Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 17 tháng 09 năm 2024,
EVNGENCO3: Triển vọng sáng từ phục hồi nhu cầu điện
Lâm Vũ - 19/01/2022 08:30
 
Kinh tế dự báo tăng trưởng trở lại trong năm 2022 sẽ giúp sản lượng tiêu thụ của Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) phục hồi.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này vẫn khó dự báo do biến động giá nguyên vật liệu đầu vào.


Năm 2021: Diễn biến tỷ giá thuận lợi hỗ trợ lợi nhuận

EVNGENCO3 có 3 công ty nhiệt điện hạch toán phụ thuộc là Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ (2.540 MW), Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân (1.279 MW), Công ty Nhiệt điện Mông Dương (1.080 MW). Trong lĩnh vực thủy điện, thông qua Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, EVNGENCO3 có 3 nhà máy với tổng công suất 586 MW. Bên cạnh đó, EVNGENCO3 đang sở hữu Nhà máy Điện mặt trời Vĩnh Tân 2 với công suất 42,65 MWp.

Ngoài ra, EVNGENCO3 có 2 công ty con là CTCP Nhiệt Điện Bà Rịa và CTCP Nhiệt điện Ninh Bình, cùng một số công ty liên kết.

Với tổng công suất lắp đặt 6.559 MW, EVNGENCO3 hiện là một trong những là doanh nghiệp sản xuất điện năng lớn nhất cả nước, chiếm khoảng 10% công suất lắp đặt toàn hệ thống. Sản lượng phát điện bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 31 tỷ kWh.

Với đặc thù nhu cầu tiêu thụ điện gắn liền với mức độ tăng trưởng của nền kinh tế, trong năm 2020, do chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, tăng trưởng tiêu thụ điện chững lại và doanh thu của EVNGENCO3 đã giảm 8,6% so với thực hiện năm 2019, lợi nhuận gộp giảm 5,96%.

Bức tranh khó khăn cũng diễn ra trong năm 2021 khi dịch bệnh và chi phí nhiên liệu tăng cao, ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng huy động của các nhà máy nhiệt điện và khiến doanh thu 9 tháng của Công ty giảm 7,72% so với thực hiện cùng kỳ năm 2020.

Theo báo cáo tài chính của EVNGENCO3, tính đến ngày 30/9/2021, dư nợ vay của Công ty có giá trị 45.063 tỷ đồng, chiếm 63,9% cơ cấu nguồn vốn. Phần lớn các khoản vay của Công ty là các khoản vay dài hạn phục vụ đầu tư nhà máy và được trả nợ theo lộ trình được ký kết ban đầu với số tiền hàng năm vào khoảng 5.000 tỷ đồng.

Trong 9 tháng năm 2021, bên cạnh việc giảm nợ giúp Công ty giảm chi phí lãi vay, EVNGENCO3 còn hưởng lợi từ xu hướng giảm lãi suất. Theo báo cáo của Bộ phận Phân tích thuộc CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Viecombank, lãi suất Libor (lãi suất cho vay liên ngân hàng London) 6 tháng đã giảm rất mạnh, từ 1,9% đầu năm 2020 còn 0,153% đến tháng 8/2021. Nhờ vậy, EVNGENCO3 có thể tiết kiệm 250 - 300 tỷ đồng lãi vay từ phần lãi suất Libor giảm do một số khoản vay lớn của Công ty bằng USD được điều chỉnh theo lãi suất Libor 6 tháng + biên độ.

Một động lực đáng kể trong 9 tháng năm 2021 còn đến từ diễn biến thuận lợi của tỷ giá các đồng tiền lớn như USD, JPY, CNY, giúp Công ty ghi nhận lợi nhuận từ chênh lệch tỷ giá lên đến 1.041 tỷ đồng, tăng gấp gần 90 lần cùng kỳ năm 2020.

Cập nhật con số ước tính tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, lãnh đạo Tổng công ty cho biết, lợi nhuận trước thuế ước đạt 3.414 tỷ đồng, tăng 48,9% so với năm 2021 và vượt kế hoạch đề ra.

Triển vọng tăng trưởng sáng nhờ nhu cầu tiêu thụ điện phục hồi

Theo báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh 11 tháng đầu năm 2021 của EVNGENCO3, sản lượng điện sản xuất lũy kế 11 tháng đã giảm 9,27% so với cùng kỳ năm 2020 do chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, tình hình sản xuất, kinh doanh đã phục hồi tốt từ tháng 10/2021 sau khi các biện pháp giãn cách được nới lỏng.

Tiêu thụ điện được dự báo sẽ tăng trưởng khả quan trong năm nay, với mức tăng 9 - 12%.

Tuy vậy, trong năm 2022, EVNGENCO3 được đánh giá vẫn sẽ phải đối mặt với những khó khăn nhất định do biến động giá của các loại nhiên liệu than, dầu mỏ, khí đốt. Sự bất ổn, khó lường trong diễn biến giá các nguyên liệu chính cho sản xuất điện sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của các nhà máy nhiệt điện, nguồn công suất chủ yếu của Công ty.

Đối với mảng thủy điện, tình hình cũng có thể khó khăn hơn khi các bản tin dự báo thời tiết cho biết trạng thái La Nina sẽ yếu dần và chuyển dần sang  El Nino trong nửa cuối năm 2022, tương ứng với lượng mưa giảm dần tại nhiều khu vực. Đối với mảng năng lượng tái tạo (điện mặt trởi) đóng góp trong tổng công suất của EVNGENCO3 hiện còn khá nhỏ.

Về hoạt động tài chính, với dư nợ còn lại lên đến hơn 45.000 tỷ đồng, chi phí lãi vay hiện chiếm tỷ trọng khá lớn trong cấu trúc chi phí của Công ty và thời gian thực hiện trả nợ của EVNGENCO3 vẫn còn khá dài. Nhu cầu trả nợ hàng năm lớn cũng ảnh hưởng đến tốc độ tích lũy dòng tiền, khả năng gia tăng chi trả cổ tức.

Với các khoản vay chủ yếu được tính theo lãi suất thả nổi, kết quả kinh doanh của Công ty rất nhạy cảm với biến động lãi suất trong nước cũng như trên thị trường tài chính thế giới.

Mặc dù hưởng lợi từ biến động tỷ giá trong năm 2021, nhưng biến động tỷ giá cũng sẽ là ẩn số khó lường đối với bức tranh lợi nhuận của Công ty trong bối cảnh thị trường tài chính - tiền tệ thế giới nhiều biến động.

Doanh thu 11 tháng của EVNGENCO3 (PGV) ước đạt 33.073 tỷ đồng
Doanh thu 11 tháng đầu năm 2021 riêng công ty mẹ EVNGENCO3 ước đạt 33.073 tỷ đồng. Chính sách nới lỏng giãn cách tại các địa phương là động lực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư