Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Gần 17 triệu lao động bị giảm thu nhập
Mạnh Bôn - 06/01/2022 15:57
 
sau khi triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, thị trường lao động quý IV năm 2021 bắt đầu có khởi sắc so với quý III.
Tổng cục Thống kê cho biết, thị trường lao động quý IV/2021 khởi sắc hơn quý trước, nhưng vẫn sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng cục Thống kê cho biết, thị trường lao động quý IV/2021 khởi sắc hơn quý trước, nhưng vẫn sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

“Đại dịch Covid-19 đã tác động vô cùng nặng nề đến đời sống và việc làm của người dân. Bức tranh về lao động việc làm cũng như thu nhập, đời sống của người dân năm 2021 không hề sáng sủa”, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê (TCTK) nhấn mạnh tại cuộc họp báo công bố tình hình lao động và việc làm quý IV và năm 2021 vừa được TCTK tổ chức.

24,7 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19

“Năm 2021 có 24,7 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, trong đó có 2,3 triệu người mất việc làm; hơn 12,4 triệu người phải tạm nghỉ việc một thời gian do doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, kinh doanh để thực hiện giãn cách xã hội; 8 triệu người bị cắt giảm thời gian làm việc, làm việc luân phiên. Trong bối cảnh này, năm 2021 có tới 16,9 triệu lao động bị giảm thu nhập. Đây là bức tranh không hề sáng sủa”, ông Nam nhấn mạnh.

Ông Nam cho biết, so với năm 2020 - năm mà dịch bệnh đã khiến thị trường lao động “u ám” chưa từng có thì năm 2021, do  dịch bệnh diễn ra nghiêm trọng hơn, cả chiều rộng lẫn chiều sâu đã khiến hàng triệu người mất việc làm. Lao động trong hầu hết các khu vực kinh tế đều giảm, đặc biệt là khu vực dịch vụ.

Cụ thể, khu vực công nghiệp và xây dựng thu hút 16,3 triệu lao động, giảm 253.000 người so với năm 2020. Khu vực dịch vụ thu hút 18,6 triệu lao động, giảm 860.000 người. Chỉ có khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, nơi đang sử dụng 14,2 triệu lao động, tăng 33.200 người so với năm 2020.

Tuy nhiên, sau khi triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP về việc Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, thị trường lao động quý IV năm 2021 bắt đầu có khởi sắc so với quý III.

“Nhưng do hậu quả nặng nề từ 3 quý đầu năm, đặc biệt là từ tháng 4 đến tháng 9 khiến lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tiếp tục giảm so với quý IV năm 2020. Trong quý IV năm 2021, lao động làm việc trong khu vực dịch vụ là 17,9 triệu người, tăng 762.500 người so với quý III. Lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,8 triệu người, tăng 1,2 triệu người. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2020, ngoại trừ khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản thì lực lượng lao động của khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ (trừ lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm) đều giảm. Trong đó, lao động trong khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 239.000 người, mặc dù hoạt động sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực chế biến, chế tạo đã dần được khôi phục kể từ đầu tháng 10”, ông Nam nói thêm.

Tại cuộc họp báo công bố tình hình lao động, việc làm 9 tháng đầu năm 2021 tổ chức vào đầu tháng 10/2021, TCTK công bố số lao động từ các trung tâm kinh tế, công nghiệp như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang... bỏ về quê là 1,3 triệu người. Mặc dù nền kinh tế đã chấp nhận “sống chung với Covid-19” kể từ đầu tháng 10/2021 sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP, nhưng trong 3 tháng vừa qua vẫn có thêm 900.000 lao động “bỏ phố về làng”.

“Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương (số thực tế còn lớn hơn), tổng cộng đã có 2,2 triệu người di chuyển từ các trung tâm kinh tế, công nghiệp về các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Tây, Tây Nguyên và miền Trung. Báo cáo của các sở lao động, thương binh và xã hội mới đây cho biết đã có sự dịch chuyển lao động trở lại các trung tâm kinh tế, công nghiệp. Nhưng trên thực tế, chỉ doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, doanh nghiệp có đủ tiềm lực tài chính và có chính sách đãi ngộ người lao động mới thu hút được lao động quay trở lại làm việc. Còn tuyệt đại đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa, tình trạng thiếu lao động vẫn chưa được cải thiện”, ông Nam thông tin thêm.

Quý IV bắt đầu khởi sắc nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2020

Theo số liệu vừa được TCTK công bố, tính chung năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 3,22%, nếu tính cả tỷ lệ người lao động thiếu việc làm, thì con số thất nghiệp thực tế lên tới 6,32%. Trong đó, quý III có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất từ trước đến với gần 4 người trong độ tuổi làm việc bị thất nghiệp trong 100 người lao động. Mặc dù đầu tháng 10 đã mở cửa lại hoạt động sản xuất - kinh doanh nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong quý IV chỉ giảm nhẹ so với quý III và tăng khá cao so với 6 tháng đầu năm cũng như cùng kỳ các năm trước. Đặc biệt là thất nghiệp của thanh niên ở khu vực thành thị lên tới 11,91%.

“Tình hình lao động, việc làm quý IV/2021 khởi sắc so với quý trước nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm tính chung năm 2021 cao hơn năm trước, trong khi số người có việc làm, thu nhập của người làm công hưởng lương thấp hơn năm trước”, ông Nguyễn Huy Minh, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, TCTK, khái quát.

Theo kết quả sơ bộ từ cuộc khảo sát mức sống dân cư năm 2021 do TCTK thực hiện, ước tính thu nhập bình quân của người dân năm 2021 đạt khoảng 4,2 triệu đồng/tháng, giảm 73.000 đồng so với năm 2020. Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương quý IV/2021 là 6,1 triệu đồng/tháng, tăng 140.000 đồng so với quý trước nhưng vẫn giảm 510.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Còn tính cả năm 2021, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ước tính là 6,6 triệu đồng, giảm 45.000 đồng so với năm trước.

“Thu nhập của người dân nói chung, của người lao động làm công hưởng lương nói riêng bị giảm là đi ngược với xu hướng của những năm trước đây là thu nhập của người dân năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước nhờ tăng trưởng kinh tế, cải thiện năng suất lao động và nâng lương tối thiểu vùng cho lao động tại khu vực doanh nghiệp. Năm 2021 là năm thứ 2 liên tiếp thu nhập của người dân bị giảm, tất cả đều bắt nguồn từ nguyên nhân là tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống dân cư”, ông Minh nói thêm.

Đứng trước khó khăn của người lao động cũng như người sử dụng lao động, Chính phủ đã có sự hỗ trợ kịp thời. Cập nhật số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ông Minh cho biết, tính đến ngày 15/12/2021 tổng kinh phí từ nguồn ngân sách trung ương đã hỗ trợ gần 31.400 tỷ đồng cho 28,8 triệu lượt người và 337.900 đơn vị sử dụng lao động/hộ kinh doanh. Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021, Chính phủ và các địa phương đã hỗ trợ 37.500 tỷ đồng cho gần 22,3 triệu lượt người và 363.600 đơn vị sử dụng lao động/hộ kinh doanh.

Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong 10 năm qua
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý II/2020 ước tính là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư