Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 14 tháng 01 năm 2025,
Giá cả hàng hóa dịp Tết Tân Sửu được giữ ổn định, sức mua tăng gần 10%
Hải Yến - 17/02/2021 11:33
 
Giá cả hàng hóa thiết yếu dịp Tết Nguyên Đán 2021 được giữ ổn định, thậm chí mặt hàng thịt lợn còn giảm nhẹ do việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa được chuẩn bị từ sớm.
giá cả thị trường Tết năm nay không có biến động lớn và mức độ tăng từ 7-10%.
Giá cả thị trường Tết năm nay không có biến động lớn và mức độ tăng từ 7 - 10% so với cùng kỳ năm 2020

Theo Bộ Công Thương, nhờ công tác chuẩn bị Tết được các địa phương triển khai sớm cùng với việc dự trữ hàng hóa theo Chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương lớn đã giúp nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu Tết và cho các khu vực bị phong tỏa do dịch bệnh Covid - 19 luôn được bảo đảm, giá hàng hóa bình ổn. 

Phương thức mua hàng cũng có nhiều thay đổi do ảnh hưởng của dịch bệnh, theo đó, việc mua bán trực tuyến được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhằm tránh đến những nơi đông người, so sánh được giá bán của nhiều nhà cung cấp, mua hàng được từ những khu vực cách xa về địa lý...
Như vậy, Tết 2021, giá hàng hóa giữ ổn định, lượng hàng đa dạng cùng với nhiều chương trình khuyến mại. Tại các chợ dân sinh, mặc dù hàng hóa cũng được cung ứng khá dồi dào đa dạng, lượng mua hàng tuần gần Tết cũng tăng so với ngày thường nhưng không mạnh như các năm trước, giá hàng hóa không có biến động nhiều.
"Nhìn chung, sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021 chỉ tăng từ 3 - 5% so với tháng thường và tăng 7 - 10% so với cùng kỳ năm 2020", Bộ Công Thương cho biết.
Đối với lương thực, nguồn cung gạo dồi dào, đa dạng và được các doanh nghiệp chuẩn bị từ khá sớm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp lễ, Tết cuối năm. Theo báo cáo của Sở Công Thương các địa phương, giá các loại gạo tẻ chất lượng cao như Tám Điện Biên, Séng Cù, Nam Hương, Gò Công... tăng khoảng 5 - 10% so với ngày thường và tương đương so với cùng kỳ năm trước. Giá các loại gạo nếp tăng nhẹ so với cùng kỳ Tết năm 2020, ước tăng khoảng 5 - 7%. So với cùng kỳ mọi năm, nhu cầu tiêu dùng các loại gạo có nguồn gốc từ Hàn Quốc, Nhật Bản... giảm nhẹ, người dân có xu hướng tiêu dùng các loại gạo chất lượng cao trong nước.
Về thực phẩm, do thời tiết dịp cuối năm thuận lợi, sản xuất nông nghiệp ổn định và tăng trưởng tốt đã hỗ trợ cho thị trường mặt hàng thực phẩm Tết Tân Sửu 2021 diễn biến thuận lợi, không có biến động bất thường.
Đối với mặt hàng thịt lợn (mặt hàng có nhiều biến động và được quan tâm nhất trong giỏ thực phẩm năm nay), sau khi ổn định vào cuối năm 2020 đã tiếp tục có xu hướng tăng mạnh trong tháng 1/2021. Tuy nhiên, ngay sau đó, giá mặt hàng thịt lợn đã giảm và ổn định trở lại do nguồn cung dồi dào, ổn định ngay cả trong những ngày sát Tết và ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Công Thương, nguồn cung mặt hàng thịt lợn đã được bổ sung từ việc tái đàn an toàn và nhập khẩu, một bộ phận người chăn nuôi đã tập trung xuất chuồng vào đúng dịp Tết nên cơ bản bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. So với cùng kỳ năm trước, giá thịt lợn hơi tương đương hoặc thấp hơn từ 3 - 5% trong khi giá thịt lợn thành phẩm thấp hơn từ 5 - 7%
Nguồn cung mặt hàng thực phẩm chế biến tiếp tục đa dạng, dồi dào được cung cấp từ các cơ sở sản xuất trong nước và nhập khẩu. Giá các sác phẩm thực phẩm chế biến: giò chả, xúc xích, lạp xưởng... có xu hướng ổn định hoặc tăng nhẹ 5% so với năm trước.
Rượu, bia, bánh mứt kẹo nguồn cung dồi dào, giá tăng nhẹ 3 - 5% vào thời điểm trước Tết khoảng 2 tuần sau đó ổn định đến sát Tết, nhờ việc các DN sản xuất đã xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng Tết tương đương hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư