt, bông cải xanh, cải bắp, đậu, ớt, gạo xát vỏ, mỡ gia cầm, sữa bò, trứng gà… Các sản phẩm này, ngoài việc kiểm tra tại cửa khẩu, sẽ bị hậu kiểm, lấy ngẫu nhiên hàng tại các siêu thị để kiểm tra. Nếu có dấu hiệu vi phạm, các cơ quan hữu quan sẽ đến kho hàng nhập khẩu để tiếp tục kiểm tra.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Bắc Âu cho biết, gần đây, có lô hàng gạo của Việt Nam bị yêu cầu thu hồi khỏi thị trường do vượt quá mức quy định về thuốc trừ sâu. Mặc dù mức dư lượng vượt ngưỡng không đáng kể, nhưng việc thu hồi gạo trên thị trường và tái xuất về Việt Nam là bắt buộc, vì nếu để tiêu hủy tại chỗ sẽ tốn kém hơn việc đưa hàng về.

“Yêu cầu với hàng hóa nhập khẩu tăng lên từ nhà mua hàng đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải nghiên cứu, chuyển đổi mô hình sản xuất, nhằm đáp ứng tốt nhất thị hiếu ở thị trường EU, tận dụng EVFTA tốt hơn”, bà Thúy chia sẻ.

Tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sang EU đã giảm gần 34% so với cùng kỳ, chỉ đạt 2,9 tỷ USD. Sự giảm sút này có nguyên nhân chính là kỳ nghỉ Tết kéo dài và một phần do nhu cầu nhập khẩu tại EU đã giảm từ cuối năm ngoái.

Điều khiến nhà xuất khẩu e ngại là những rào cản kỹ thuật ở một số nước nhập khẩu được áp dụng quá nhanh, từ thời điểm ban hành đến khi thực thi chỉ vài tháng, khiến doanh nghiệp trong nước trở tay không kịp.

Tuân thủ là yêu cầu sống còn

Theo lộ trình đã cam kết, năm 2023, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng thuế 0%. Việt Nam cũng là một trong số ít nước châu Á có FTA với EU, nên có những thuận lợi để tăng tốc xuất khẩu.

Tuy nhiên, sẽ không có ưu đãi nào, thậm chí doanh nghiệp phải chịu nhiều tổn thất, nếu xuất khẩu các lô hàng không đạt chuẩn do thiếu cập nhật thông tin mới về các quy định mà quốc gia nhập khẩu mới ban hành.

Ngành dệt may với doanh thu xuất khẩu gần 4,5 tỷ USD sang thị trường này trong năm qua cũng đứng trước những yêu cầu cao hơn về sản phẩm xanh, không tồn dư hóa chất gây hại cho người dùng.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, doanh nghiệp muốn duy trì và mở rộng thị phần xuất khẩu sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật từ các nước nhập khẩu hàng hóa.

Trên thực tế, những doanh nghiệp xuất khẩu trong nước theo dõi sát diễn biến của thị trường cũng như chủ động trong chuyển đổi sản xuất, thì vẫn đảm bảo có đơn hàng lớn và giá trị cao, đơn giá cũng tăng lên.

Hiện tại, một bộ phận doanh nghiệp dành một phần nguồn lực để tăng đầu tư chuyển đổi sản xuất để cung ứng sản phẩm cuối cùng có tính bền vững cao, giảm hóa chất, tiêu hao nguyên nhiên vật liệu trong quá trình sản xuất…

Là một trong những doanh nghiệp có đơn hàng chanh leo xuất khẩu lớn sang EU, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cho rằng, EU đặt ra yêu cầu cao với hàng nhập khẩu cũng là điều tốt cho các doanh nghiệp, khi đáp ứng được yêu cầu nhờ quy hoạch vùng trồng tốt, sản xuất theo chuỗi giá trị, kiểm soát được mọi khâu trong sản xuất, chế biến.

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Doveco khẳng định, xuất khẩu rau quả sang EU không quá khó và dư địa rất lớn.

Trong điều kiện thị trường khó khăn vì tổng cầu giảm, lạm phát cao tại nhiều nền kinh tế lớn, doanh nghiệp xuất khẩu càng phải nắm bắt nhanh thông tin để điều chỉnh hoạt động sản xuất cho phù hợp với tình hình thị trường.

Bộ Công thương khuyến cáo, để tránh vi phạm quy định của các thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, tìm hiểu thị trường, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến các biện pháp kỹ thuật của từng thị trường để đảm bảo tuân thủ đầy đủ trước khi xuất khẩu. 

EVFTA tạo xung lực mới cho thương mại và đầu tư Việt Nam – EU
Việt Nam - nền kinh tế đang tỏa sáng với mức tăng trưởng cao và EU - nơi có thị trường gần 450 triệu dân, đang gia tăng hợp tác thương mại và đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư