Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
FTSE Russell: Cần duy trì tốc độ nếu muốn cán đích mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán năm 2025
Thanh Thủy - 09/10/2024 07:53
 
FTSE Russell ghi nhận sự ủng hộ liên tục của chính phủ Việt Nam đối với các thay đổi trên thị trường chứng khoán, đồng thời, nhấn mạnh rằng vẫn cần phải duy trì tốc độ thay đổi nếu Việt Nam muốn đáp ứng thời hạn mục tiêu năm 2025.

Ngày 8/10, FTSE Russell - một trong 3 tổ chức lớn về xếp hạng thị trường đã công bố báo cáo phân loại thị trường chứng khoán năm 2024. Định kỳ mỗi nửa năm, đây là Bản cập nhật thường niên sau báo cao công bố hồi tháng 3 năm nay.

Không ngoài dự đoán của thị trường, ban quản trị chỉ số FTSE Russell đã quyết định giữ nguyên Việt Nam trong danh sách theo dõi sau tròn 6 năm ở danh sách này. Việt Nam hiện được phân loại là thị trường cận biên và được thêm vào danh sách theo dõi từ tháng 9/2018 để có thể được phân loại lại thành thị trường mới nổi thứ cấp.

Theo báo cáo, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí “Chu kỳ thanh toán (DvP)”, hiện được xếp hạng là “Hạn chế”  do việc tiến hành kiểm tra để đảm bảo tính khả dụng của tiền trước khi thực hiện giao dịch được thực hiện theo thông lệ tại thị trường. Do đó, thị trường không gặp phải các giao dịch không thành công. Dẫn đến, tiêu chí “Thanh toán - chi phí liên quan đến các giao dịch không thành công” không được xếp hạng.

Một vấn đề khác cũng được nhắc đến lần này là về quy trình đăng ký tài khoản. “Cần cải thiện quy trình đăng ký tài khoản mới vì thông lệ thị trường có thể dẫn đến việc kéo dài quy trình đăng ký”, tổ chức này cho hay. Cùng đó, việc đưa ra một cơ chế hiệu quả để tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài đối với các mã chứng khoán đã đạt hoặc đang tiến tới tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa cũng được FTSE Russell nhìn nhận là “quan trọng”.

Tại bản báo cáo lần này, FTSE Russell  cũng đề cập đến mô hình thanh toán “Non-Prefunding” (NPF) - giải pháp gỡ nút thắt về nâng hạng mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tập trung triển khai thời gian qua.

“Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC, vào ngày 18/9/2024, nêu rõ các sửa đổi đối với nhiều quy định. Thông tư này loại bỏ yêu cầu phải có tiền trước đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua cổ phiếu, bằng cách cập nhật nhiều quy định quản lý giao dịch chứng khoán, bù trừ và thanh toán giao dịch, hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin. FTSE Rusell kỳ vọng thông báo có liên quan tiếp theo dự kiến sẽ về việc công bố các quy tắc hoạt động chi tiết hơn của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC). Tổ chức này tiếp tục khuyến khích các cuộc họp giữa Việt Nam và cộng đồng đầu tư quốc tế, để đảm bảo các quy tắc này đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan.

FTSE Russell ghi nhận sự ủng hộ liên tục của chính phủ Việt Nam đối với các thay đổi trên thị trường chứng khoán và vẫn đánh giá cao mối quan hệ mang tính xây dựng với UBCKNN, các cơ quan thị trường khác và Ngân hàng Thế giới.

“Vẫn cần phải duy trì tốc độ thay đổi nếu Việt Nam muốn đáp ứng thời hạn mục tiêu năm 2025, do Thủ tướng đã đặt ra vào đầu năm nay. Các quy tắc thị trường đã sửa đổi cần được xác nhận và truyền đạt tương đối sớm và rộng rãi, bao gồm nội dung về việc hoàn thiện các vai trò và trách nhiệm bắt buộc trong mô hình thanh toán “Non-Prefunding”, cùng lộ trình, các mốc quan trọng cũng như nêu rõ đường hướng thực hiện”, FTSE Russell cũng nhấn mạnh.

Quyết định giữ thị trường chứng khoán Việt Nam trong danh sách theo dõi là điều được dự báo trước, do những thay đổi về quy định trên thị trường cần thời gian để cho thấy những tác động trên thị trường. Trước đó, chứng khoán Việt Nam cũng chưa thể gây bất ngờ trong Báo cáo đánh giá khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu của MSCI năm 2024 công bố vào tháng 6/2024.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là, khác với năm 2023, MSCI đánh giá, Việt Nam đã có sự cải thiện trong xếp hạng đối với tiêu chí khả năng chuyển nhượng, chuyển từ trạng thái “cần cải thiện” sang “không có vấn đề lớn”. Cụ thể, Việt Nam đã có sự cải thiện trong khả năng chuyển nhượng nhờ sự gia tăng giao dịch ngoài sàn (off-exchange) và chuyển nhượng hiện vật (in-kind transfer) từ các thay đổi về quy định. Sau khi giảm 1 tiêu chí, chỉ còn 8 tiêu chí mà thị trường chứng khoán Việt Nam chưa đáp ứng, gồm giới hạn sở hữu nước ngoài, “room” khối ngoại, quyền bình đẳng cho nhà đầu tư nước ngoài, mức độ tự do của thị trường ngoại hối, đăng ký nhà đầu tư và thiết lập tài khoản, quy định thị trường, luồng thông tin và thanh toán bù trừ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Nỗ lực hết mình đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán
Hội nghị “Việt Nam của tôi - Điểm đến đầu tư của bạn” thu hút 250 doanh nghiệp hàng đầu của Singapore và Việt Nam tham dự. Nâng hạng thị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư