Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
EVNGENCO3 và chiến lược đầu tư dự án nguồn điện mới
Thanh Thuỷ - 15/06/2022 11:13
 
Cam kết tại COP26 cùng Quy hoạch điện VIII được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các dự án NLTT. Đầu tư nguồn điện mới với dự án LNG, thuỷ điện và điện gió cũng nằm trong kế hoạch của EVNGENCO3.

Dự kiến đầu tư loạt dự án LNG và năng lượng tái tạo, dừng thoái vốn VSH và NT2

Khoảng 2.613 MW là tổng quy mô công suất các dự án nguồn điện mới Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGENCO3 - mã chứng khoán PGV)  lên kế hoạch triển khai tham gia góp vốn và đầu tư trong giai đoạn 2022-2025 theo Chiến lược sản xuất kinh doanh - đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 của doanh nghiệp này.

Kế hoạch đầu tư trên nằm trong nội dung EVNGENCO3 trình và đã được cổ đông phê duyệt tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 tổ chức sáng ngày 14/6/2022 vừa qua.

Theo tờ trình, các dự án nguồn điện mới bao gồm các loại hình nhà máy điện: tuabin khí chu trình hỗn hợp sử dụng LNG, thủy điện, điện gió trên bờ/ngoài khơi, các loại nguồn khác trên cơ sở các dự án đã được Tổng công ty triển khai nghiên cứu xúc tiến đầu tư (bổ sung quy hoạch, thỏa thuận khung hợp tác góp vốn đầu tư.

Trong đó, EVNGENCO3 đặt mục tiêu phối hợp với các đối tác trong Tổ hợp phát triển dự án thúc đẩy để được chọn làm chủ đầu tư Dự án TTĐL Long Sơn - giai đoạn 1 (nhiệt điện khí LNG chu trình hỗn hợp 1.500MW) và triển khai thủ tục góp vốn.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của EVNGENCO3 thông qua toàn bộ tờ trình với tỷ lệ tán thành 100%

Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Đinh Quốc Lâm, Chủ tịch HĐQT EVNGENCO3 cho biết, tỷ lệ sở hữu của Tổng công ty tại các dự án sẽ khoảng từ 30-49%. Cũng theo ông Lâm, các kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp điện chịu ảnh hưởng lớn từ Quy hoạch điện VIII. Sau khi có Quy hoạch điện VIII, EVNGENCO3 sẽ có những chiến lược rõ ràng hơn.

Tại Hội nghị quốc tế về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) cuối năm 2021, Việt Nam đưa ra cam kết phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Với mục tiêu trung hòa carbon, mà tập trung vào việc giảm khí thải từ ngành năng lượng, chính sách và chiến lược sẽ sẽ hướng đến tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo. Cam kết tại COP26 được các chuyên gia đánh giá sẽ tác động đến ngành điện, đặc biệt theo hướng phát triện các dự án điện tái tạo.

Theo ông Đinh Quốc Lâm, với đặc điểm không phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên như điện gió, điện mặt trời, nhà máy điện khí và than vẫn giữ vai trò quan trọng trong hệ thống điện. Dù vậy, xu hướng sắp tới sẽ là giảm dần điện than, còn điện khí sử dụng các loại khí hydrogen trộn khí giúp giảm tỷ lệ phát thải CO2. Điều này sẽ thuận lợi hơn khi giá hydrogen có thể giảm xuống trong 5 đến 10 năm tới.

Về nguồn vốn chuẩn bị cho hoạt động đầu tư, Tổng công ty đã dự trù đảm bảo đủ. Do đó, EVNGENCO3 chưa có kế hoạch tăng vốn hay thoái vốn các khoản đầu tư. Đối với các khoản đầu tư góp vốn cổ phần vào một số doanh nghiệp điện, lãnh đạo EVNGENCO3 cho biết Vĩnh Sơn Sông Hinh đang hoạt động tích cực hơn sau khi dự án Thượng Kon Tum đi vào vận hành; Nhơn Trạch 2 cũng là doanh nghiệp có mức chi trả cổ tức tốt hàng năm. Tổng công ty vì vậy đã báo cáo với EVN dừng kế hoạch bán cổ phần VSH và NT2.

Đặt mục tiêu lãi ròng 1.827 tỷ đồng lãi ròng năm 2022

Cũng tại Đại hội, Hội đồng Quản trị EVNGENCO3 trình cổ đông báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 và kế hoạch kinh doanh năm 2022. Trong bối cảnh chi phí nhiên liệu than trong nước và thế giới đang tăng cao, nguồn than khan hiếm; giá nhiên liệu khí tăng do tác động bởi tình hình xung đột quân sự ở Ukraine; tình hình biến động tỷ giá và lãi suất bất lợi, năm 2022, EVNGENCO3 trình cổ đông kế hoạch sản lượng điện công ty mẹ là 28,472 tỷ kWh, tổng doanh thu là 45.417 tỷ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế là 1.827 tỷ đồng.

Cập nhật kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2022, ông Lê Văn Danh, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc EVNGENCO3 cho biết sản lượng điện sản xuất của Tổng Công ty lũy kế 5 tháng là 13,228 tỷ kWh, đạt 41,53% kế hoạch cả năm. Doanh thu ước đạt 18.034 tỷ đồng, hoàn thành 41% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.304 tỷ đồng, vượt 73% kế hoạch 5 tháng và đạt 68% kế hoạch cả năm.

Nhận định giá điện cạnh tranh tháng 6 và nửa cuối năm, ông Danh cho rằng giá thị trường tới đây sẽ thấp do huy động nhiều từ nhà máy thuỷ điện nhưng sẽ tăng trở lại vào quý IV. EVNGENCO3 tranh thủ phát điện giai đoạn quý IV để đem về doanh thu và lợi nhuận cao. Với kết quả đạt được trong 5 tháng, lãnh đạo Tổng công ty tin tưởng rằng sẽ đạt được mục tiêu kinh doanh 2022.

Trong năm 2021, sản lượng điện EVNGENCO3 là 25,901 tỷ kWh, đạt 87,34% kế hoạch. Tổng doanh thu là 37.072 tỷ đồng, đạt 93,17% kế hoạch và tổng lợi nhuận sau thuế là 3.022 tỷ đồng, đạt 230,37% kế hoạch năm. Theo phương án phân phối lợi nhuận, mức chia cổ tức là 13%, con số trên vượt xa mức cổ tức dự kiến Tổng Công ty trình cổ đông tại Đại hội năm trước (tối thiểu 7%). Với hơn 1,1 tỷ cổ phiếu lưu hành, EVNGENCO3 dự kiến sẽ chi khoảng 1.460 tỷ đồng để chi trả cổ tức năm 2021. Thời gian chi trả dự kiến là vào quý III tới. Theo kế hoạch năm 2022, Tổng công ty dự kiến tiếp tục chi trả cổ tức toàn bộ bằng tiền mặt và không thấp hơn tỷ lệ 11%.

Cũng tại Đại hội, HĐQT EVNGENCO3 trình cổ đông thông qua việc thôi tham gia HĐQT nhiệm kỳ 2018 - 2023 đối với ông Trương Quốc Phúc do nghỉ chế độ hưu trí từ ngày 01/5/2022. Số lượng thành viên HĐQT là 4 người cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Cuộc họp có sự tham dự của các cổ đông/người được uỷ quyền đại diện cho 99,3% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Tổng Công ty. Đại hội đã biểu thông qua các tờ trình báo cáo, kế hoạch, phương hướng HĐQT đề ra với tỷ lệ tán thành 100%.

EVNGENCO3 (PGV) chào sàn HoSE ngày vía Thần tài, “khai xuân” tăng 6,4%
Cổ phiếu PGV đóng cửa phiên giao dịch chào sàn HoSE ở mức 42.000 đồng/cổ phiếu, tăng 6,4% so với giá tham chiếu. Khối lượng giao dịch cao gấp 5...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư