Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thỏa mãn xuất xứ, gần 19 tỷ USD hàng hóa đi EU được ưu đãi theo EVFTA
Thế Hải - 11/12/2022 12:45
 
Một lượng hàng hóa xuất khẩu sang EU trị giá gần 19 tỷ USD đã được hưởng ưu đãi thuế quan nhờ đáp ứng được tiêu chí xuát xứ để được cấp C/O EUR.1 trong 2 năm thực thi EVFTA.
8,9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu giày dép sang EU được ưu đãi thuế quan theo EVFTA.
8,9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu giày dép sang EU được ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

Gần 19 tỷ USD hàng hóa hưởng ưu đãi thuế theo EVFTA

Mức độ các lô hàng xuất khẩu đi EU được cấp giấy chứng nhận xuất xứ EUR.1  trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang chiếm 20% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đi EU và đây là  con số được nhìn nhận khá tích cực.

Đó là khẳng định của bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương khi đánh giá về tình hình sử dụng chứng nhận xuất xứ trong EVFTA.

Hàng xuất khẩu Việt Nam đi EU chủ yếu được cấp C/O đến những thị trường có cảng biển hoặc là các trung tâm phân phối của châu Âu, như Bỉ, Đức, Hà Lan và Pháp...Những lô hàng này đều có điểm chung là gia tăng được hàm lượng xuất xứ Việt Nam.

EVFTA là một trong những FTA có tỷ lệ tận dụng ưu đãi cao nhất. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tỷ lệ hàng xuất khẩu được cấp C/O theo tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA năm 2020 đạt 14,8%, tăng lên 20,2% năm 2021. 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 sang EU đạt 5,84 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính trong 2 năm thực thi EVFTA (từ ngày 1/8/2020 đến 31/7/2022), khoảng 18,7 tỷ USD hàng xuất khẩu được cấp C/O mẫu EUR.1 đi 27 nước EU, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.

Những mặt hàng có kim ngạch cao được cấp giấy chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ EVFTA gồm có da giày, thủy sản, rau quả... Trong đó, C/O xuất khẩu sang Đức đã được cấp 3,2 tỷ USD trong hai năm đầu thực hiện EVFTA, cấp đi Bỉ là 3,5 tỷ USD.

Đối với mặt hàng da giày đã có khoảng 8,9 tỷ USD được cấp C/O EUR.1. Tổng kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O trong khuôn khổ EVFTA là 18,7 tỷ trong hai năm đầu thực hiện EVFTA.

Nhìn từ số lượng C/O EUR.1 được cấp cho hàng hóa xuất khẩu, bà Hiền đánh giá, EVFTA đã phát huy hiệu quả bước đầu của một hiệp định có thực chất và rất được kỳ vọng. 

Lượng hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA, chiếm khoảng 20% tỷ lệ hàng xuất đi EU được cấp C/O EUR.1 cho thấy, các doanh nghiệp xuất khẩu đã đáp ứng được quy tắc xuất xứ hàng hóa mà FTA này quy định.

Nhưng, con số 20% kim ngạch hàng hóa được cấp C/O mẫu EUR.1 không có nghĩa là 80% kim ngạch xuất khẩu còn lại đang phải chịu thuế cao, bà Hiền giải thích.

Bởi có những dòng thuế trong WTO đã bằng 0 rồi, không cần phải có giấy chứng nhận xuất xứ. Thứ hai hàng xuất khẩu đi EU có thể có một lựa chọn khác đấy là hưởng ưu đãi thuế quan theo chế độ thuế quan phổ cập GSP của EU dành cho các nước kém và đang phát triển, trong đó có Việt Nam; thứ ba là doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ cho những lô hàng mà có kim ngạch trị giá từ 6000 Euro trở xuống.

Trong số các nhóm hàng công nghiệp xuất khẩu, giày dép là ngành có tỷ lệ kim ngạch xuất đi EU được hưởng ưu đãi thuế quan cao nhất. Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho rằng, hiệp định EVFTA góp phần rất tốt trong thành tích xuất khẩu của ngành da giày nhìn ở cả con số tăng trưởng, gia tăng thị phần và hưởng ưu đãi.

Nếu trước khi EVFTA có hiệu lực, tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường EU chiếm vào khoảng 22 - 23%, nhưng hiện giờ đã tăng lên 26%.

Đặc biệt, năm 2021, khi ngành da giày chịu tác động của đại dịch Covid, xuất khẩu sang nhiều thị trường sụt giảm, nhưng với EU vẫn có tăng trưởng và sự tăng trưởng này có tác động tích cực từ EVFTA.

Nhờ thế kim ngạch xuất khẩu của ngành năm 2021 vẫn đạt kế hoạch đề ra và trong thời gian 9 tháng 2022, mức độ tăng trưởng sang EU đạt 15% so với cùng kỳ. Gần 9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu giày dép đã được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Lefaso cho hay, việc tận dụng không có nhiều khó khăn với những doanh nghiệp đã tham gia xuất khẩu thành công vào EU, nhưng với doanh nghiệp mới bắt đầu tham gia xuất khẩu vào thị trường EU cần tìm hiểu để nắm rõ các quy định, thủ tục để áp dụng hiệu quả hơn trong quá trình thực thi, nhất là khâu hoàn thiện các chứng từ cho hàng hóa xuất khẩu theo đúng yêu cầu của EVFTA.

Các doanh nghiệp xuất khẩu đồng thời cũng được lưu ý về việc lập hệ thống lưu trữ chứng từ, hồ sơ nhằm đề phòng trường hợp sau này, nếu có yêu cầu xác minh xuất xứ, hậu kiểm thì hoàn toàn có đầy đủ khả năng chứng minh xuất xứ cho những lô hàng đã xuất khẩu với cơ quan hải quan nước nhập khẩu.

Khu vực thị trường EU với 500 triệu dân, nhu cầu nhập khẩu khoảng 2.500 tỷ USD hàng hóa mỗi năm, EVFTA tạo thuận lợi cho các ngành hàng, doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường EU thuận lợi hơn nhưng không đồng nghĩa với việc dễ dàng tăng xuất khẩu và hưởng ưu đãi theo cam kết nếu doanh nghiệp không tìm hiểu kỹ và tuân thủ, đầu tư gia tăng hàm lượng xuất xứ Việt Nam trong sản phẩm xuất khẩu sang thị trường EU.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng khi xử lý hồ sơ đề nghị cấp C/O, thậm chí còn thiếu kiến thức và năng lực chuyển đổi sản xuất nhằm đáp ứng các yêu cầu từ phía EU đề ra.

Tại buổi tập huấn cho đại diện các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sang EU nhằm cập nhật về các tiêu chí xác định xuất xứ hàng hóa trong EVFTA, so sánh với hệ thống GSP và trao đổi về quy trình, các thủ tục cấp C/O theo mẫu EUR.1, ông Peter Bernhardt, Tư vấn trưởng của Dự án ARISE+ (Do EU tài trợ) cho rằng,  Việt Nam cần tiếp tục đánh giá t tình hình triển khai EVFTA, cùng làm rõ các khó khăn vướng mắc, từ đó đưa ra các giải pháp, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng ưu đãi EVFTA thực chất hơn.

Việt Nam và Bỉ nỗ lực tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đem đến cơ hội giúp hai nước Việt Nam và Bỉ đẩy mạnh thương mại, đầu tư song phương, nhất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư