Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Geleximco và sắc màu M&A mới
Phong Lan - 16/06/2015 07:54
 
Sự kiện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) cùng Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Bình (ABFG) bỏ khoản vốn lớn vào Công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (SHN) đang bên bờ vực phá sản thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư.

Hữu duyên tương ngộ

SHN được thành lập từ năm 2004, với lĩnh vực kinh doanh chính là đầu tư và dịch vụ trong lĩnh vực bất động sản, dịch vụ xuất khẩu lao động, kinh doanh thương mại (chủ yếu là buôn bán xe máy, sắt thép…). Tuy SHN là doanh nghiệp trẻ, nhưng cổ phiếu của Công ty lại được giới đầu tư chú ý, bởi thường xuyên có mức độ biến động giá cực lớn, mức giá cao nhất đạt xấp xỉ 100.000 đồng/cổ phiếu, thấp nhất là 800 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, do đổ phần lớn vốn góp vào Công ty cổ phần Beta-BQP để thực hiện Dự án Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5, nên khi thị trường bất động sản lao dốc, lãnh đạo doanh nghiệp đối tác trốn ra nước ngoài, SHN lâm vào cảnh nợ nần và mất phương hướng, liên tục báo lỗ, cổ phiếu bị kiểm soát đặc biệt và có nguy cơ rời sàn.

Quyết định đổ vốn vào SHN của Geleximco khiến giới đầu tư không khỏi bất ngờ
Quyết định đổ vốn vào SHN của Geleximco khiến giới đầu tư không khỏi bất ngờ

 

Bởi vậy, giới đầu tư không khỏi bất ngờ khi Geleximco quyết định đổ vốn vào SHN. Geleximco và nhóm nhà đầu tư cá nhân dự kiến mua 95 triệu cổ phiếu của SHN thông qua phát hành riêng lẻ với giá trị 950 tỷ đồng. Số cổ phần này, tính trên vốn điều lệ mới của SHN đạt khoảng 71%, cho phép Geleximco và các nhà đầu tư liên kết với Tập đoàn nắm quyền kiểm soát gần như toàn bộ SHN.

SHN và Geleximco thực ra đã biết nhau từ rất lâu và giữa những người lãnh đạo hai doanh nghiệp còn có mối quan hệ bạn bè khá thân thiết. “Việc đầu tư vào SHN của Geleximco là quyết định dựa trên kết quả của quá trình tìm hiểu và khảo sát thị trường giữa các bên. Tuy SHN có nhiều bất ổn trong giai đoạn vừa qua, Geleximco vẫn đánh giá đây là một doanh nghiệp có tiềm năng và triển vọng phát triển trong tương lai”, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Geleximco giải thích lý do lựa chọn một doanh nghiệp sắp phá sản để đầu tư.

Trước đồn đoán của thị trường về việc dưới tay Geleximco, SHN có khả năng lấy lại một phần Dự án Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5, một nguồn tin từ Tập đoàn cho biết, điều này không thể thực hiện được và đây không phải là đích nhắm đến của Geleximco. Tuy nhiên, nguồn tin này cũng thừa nhận, SHN đang có quyền theo đuổi một số dự án bất động sản khác.

Trong lần trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư trước đây, ông Đinh Hồng Long, Chủ tịch SHN cho biết, khoản vay hơn 200 tỷ đồng mà Beta - BQP có nghĩa vụ trả cho SHN được Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc đảm bảo bằng chuyển nhượng 90% vốn điều lệ của Âu Lạc, tương đương 13,77 triệu cổ phần sang SHN. Điều này đồng nghĩa, SHN được hưởng quyền tham gia trên 60% Dự án Khu dân cư thương mại dịch vụ quy mô 43 ha tại khu vực phường Phú Mỹ, Bình Dương. Dự án này đã nộp tiền sử dụng đất, đã có quy hoạch 1/2.000, đang chờ phê duyệt quy hoạch 1/500.

Phân tích kỹ, sẽ thấy đầu tư vào SHN là nước đi mới của doanh nhân Vũ Văn Tiền. SHN đang được niêm yết trên HNX, cổ phiếu có mức độ biến động mạnh, là “món ăn” được nhiều nhà đầu tư ưa thích. Nếu có chiến lược hợp lý, đây sẽ là công cụ gọi vốn hiệu quả để Geleximco huy động nguồn lực đại chúng thực hiện các dự án lớn. Kể từ khi có thông tin về việc SHN sẽ được tái cấu trúc, cổ phiếu này đã tăng giá phi mã từ 4.700 đồng vào giữa tháng 4/2015 lên trên 20.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 10/6.

Ngoài ra, trong xu hướng hợp tác quốc tế hiện nay, việc là doanh nghiệp niêm yết hoặc có thành viên đang niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ được các đối tác đánh giá cao hơn rất nhiều. Trong câu chuyện với phóng viên, ông Vũ Văn Tiền cũng cho biết, SHN có những lợi thế của một doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán - một lĩnh vực mà Geleximco đang quan tâm và muốn đẩy mạnh nhằm đa dạng hơn nữa thị trường. Đây là nhu cầu và cũng là cam kết phát triển của Geleximco đối với các đối tác, bạn hàng trong nước và quốc tế.

Hứa hẹn nhiều thương vụ M&A

Hiện nay, trong hệ thống của Geleximco có gần 30 doanh nghiệp hoạt động đầu tư trong các lĩnh vực: tài chính - ngân hàng, sản xuất công nghiệp, bất động sản, công nghệ thông tin/đào tạo và dịch vụ thương mại. Đặc biệt, M&A từ lâu đã là một thế mạnh của tập đoàn này.

Trước đây, thương vụ Geleximco bán 70% cổ phần của Công ty cổ phần Xi măng Thăng Long cho Tập đoàn Semen Gresik của Indonesia cũng tạo ấn tượng mạnh trên thị trường, bởi thời điểm cuối năm 2012, thu hút vốn gián tiếp vào Việt Nam rất khó, thị trường thiếu vắng các thương vụ lớn.

Từ đầu năm 2015, ngoài thương vụ với SHN, Geleximco còn được chú ý khi hoàn tất việc mua 35% cổ phần của Tổng công ty Thủy sản Việt Nam, sau khi doanh nghiệp này IPO. Lý do mà Tập đoàn đổ vốn vào Tổng công ty Thủy sản Việt Nam được nhìn nhận là nhằm thực hiện các dự án bất động sản tại TP.HCM, khi doanh nghiệp cổ phần hóa có quỹ đất lớn, trong đó có những vị trí đắc địa tại quận 1…

Ở phía Bắc, sau Green Star và Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn, trong tay Geleximco và các công ty liên kết của Tập đoàn còn các dự án bất động sản khác, mà theo ông Tiền, nếu thị  trường thuận lợi sẽ được Tập đoàn đẩy mạnh triển khai sớm trong thời gian tới.

Nếu như trong lĩnh vực bất động sản, Geleximco đóng vai trò là “những thợ săn”, thì trong lĩnh vực công nghiệp, Tập đoàn lại có sẵn trong tay nhiều dự án lớn để mời các thợ săn nước ngoài hợp tác. Hai dự án lớn mà Geleximco đang triển khai là Nhà máy Giấy An Hòa (Tuyên Quang) và Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long (Quảng Ninh).

Ông Tiền cho biết, thời gian qua, một số tập đoàn nước ngoài đã đặt vấn đề tìm hiểu hợp tác đầu tư với Nhà máy Giấy An Hòa. Đây là dự án đầu tư thuộc nhóm A, có công suất 130.000 tấn bột giấy/năm. Trong khi đó, Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long có công suất 620 MW mới đây đã được khởi công. Dự án có 20% vốn chủ sở hữu và 80% vốn vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ.

Với các dự án lớn mà Tập đoàn đang triển khai, việc gọi vốn từ các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, theo quan điểm của Chủ tịch Vũ Văn Tiền, luôn là phần việc quan trọng và rất cần thiết. Ngoài tiềm lực về tài chính, điều mà doanh nghiệp Việt Nam cần là kinh nghiệm quản trị, vận hành dự án, công nghệ và mạng lưới đối tác toàn cầu mà các nhà đầu tư chiến lược quốc tế mang lại. “Qua nhiều năm kinh nghiệm, tôi thấy rằng, nếu chọn được đối tác là những tập đoàn nước ngoài lớn cùng đồng hành, dự án sẽ có cơ hội thành công rất lớn”, ông Tiền nói.

Đa dạng hóa các nguồn lực đại chúng từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, hợp tác đầu tư dự án có quy mô ngày càng lớn, tiến tới mở rộng hoạt động ra khu vực là những bước đi chiến lược mà Geleximco sẽ thực hiện thời gian tới. M&A là chìa khóa để mở ra những cánh cửa mới cho Tập đoàn và theo ông Tiền, sẽ được vận dụng một cách sáng tạo với nhiều sắc màu mới trong thời gian tới.

Chiến thuật M&A của Tập đoàn Mường Thanh
Lần đầu tiên công bố thông tin trên thị trường chứng khoán với một thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) kín tiếng tại Công ty cổ phần Du lịch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư