Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Giá sách giáo khoa: Bộ trưởng đã hứa, nhưng chưa thấy dự thảo phản ánh ý kiến tiếp thu
Nguyễn Lê - 23/05/2023 19:55
 
Tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) trình ra Quốc hội lần này không thấy phản ánh ý kiến tiếp thu của Bộ trưởng, Trưởng Ban soạn thảo về giá sách giáo khoa.
.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu tại hội trường.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 5, chiều 23/5 Quốc hội thảo luận về Luật Giá (sửa đổi). Đây là dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tư, dự kiến thông qua tại kỳ họp này. 

Không sử dụng hết 7 phút, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) chỉ phát biểu một nội dung về giá sách giáo khoa.

Bà Thúy nói, tại Kỳ họp thứ 4, trong phiên thảo luận ở hội trường vào chiều ngày 11/11/2022, bà đã đề nghị Luật Giá (sửa đổi) giao Chính phủ quy định giá sách giáo khoa dưới hình thức khung giá, bao gồm giá tối đa và giá tối thiểu như đối với các mặt hàng khác được Nhà nước định giá.

Bộ trưởng, Trưởng Ban soạn thảo Hồ Đức Phớc đã phát biểu trước Quốc hội tiếp thu ý kiến này. Khi đó, Bộ trưởng nói: "Chúng tôi cho rằng ý kiến này rất hay, bây giờ trong tư duy chúng ta luôn luôn nghĩ đến quy định như thế nào để giá không cao nhưng chúng ta chưa nghĩ đến làm thế nào để ngăn chặn được giá quá thấp, khi các doanh nghiệp có tiềm năng muốn thâu tóm thị trường thì dùng biện pháp hay nói cách khác là dùng thủ đoạn đại hạ giá để đánh bật các đối thủ khác, tạo nên một lợi nhuận độc quyền. Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến này”.

Tuy nhiên, theo đại biểu Thúy, khi nghiên cứu dự thảo luật trình ra Quốc hội lần này để xem xét thông qua, không thấy dự thảo phản ánh ý kiến tiếp thu của Bộ trưởng, Trưởng Ban soạn thảo, cũng không thấy giải trình dù Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật này dài 112 trang.

Bà Thúy nói, ý kiến tiếp thu của Bộ trưởng trước Quốc hội ở kỳ họp trước đã thể hiện cách đánh giá vấn đề rất toàn diện, thấu đáo và sát thực tế. Nếu luật không quy định khung giá tối đa, tối thiểu thì rồi đây Quốc hội sẽ thấy những lo ngại của Bộ trưởng trở thành hiện thực.

“Nhưng nguyên nhân nào đã ngăn cản dự thảo luật thể hiện ý kiến đúng đắn đó của Bộ trưởng. Phải chăng ở đâu đó có quan điểm khác với Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, nghị quyết có nêu đa dạng hóa tài liệu học tập và Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại điểm g khoản 3 Điều 2 Luật Giáo dục, tại điểm b khoản 1 Điều 32 đều quy định thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa,. Rồi chính Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2019 cũng thể hiện quan điểm khác với Nghị quyết 88 khi không trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho cơ sở giáo dục mà cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”, bà Thúy đặt vấn đề.

Sau đó, đại biểu Thúy bày tỏ: “tôi cứ phân vân, tự hỏi giữa quy định của Nghị quyết 88 và quy định của Luật Giáo dục thì quy định nào dễ bị lợi dụng để phục vụ lợi ích nhóm hơn”.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải trình cuối phiên thảo luận. 

Trước Quốc hội, bà Thúy đề nghị trong trường hợp Quốc hội khóa này thấy chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa mà Quốc hội khóa XIII đề ra có nhiều bất cập thì nên sửa Nghị quyết 88, chấm dứt việc thực hiện chủ trương này.

Còn trong trường hợp ngược lại thì Quốc hội nên bổ sung những quy định cần thiết trong Luật Giá để bảo đảm sự nhất quán về chủ trương, không nên để xảy ra tình trạng cơ quan lập pháp ban hành những quy định ngược chiều nhau. Một đằng thì khuyến khích xã hội hóa, một đằng tạo sơ hở để cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế xã hội hóa, thậm chí có nguy cơ xóa bỏ xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, bà Thúy nêu quan điểm.

Báo cáo giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói “giá sách giáo khoa, đề xuất là đưa ra khung giá thì cũng tương tự như giá hàng không (bỏ giá sàn, để giá trần – PV) để đảm bảo cho quyền lợi của người học, tức là đảm bảo giá rẻ. Còn đối với các doanh nghiệp thì chúng tôi cũng đã báo cáo với Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng thuận là bỏ giá sàn để đảm bảo cho giá trần và để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng”.

Tranh luận chưa có hồi kết về giá sách giáo khoa
Việc tăng giá SGK mới trong bối cảnh thu nhập của một bộ phận người dân bị giảm sút do Covid-19 khiến nhiều ý kiến chưa đồng tình, thậm chí...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư