Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 05 năm 2024,
Gia Lai: Huy động nguồn lực thu hút đầu tư vào khu vực phía Đông
Thanh Chung - 15/07/2023 10:16
 
Thời gian đến, tỉnh Gia Lai sẽ mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh ở khu vực phía Đông nhằm thu hút các nhà đầu tư.
a
Hội nghị Xúc tiến Đầu tư thị xã An Khê và các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai năm 2023.

Chiều 14/7, tại thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã diễn ra hội nghị Xúc tiến Đầu tư thị xã An Khê và các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai năm 2023.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long cho rằng, với vị thế là cửa ngõ phía Đông của tỉnh, khu vực Đông Gia Lai không chỉ trở thành đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ thương mại mà còn là đầu mối giao thông quan trọng kết nối Tây Nguyên với các tỉnh khu vực miền Trung.

Những năm qua, hạ tầng giao thông của khu vực Đông Gia Lai đã được đầu tư nâng cấp đồng bộ với các tuyến: Quốc Lộ 19 nối cảng biển Quy Nhơn với Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh thông qua tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia), các tỉnh Nam Lào và Thái Lan; Đường Trường Sơn Đông-tuyến đường kết nối huyện Đak Pơ với huyện Ia Pa, thị xã Ayun Pa về phía Tây Nam và huyện Kbang về phía Bắc. Các đường tỉnh 669, 674, 667, 666, 662 kết nối các huyện thị trong khu vực, cũng như kết nối với các huyện phía Bắc và phía Nam của tỉnh Gia Lai với các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, thiên nhiên ưu ái ban tặng cho khu vực Đông Gia Lai vùng đất rộng lớn, thổ nhưỡng phì nhiêu với diện tích đất nông nghiệp hơn 472.000 ha, chiếm 92,54% tổng diện tích tự nhiên. Đây là lợi thế mà ít địa phương nào có được để phát triển ngành nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô công nghiệp; các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các loại cây trồng lâu năm và sản phẩm rau quả mang lại giá trị kinh tế cao.

Đông Gia Lai cũng có nhiều tiềm năng thuận lợi cho phát triển công nghiệp, thương mại, nhất là công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo. Hiện nay, đã quy hoạch 8 cụm công nghiệp, trong đó có 4 cụm công nghiệp đã được thành lập, nguồn nguyên liệu nông, lâm sản trên địa bàn phong phú, ổn định như: Cà phê, cao su, mía, mỳ,... tạo tiền đề cho các nhà đầu tư quan tâm phát triển công nghiệp chế biến và gắn kết lâu dài. Với số giờ nắng bình quân từ 1.900-2.600 giờ/năm, bức xạ mặt trời trung bình từ 4,6-5,2 kWh/m2/ngày. Tốc độ gió trung bình cao hơn 7,5 m/s tạo ra tiềm năng hấp dẫn về phát triển năng lượng tái tạo.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, cùng với việc khai thác hiệu quả tiềm năng nông nghiệp, công nghiệp, ngành du lịch cũng đang được đánh thức, kỳ vọng sẽ mở ra nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế trong tương lai không xa. Tiêu biểu như: Khu Dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới; Quần thể di tích Quốc gia Tây Sơn Thượng đạo được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, Di tích khảo cổ sơ kỳ đá cũ Rộc Tưng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng... tạo điểm đến lý tưởng của du khách và hình thành các tour du lịch lịch sử, văn hoá, sinh thái, nghỉ dưỡng hấp dẫn.

“Nhiệm vụ đặt ra với các địa phương khu vực phía Đông Gia Lai trong thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cả hệ thống chính trị trong khu vực đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa. Tỉnh sẽ có những chủ trương chính sách phù hợp để Gia Lai nói chung, khu vực Đông Gia Lai nói riêng huy động cao nhất các nguồn lực, tranh thủ có hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước”, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh.

Gia Lai đề nghị bổ sung một Phó chủ tịch UBND tỉnh
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai đề nghị Ban Bí thư chỉ định bổ sung một Phó chủ tịch UBND tỉnh để kiện toàn bộ máy chính quyền.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư