Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
EVFTA đang được khai thác tốt
Thế Hải - 04/04/2021 14:29
 
Kết quả xuất khẩu hàng hóa sang EU tăng trưởng ấn tượng trong quý I/2021 có được một phần là nhờ các ngành hàng xuất khẩu khai thác tốt Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
.
Hàng dệt may là một trong những ngành hàng tăng trưởng tốt và đạt giá trị lớn. Ảnh: Chí Cường.

Xuất khẩu sang EU tăng tốc

Theo số liệu của Bộ Công thương, quý I/2021, xuất khẩu hàng hóa sang EU tăng 18% (tương đương 1,53 tỷ USD), đạt 9,932 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020. Những ngành hàng tăng trưởng tốt và đạt giá trị lớn là điện thoại, linh kiện điện tử, hàng dệt may, nông thủy sản…

Để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng EVFTA nhằm tăng xuất khẩu sang EU, mới đây, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), Viện Khoa học Quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam (VIDEM), Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) ra mắt chương trình hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp khai thác EVFTA thông qua Sàn thương mại điện tử doanh nghiệp Việt Nam - EU (Vefta). Chương trình giúp hiện thực hóa “tuyến đường cao tốc quy mô lớn” để kết nối doanh nghiệp Việt với các đối tác châu Âu.

Nguồn: Bộ Công thương

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, một trong những động lực tăng trưởng xuất khẩu sang EU chính là EVFTA đã và đang được các doanh nghiệp tận dụng nhanh nhạy. “Dù chưa có thống kê về tỷ lệ cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi theo cam kết trong EVFTA, nhưng ở bình diện chung, xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau khi hiệp định này được thực thi, như thủy sản, tôm, gạo…”, ông Hải phân tích.

Các thị trường trong khối EU có mức nhập khẩu hàng Việt tăng trong quý I/2021 gồm: Hy Lạp tăng 23,5%, Cộng hòa Séc tăng 64,7%, Bồ Đào Nha tăng 36,6%, Italia tăng 26,4%, Bỉ tăng 19,9%, Ireland tăng 23,2%, Áo tăng 10,3%, Đan Mạch tăng 20,2%...

Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt 43,7 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này 18,5 tỷ USD. Châu Âu hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc.

Sau khi đạt mức tăng 6,1% trong năm 2020, trị giá hơn 500 triệu USD tại EU, xuất khẩu tôm của nước ta tiếp tục ghi điểm tại thị trường này trong quý I/2021, ước đạt trên 150 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) dự báo, xuất khẩu tôm sang EU có thể đạt gần 700 triệu USD. Quan trọng hơn, nhờ EVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu vào EU được giảm từ mức cơ bản 12-20% xuống 0%, trừ thuế với mặt hàng tôm chế biến, phải 7 năm sau khi EVFTA có hiệu lực mới về 0%.

Sự vào cuộc của các ngành hàng trong khai thác EVFTA thể hiện rõ ở số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gia tăng. Đơn cử, với ngành thủy sản, trước khi EVFTA có hiệu lực (ngày 1/8/2020), số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tới EU là 370 doanh nghiệp. Nhưng sau khi EVFTA có hiệu lực được 5 tháng, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản tới EU đã tăng lên 409 doanh nghiệp, hầu hết đều là những doanh nghiệp có uy tín và khả năng cung ứng tốt.

Triển vọng sáng

Hiệp định EVFTA đã có tác động tích cực đến hoạt động thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và EU, dù thời gian đi vào thực thi mới có 8 tháng. Triển vọng trong những năm tới rất tích cực, bởi Việt Nam là một trong số ít quốc gia tại châu Á có hiệp định thương mại với EU (sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore).

Với kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 4,3 tỷ USD mỗi năm, ngành dệt may có thể tận dụng quy tắc xuất xứ nhờ thỏa thuận về cộng gộp vải nhập từ Hàn Quốc được ký cuối năm 2020, từ đó được hưởng ưu đãi thuế để tăng xuất khẩu sang thị trường này. Thỏa thuận này giúp hàng may từ Việt Nam vào EU có tỷ lệ đáp ứng quy tắc xuất xứ tới 50%. 

EU là thị trường có quy mô lớn về nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may với kim ngạch nhập khẩu trị giá hơn 250 tỷ USD/năm. Năm 2020, xuất khẩu hàng dệt may nước ta sang thị trường này giảm 450,7 triệu USD chủ yếu do xuất khẩu nhiều mặt hàng giảm như áo jacket, quần, áo sơ-mi, đồ lót… Nhưng điểm sáng là xuất khẩu quần áo bảo hộ lao động và bảo hộ y tế tăng tới 72,5%, đạt 228 triệu USD so với năm 2019.

Ông Cao Hữu Hiếu, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, nhiều doanh nghiệp trong Tập đoàn đang khai thác tốt đơn hàng xuất đi EU. Ở mảng đồ bảo hộ, phòng dịch, những doanh nghiệp như May 10, Donagamex, Nhà Bè… đã có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 và dự kiến duy trì cả năm 2021.

“Năm 2020, dù xuất khẩu giảm do Covid-19, nhưng thị phần hàng dệt may của Việt Nam tại EU vẫn được cải thiện so với năm 2019. Đây là cơ sở vững chắc cho các dự báo khả quan về xuất khẩu hàng dệt may sang EU trong thời gian tới, đặc biệt khi nhu cầu nhập khẩu từ thị trường này hồi phục”, ông Hiếu dự báo.

Với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm trên 6 tỷ USD sang EU, ngành da giày, túi xách cũng đang tận dụng khá tốt EVFTA. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách (Lefao) thông tin, xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh như giày thể thao sang EU tăng trưởng mạnh trên 10% trong quý I/2021. Đây là nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu vào EU và được ưu đãi thuế 0% ngay từ ngày 1/8/2020. 

Báo cáo đánh giá tác động EVFTA của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán, khi hiệp định này có hiệu lực, sẽ góp phần làm gia tăng đáng kể xuất khẩu của ngành da giày vào EU. Tốc độ tăng xuất khẩu vào EU dự báo sẽ gấp đôi vào năm 2025 và tổng kim ngạch xuất khẩu da giày sẽ tăng khoảng 34%, sản lượng toàn ngành tăng ở mức 31,8%.

Việt Nam - Slovenia thúc xúc tiến hợp tác thương mại, đầu tư theo EVFTA
Những cam kết cắt giảm thuế quan đối với hàng có xuất xứ Việt Nam và Slovenia trong EVFTA sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh, giúp tăng xuất khẩu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư