Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
EVFTA - “sức bật” cho hàng Việt sang EU
Hải Yến - 31/10/2021 08:31
 
Sự chuẩn bị tốt từ doanh nghiệp, sự chủ động gỡ bỏ rào cản, thuận lợi hóa thương mại, khơi thông điểm nghẽn… của các bộ, ngành là cơ sở để nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định EVFTA.
Đóng gói đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường châu Âu
Đóng gói đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

 “Sức bật” cho hàng Việt sang EU

Khoảng 10.000 tấn gạo thơm chất lượng cao đã được Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu sang EU, chủ yếu là Hà Lan, Ba Lan, Thụy Điển, Đức, Pháp… trong 9 tháng năm 2021. Các chủng loại gạo Jasmine 85, DT 8, OM18, đặc biệt là Lộc Trời 28 đã được hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Nhờ đó, doanh nghiệp vừa có giá xuất khẩu cao, vừa được hưởng thuế 0%.

Tuy lượng gạo xuất sang EU chỉ chiếm một lượng nhỏ trong 100.000 tấn gạo xuất khẩu hàng năm của Lộc Trời, nhưng tỷ trọng gạo của doanh nghiệp này trong tổng lượng gạo của Việt Nam vào EU lên đến gần 70%. “Kết quả này có được sau cả một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều năm nhằm khai thác tốt nhất các FTA với nhiều thị trường lớn”, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời khẳng định.

TH gặp phải rào cản kỹ thuật khi nhập hàng hóa từ EU

Chia sẻ về thời cơ tận dụng EVFTA trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu, ông Nguyễn Quang Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chuỗi cung ứng quốc tế thuộc Tập đoàn TH cho biết, trước đây, việc nhập khẩu máy móc của Tập đoàn TH chủ yếu từ Mỹ và các quốc gia khác, phần từ EU khá thấp. Sau khi có EVFTA, lượng hàng nhập từ EU về khá lớn, nhất là với nguyên liệu trong chăn nuôi hay máy móc thiết bị nông nghiệp.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà TH đang gặp phải khi nhập khẩu hàng hóa từ EU là những vấn đề về rào cản kỹ thuật. Ví dụ, TH muốn nhập khẩu cỏ về sử dụng trong chăn nuôi, nhưng bắt buộc phải có hiệp định trao đổi về kiểm dịch thực vật. “Doanh nghiệp kỳ vọng, Bộ Công thương trở thành đầu mối để liên kết với các bộ, ngành liên quan nhằm gỡ bỏ rào cản thương mại theo đúng tinh thần của EVFTA”, ông Hải nói.

Đơn cử, để đáp ứng 509 tiêu chí trong danh mục quản lý chất lượng gạo vào EU, Viện Nghiên cứu nông nghiệp thuộc Tập đoàn Lộc Trời đã xây dựng quy trình quản lý mùa vụ với các tiêu chí nghiêm ngặt từ khâu chọn giống đến khi ra thành phẩm với nhiều bước.

Lộc Trời là một trong các doanh nghiệp Việt Nam có kết quả tận dụng EVFTA ấn tượng, đóng góp vào sự tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU từ tháng 8/2020 đến nay. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, thương mại Việt Nam - EU sau một năm thực thi EVFTA đạt 54,87 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 34,48 tỷ USD, tăng 11,3% và nhập khẩu đạt 16,39 tỷ USD, tăng 14,04%.

Trong 9 tháng năm 2021, dù Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng tại nhiều vùng sản xuất trọng điểm phía Nam, nhưng Việt Nam - EU vẫn đạt mức tăng trưởng cao về kim ngạch thương mại. Con số đạt được là 41,3 tỷ USD, tăng 13,4%, trong đó xuất khẩu đạt 28,85 tỷ USD, tăng 11,7% và nhập khẩu tăng 17,6% với 12,4 tỷ USD.

Điều đáng mừng hơn cả là ngày càng nhiều doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi từ EVFTA. “Năm đầu tiên thực thi hiệp định này, đã có gần 208.000 bộ C/O mẫu EUR.1 được cấp, với kim ngạch 7,71 tỷ USD đi 27 nước EU. Ngoài ra, còn 6.115 lô hàng xuất đi EU được các doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ”, thống kê của Cục Xuất nhập khẩu cho biết.

Vượt qua trở ngại

Tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU, sức bật cho hợp tác thương mại và đầu tư trong bối cảnh bình thường mới do Bộ Công thương tổ chức hôm 27/10, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An khẳng định, năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam ngày càng được cải thiện rõ tại EU. Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN, với thương mại hai chiều đạt 43,2 tỷ euro.

“Đây là kết quả đáng ghi nhận sau hơn một năm thực thi EVFTA, đồng thời là cơ sở để Việt Nam có thể lạc quan vào một sức bật mạnh mẽ hơn trong giai đoạn bình thường mới với nền tảng vững chắc của EVFTA và tới đây là Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA)”, ông An khẳng định.

Tại Diễn đàn trên, Đại sứ Pier Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam chia sẻ, thị trường EU có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng nông sản, trong đó có trái cây nhiệt đới. Nhờ EVFTA, nhiều dòng rau quả trước đây chịu mức thuế suất 10-20% thì nay về 0%, tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn đối với các nước chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc và một số nước châu Mỹ Latinh.

Đáng tiếc là rau quả của Việt Nam xuất sang EU còn hạn chế do chưa đáp ứng được các quy tiêu chuẩn cao của thị trường này. Mỗi năm, EU nhập khẩu khoảng 130 tỷ euro rau quả, nhưng rau quả Việt Nam mới chiếm chưa tới 1% thị phần tại thị trường này.

Đại sứ Pier Giorgio Aliberti lưu ý, để có tăng trưởng bền vững trong thương mại và đầu tư với EU nhìn từ cơ hội EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rõ thách thức với lĩnh vực của mình, không nên chỉ nhìn vào số lượng, mà cần nhìn vào chất lượng, kể cả trong thu hút đầu tư cũng như xuất khẩu, thì mới bền vững.

Điều quan trọng là, Việt Nam cần hiện đại hóa trong thông quan hàng hóa, loại bỏ những quy định đã lỗi thời, hay vấn đề liên quan đến tuân thủ, giảm bớt thủ tục cho doanh nghiệp, để việc thực thi EVFTA được hiệu quả hơn nữa. Với EVFTA và tới đây là EVIPA, doanh nghiệp châu Âu có thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt thuận lợi trong việc mua công nghệ từ EU, đáp ứng quy trình chế biến để đạt chuẩn xuất khẩu lâu dài sang thị trường lớn này.

EVFTA thúc đẩy nhà đầu tư Đức mở rộng quy mô dự án
Sau hơn một năm có hiệu lực, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mang lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư Đức tại Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư