Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Giá dịch vụ khám chữa bệnh cao, chất lượng sao cho xứng?
Dương Ngân - 06/08/2023 09:32
 
Nhiều người lo lắng rằng, chỉ người giàu mới đủ chi phí khám chữa bệnh dịch vụ, còn người nghèo buộc phải lựa chọn mức thấp hơn.
Người dân mong muốn chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu tương xứng với mức giá được đặt ra
Người dân mong muốn chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu tương xứng với mức giá được đặt ra.

Từ ngày 15/8/2023, theo Thông tư số 13/2023/TT-BYT của Bộ Y tế, giá giường điều trị theo yêu cầu tối đa lên tới 4 triệu đồng/ngày, giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu là 300.000 - 500.000 đồng/lượt… So với mức thu nhập trung bình của người dân, đây là mức giá cao. Câu hỏi được đặt ra là, liệu chất lượng dịch vụ tại các cơ sở y tế công lập có tương xứng với mức giá này?

Mỗi nơi một giá

Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, hiện ở Bệnh viện Nhi Trung ương có nhiều loại giường dịch vụ với mức giá từ 600.000 đồng tới hơn 2 triệu đồng/ngày. Nhiều phụ huynh có con đang điều trị tại đây cho biết, mỗi ngày, họ phải trả cả triệu đồng cho tiền giường bệnh. Đây là khoản chi phí không hề nhỏ, nên họ mong muốn nhận được dịch vụ tương xứng với số tiền mình bỏ ra.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, hiện giá giường dịch vụ xã hội hóa cao nhất là 1,2 triệu đồng/ngày (phòng đơn). Theo một bác sỹ đang công tác tại bệnh viện này, với khung giá mới của Bộ Y tế, có thể thu tối đa 4 triệu đồng/ngày, nhưng không phải bệnh viện nào cũng có thể nâng giá lên mức tối đa. Đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, nếu chất lượng không tương xứng với giá tiền, thì bệnh nhân sẽ không lựa chọn.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa là khu khám chữa bệnh theo yêu cầu, giá giường bệnh hiện tại đây dao động từ 1,5 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/ngày.  Trong khi đó, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) có mức giá giường dịch vụ cao nhất là 3,7 triệu đồng/ngày (bao gồm 3 bữa ăn/ngày cho sản phụ).

Theo PGS-TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, muốn thực hiện công bằng giá dịch vụ khám chữa bệnh, Bộ Y tế cần tính đúng, tính đủ giá viện phí. Sau đó, các bệnh viện phải xây dựng danh mục kỹ thuật, quy trình kỹ thuật chuyên môn, định mức kinh tế kỹ thuật, từ đó mới có cơ sở để áp giá theo định mức.

Nhìn chung, giá giường dịch vụ ở mỗi bệnh viện được quy định một mức khác nhau. Tương tự, giá khám, chữa bệnh cũng “trăm hoa đua nở”.

Giá khám dịch vụ tại Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) là 135.000 đồng/lượt; khám bác sỹ theo yêu cầu là 350.000 đồng/lượt. Một số dịch vụ khám chuyên khoa nhi, mắt, răng - hàm - mặt tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có giá 350.000 đồng/lượt. Giá dịch vụ khám tự nguyện tại Bệnh viện Nhi Trung ương là 310.000 đồng/lượt.

Tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn), mức giá khám dịch vụ là 300.000 đồng/lượt, nhưng nếu chọn bác sỹ là trưởng/phó khoa, thì mức giá là 400.000 đồng/lượt; chọn bác sỹ là giáo sư, thì mức giá là 500.000 đồng/lượt.

Hàng rào ngăn lạm dụng

Nhằm khắc phục tình trạng “trăm hoa đua nở” nói trên, cuối tháng 6/2023, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 13/2023/TT-BYT quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước cung cấp (Thông tư 13).

Theo đánh giá, Thông tư là cơ sở, hành lang pháp lý quan trọng để bệnh viện công xây dựng giá khám, chữa bệnh, giá dịch kỹ thuật theo yêu cầu của người bệnh. Tuy nhiên, những quy định tại thông tư này cũng khiến nhiều người lo lắng rằng, chỉ người giàu mới đủ chi phí khám chữa bệnh dịch vụ, còn người nghèo buộc phải lựa chọn mức thấp hơn.

Bên cạnh đó, một câu hỏi nữa đặt ra là, liệu có xảy ra tình trạng các cơ sở y tế cố tình buộc người bệnh lựa chọn dịch vụ, trong khi giường bệnh bảo hiểm y tế vẫn còn chỗ trống.

Một bác sĩ đang công tác tại Hà Nội chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, tình trạng cơ sở y tế lạm dụng chỉ định các kỹ thuật cao, xét nghiệm dịch vụ, tạo gánh nặng cho người bệnh vẫn đang diễn ra. Khi khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu quy định tại Thông tư 13 được áp dụng, không loại trừ trường hợp bác sỹ chỉ định những kỹ thuật không cần thiết. Vì vậy, bệnh nhân có quyền yêu cầu được giải thích rõ những ưu - nhược điểm cũng như chi phí của phương pháp chẩn đoán và điều trị.

Liên quan vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, theo Thông tư 13, bệnh viện hạng I như Đức Giang được quy định mức giá khám bệnh theo yêu cầu tối đa là 400.000 đồng/lượt, giá giường bệnh tối đa 2 triệu đồng/ngày.

“Bệnh viện đang rà soát về trang thiết bị, hạ tầng, nhân lực…, để từ đó đưa ra phương án áp dụng, đồng thời cũng phải tính đến nhóm bệnh nhân có nhu cầu vào bệnh viện. Nếu giá quá cao, người bệnh không đến bệnh viện, thì lại không có tác dụng”, TS. Nguyễn Văn Thường cho biết.

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang hiện có 90 giường dịch vụ trên tổng số 800 giường (chiếm gần 15%), giá cao nhất là 500.000 đồng/giường/ngày. Giá khám dịch vụ cao nhất là 150.000 đồng/lượt. Trong khi đó, tại không ít khoa điều trị ở bệnh viện công, tỷ lệ giường dịch vụ lên tới 60 - 70%, khiến nhiều bệnh nhân buộc phải lựa chọn giường dịch vụ với giá cao so với thu nhập.

Đối với Bệnh viện Bạch Mai, PGS-TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện cho hay, Bạch Mai sẽ không áp dụng đồng loạt giá cao và có nhiều sự lựa chọn dành cho người dân đến khám chữa bệnh theo yêu cầu. PGS-TS. Đào Xuân Cơ cũng nhấn mạnh: “Để các bệnh viện thực hiện đúng quy định tại Thông tư 13, tránh việc làm sai, Bộ Y tế cần có cơ chế kiểm tra, giám sát, mang lại công bằng trong công tác khám chữa bệnh cho người dân”.

Ngoài ra, theo ý kiến của một chuyên gia, để thực hiện đúng quy định tại Thông tư 13, Bộ Y tế cần có hướng dẫn tỉ mỉ, chặt chẽ hơn để các bệnh viện lập đề án, báo cáo đầy đủ về cơ sở vật chất.

“Thông tư 13 quy định, các cơ sở khám chữa bệnh bảo đảm số giường bệnh để thực hiện dịch vụ theo yêu cầu tại một thời điểm không quá 20% so với tổng số giường bệnh thực hiện bình quân của năm trước liền kề là hơi thấp, cần tăng tỷ lệ này lên khoảng 25%. Về cơ chế tài chính, Bộ Y tế cần có hướng dẫn rõ ràng, ví dụ trong nguồn thu dịch vụ, sẽ dành tỷ lệ bao nhiêu cho bác sĩ; cho tu sửa, khấu hao, mua sắm trang thiết bị, thuốc…, đảm bảo rõ ràng, minh bạch”, vị chuyên gia này nói.

Dịch vụ y tế chất lượng cao có quá khó để tiếp cận?
Trong bối cảnh chi phí y tế tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu không ngừng tăng cao, người Việt có giải pháp nào cho việc chủ động bảo vệ cũng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư