Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Gần 62 tỷ USD hàng hóa xuất sang Trung Quốc, thị trường hiếm hoi tăng trưởng dương
Thế Hải - 01/01/2024 15:46
 
Nhờ khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 61,7 tỷ USD, thị trường hiếm hoi tăng trưởng dương.
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đạt đạt 11,5 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2022, trong đó mặt hàng sầu riêng trên 2 tỷ USD.
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc năm 2023 đạt  11,5 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2022, trong đó sầu riêng trên 2 tỷ USD.

Thương mại hàng hóa của nước ta với thị trường tỷ dân năm 2023 đã cán mốc 173,3 tỷ USD, trong đó nhập khẩu 111,6 tỷ USD, giảm 5,9%, xuất khẩu 61,7 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm trước, nhập siêu từ Trung Quốc 49,9 tỷ USD, giảm 17,6%. Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố.

Với kết quả này, đưa Trung Quốc trở thành thị trường lớn hiếm hoi đạt tăng trưởng dương, trong khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc giảm lần lượt 11,6%,  5,9%  và và 3,4% trong năm qua.

2023 cũng là năm thứ sáu liên tiếp (2018-2023) quy mô kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt trên 100 tỷ USD. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, nhờ những giải pháp kịp thời và tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống, hoạt động xuất khẩu của nước ta được duy trì và đẩy mạnh, đặc biệt trong các tháng cuối năm.

"Đánh giá Trung Quốc là thị trường quan trọng, ngay từ đầu năm Bộ Công thương đã chỉ đạo để các cơ quan chức năng, doanh nghiệp chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm bắt tốt cơ hội khi Trung Quốc chấm dứt chính sách Zero-Covid và mở cửa nền kinh tế", Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho hay.

Cùng đó, các cục, vụ chức năng của Bộ đã theo sát, đảm bảo tiến độ thông quan hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc sau Tết Nguyên đán; phối với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu chính ngạch.

Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm cho nhiều loại rau quả. Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

Kết quả, năm qua nước ta đã khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường vốn là đối tác thương mại lớn nhất.

Về các sản phẩm nông nghiệp, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt đạt 11,5 tỷ USD, tăng 18% so với 2022 và chiếm tỷ trọng 23,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp. 

Việt Nam hiện có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: tổ yến và sản phẩm từ tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây và sầu riêng. Các mặt hàng này đã giúp mang về doanh thu vài tỷ USD.

Năm qua, có 5 nhóm hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp có kim ngạch tỷ USD.

Cụ thể, tính đến hết tháng 11/2023, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 3,4 tỷ USD, lập kỷ lục mới và vượt xa con số 1,5 tỷ USD của cả năm 2022. Xuất khẩu thuỷ sản đạt gần 1,25 tỷ USD; sắn và các sản phẩm sắn đạt 1,05 tỷ USD; cao su đạt 1,97 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,55 tỷ USD.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng nhập khẩu nhiều sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam với trị giá vài chục tỷ USD, từ điện thoại, máy tính, xơ sợi, giày dép..

Nhóm mặt hàng chủ lực có trị giá xuất khẩu trên 10 tỷ USD trong 11 tháng 2023 là điện thoại các loại và linh kiện, đạt 15,1 tỷ USD. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có kim ngạch đạt gần 12 tỷ USD.

Bộ Công thương tính siết xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường tỷ dân từ 2029
Bộ Công thương cho rằng, một số quy định để thúc đẩy trao đổi thương mại hàng hóa hiện không còn phù hợp, không theo kịp phát triển của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư