Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Già hóa dân số nhanh, nhu cầu phục hồi chức năng tại Việt Nam tăng cao
D.Ngân - 12/12/2022 13:50
 
Theo các lãnh đạo bệnh viện, hiện nhu cầu thực hiện phục hồi chức năng tại Việt Nam hiện rất lớn, song nhân lực cho ngành còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu.

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết hiện nhu cầu thực hiện phục hồi chức năng tại Việt Nam hiện rất lớn, không chỉ với nhóm sau phẫu thuật mà còn cả nhóm không phẫu thuật như bệnh nhân sau tai biến mạch máu não; sau di chứng của các bệnh lý như viêm dính khớp; chấn thương thể thao; chấn thương lao động; chấn thương trong sinh hoạt hàng ngày. 

Ở Việt Nam, ngoài tỷ lệ người già cần chăm sóc thì số bệnh nhân cần phục hồi chức năng sau tai nạn rất nhiều, đặc biệt là tai nạn giao thông. 

Với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, từ trước dịch Covid-19, số lượng ca cần phẫu thuật hàng năm trung bình lên tới hơn 70.000 ca. Số lượng này còn cao hơn sau dịch. 

Nhiều chuyên khoa cần phải thực hiện phục hồi chức năng, ví dụ như chấn thương chỉnh hình, cột sống, phẫu thuật tiêu hóa, phẫu thuật thần kinh sọ não, phẫu thuật tim mạch lồng ngực,...

Hiện chưa có số liệu cụ thể số người cần phục hồi chức năng ở Việt Nam, nhưng có thể tính theo nguyên tắc 10%, nghĩa là trong 100 triệu người thì khoảng 10% người bệnh có nhu cầu chăm sóc sức khỏe. 

Trong số lượng người cần khám thì 10% cần phẫu thuật, ở nhóm này lại có 10% người thực hiện phục hồi chức năng. 

Các chuyên gia trên thế giới cũng ước tính theo cách này như vậy, số lượng có thể dao động và thay đổi tùy theo từng mặt bệnh cụ thể, tùy theo chuyên khoa như nội khoa, ngoại khoa.

Theo bác sĩ Khánh, nhu cầu bệnh nhân cần phục hồi chức năng là rất lớn, keo theo nhu cầu về số lượng bác sĩ cũng như các kỹ thuật viên phục hồi chức năng. 

Vì vậy nguồn nhân lực hiện nay cho ngành phục hồi chức năng tại Việt Nam vẫn cần bổ sung, nhất là trong bối cảnh tuổi thọ của người dân đang tăng, số lượng người cao tuổi cũng nhiều lên, kéo theo nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại nhà, nhu cầu tại các viện dưỡng lão cũng lớn. 

Theo kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật của Tổng cục thống kê được công bố mới nhất, Việt Nam có hơn 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số. 

Bên cạnh đó, quá trình già hóa dân số ở Việt Nam không ngừng gia tăng làm cho nhu cầu phục hồi chức năng ngày càng lớn.

Vì vậy, trong những năm gần đây, kỹ thuật phục hồi chức năng đóng vai trò quan trọng trong đời sống hiện đại. Nắm bắt được nhu cầu đó, các khoa phục hồi chức năng được thành lập và phát triển nhanh tại các bệnh viện công lập và tư nhân.

Vừa qua, Tập đoàn Emergency Medical Service (EMS) Nhật Bản và Công ty TNHH MTV Myrehab Center đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực phục hồi chức năng.

Việc ký kết này diễn ra trước bối cảnh nhu cầu bệnh nhân ở Việt Nam cần phục hồi chức năng cao, song khả năng cung cấp dịch vụ tại các cơ sở y tế còn khó khăn. 

Cụ thể, ở Việt Nam, ngoài tỷ lệ người già cần chăm sóc thì số bệnh nhân cần phục hồi chức năng sau tai nạn rất nhiều, đặc biệt là tai nạn giao thông. 

Hiện tại, các cơ sở khám chữa bệnh mới chỉ đáp ứng được 15 - 20% nhu cầu phục hồi chức năng của người bệnh, 80% còn lại phải dựa vào cộng đồng. 

Tại sự kiện hai bên cam kết sẽ hợp tác toàn diện về chuyên môn, áp dụng mô hình phục hồi chức năng theo tiêu chuẩn Nhật Bản thông qua việc tập đoàn EMS sẽ cử chuyên gia sang đào tạo tại Việt Nam; hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề đội ngũ kỹ thuật viên của Myrehab tại Nhật Bản và chuyển giao kỹ thuật cho trung tâm trị liệu và phục hồi chức năng MYREHAB.  

Với sự hợp tác chiến lược này, Trung tâm trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka được kỳ vọng trở thành một trung tâm y khoa chăm sóc sức khỏe chủ động chất lượng cao, mang đến cho người dân Việt Nam cơ hội tiếp cận nền y học tiên tiến của Nhật Bản và góp phần phát triển công tác khám chữa bệnh ngành Phục hồi chức năng tại Việt Nam. 

Ths. BS. CKII Đặng Thị Kim Hương, nguyên Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức đánh giá, việc ký kết này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh.

Sở dĩ như vậy là do mô hình chăm sóc của người Nhật rất tiên tiến, họ chăm sóc bệnh nhân ngay từ giai đoạn đầu. Đặc biệt, ngành phục hồi chức năng cũng hoàn thiện hơn, khi bệnh nhân đến được chăm sóc từ ăn uống, tắm rửa, chăm sóc, hầu như người nhà không cần làm việc gì. 

Bệnh viện Phục hồi chức năng Thái Bình đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (lần II)
Ngày 26/10, Bệnh viện Phục hồi chức năng Thái Bình tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thành lập (1970 – 2020) và đón nhận Huân chương Lao động hạng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư