Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 15 tháng 11 năm 2024,
Gần 41.000 cuộc thanh tra, kiểm tra về thuế; sẽ có hành lang pháp lý thuế với hoạt động livestream bán hàng
T.L - 03/10/2024 16:38
 
Bên cạnh đẩy mạnh các giải pháp chống thất thu thuế, Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử, livestream bán hàng...

Truy thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế

Bộ Tài chính có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đề xuất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước.

Liên quan đến các biện pháp chống thất thu thuế trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài chính cho biết, trong 9 tháng đầu năm (tính tới 14/9), cơ quan Thuế đã thực hiện 40.956 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 61,46% kế hoạch năm 2024 và bằng 97,51% so với cùng kỳ năm 2023; kiểm tra 365.344 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 88,78% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 41.845 tỷ đồng, bằng 100,7% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó: tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 10.450 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 1.697 tỷ đồng; giảm lỗ là 29.698 tỷ đồng).

Về kết quả thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, cơ quan Thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 543 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 1.353 tỷ đồng; giảm lỗ 7.387 tỷ đồng; giảm khấu trừ 43 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 5.012 tỷ đồng.

Cùng với đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra, cơ quan thuế nắm bắt tình hình gian lận thuế của một số ngành hàng, lĩnh vực có rủi ro cao để xây dựng các chuyên đề thanh tra, kiểm tra như: mặt hàng xăng dầu, tài nguyên khoáng sản, phế liệu, đất đá cát sỏi phục vụ kinh doanh lĩnh vực bất động sản, xây dựng...

Rà soát các quy định về quản lý thuế và các sắc thuế, quy trình thanh tra, kiểm tra, giám sát và quy định về thuế còn chưa phù hợp với thực tiễn để đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật.

Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng thuộc diện hoàn trước kiểm tra theo rủi ro và các hồ sơ hoàn thuế quá 5 năm chưa được thanh tra, kiểm tra; tăng cường kiểm tra các hồ sơ hoàn thuế có dấu hiệu sai phạm khi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, gian lận về hồ sơ, chứng từ nhằm ngăn chặn, kịp thời xử lý, xử phạt, thu hồi tiền hoàn thuế vào NSNN.

Đồng thời, thường xuyên rà soát, phân loại những doanh nghiệp có rủi ro cao về buôn bán hóa đơn bất hợp pháp, đưa ra cảnh báo và chuyển đến cơ quan thuế, cơ quan công an để xử lý.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra hộ kinh doanh theo phương pháp khoán, hộ kê khai, cá nhân kinh doanh có rủi ro cao về doanh thu, chi phí tăng đột biến, bất thường. Rà soát các cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử trên nền tảng số để xử lý kịp thời đối với người nộp thuế không kê khai hoặc khai không đúng.

Ngành thuế một mặt tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ của người nọp thuế, một mặt đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan liên quan nội ngành; cơ quan Công an; kết nối liên thông với các cơ quan khác (Sở Kế hoạch và đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường; các Ngân hàng thương mại ...) nhằm quản lý nguồn thu, xác định nghĩa vụ tài chính và kiểm tra, đôn đốc nộp thuế. 

Quản lý thuế với hoạt động livestream bán hàng, thương mại điện tử

Đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, Bộ Tài chính cho biết đang hoàn thiện hành lang pháp lý về chính sách thuế và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Trong đó hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) theo hướng tăng cường trách nhiệm của tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT.

Rà soát lại doanh thu, quy mô hoạt động thực tế của các Hộ khoán, nếu đáp ứng các điều kiện của Hộ kê khai thì yêu cầu chuyển đổi sang hộ kê khai, áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đảm bảo tính công khai, minh bạch

Ngạch thuế cũng sẽ tăng cường công tác chuyển đổi số trong quản lý, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc phối hợp với cơ quan thuế, hỗ trợ về nhân lực và kinh phí triển khai các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, livestream bán hàng trên địa bàn; phát triển công cụ công nghệ thông tin để hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế bằng phương thức điện tử như nộp thuế qua phần mềm Etax Mobile, qua Cổng dịch vụ công quốc gia, qua App của Ngân hàng, qua Icanhan…

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo toàn ngành thuế chủ động rà soát xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế, triển khai Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, nâng cao hiệu lực trong công tác quản lý thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Thuế thương mại điện tử: Tăng mạnh, nhưng còn “khoảng trống”
Tăng mạnh so với cùng kỳ, song thuế thương mại điện tử vẫn đang có những “khoảng trống” không cần chờ sửa luật, mà có thể “lấp”...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư