Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 01 năm 2025,
Gia tăng giá trị kinh tế cho sen Tây Hồ
Nguyễn Linh - 04/07/2024 17:02
 
Không chỉ chiếm vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt, cây sen ngày nay còn mang lại những giá trị kinh tế thiết thực.

Đó là nhận định của Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Hoa tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Phát huy giá trị của sen Hà Nội trong cuộc sống hiện nay” do Báo Hànộimới phối hợp với UBND quận Tây Hồ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức ngày 4/7/2024. 

Trồng sen đem lại hiệu quả kinh tế cao

Tại buổi giao lưu, Tổng biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức khẳng định, sen không chỉ mang giá trị văn hóa, giá trị tinh thần mà còn mang giá trị kinh tế rất lớn. 

Cây sen không chỉ là nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp thực phẩm mà còn là nguồn nguyên liệu quý cho ngành y học với những sản phẩm như trà sen, tinh dầu sen. Đặc biệt, sen còn có thể được sử dụng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm.

Tổng biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: Quang Thái

Không chỉ dừng lại ở đó, các bộ phận của cây sen còn có thể được tận dụng để sản xuất phân bón hữu cơ, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tái sử dụng nguồn tài nguyên. Nhờ vào những giá trị này, cây sen đã và đang trở thành một mô hình kinh tế tuần hoàn lý tưởng, giúp tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, giảm thiểu lãng phí, và góp phần xây dựng một nền kinh tế xanh, bền vững cho tương lai.

Những năm gần đây, Hà Nội đã đẩy mạnh khuyến khích người dân trồng sen từ việc chuyển đổi diện tích đồng trũng, đất hồ ao, ruộng bỏ hoang hóa, kém hiệu quả. Hà Nội hiện có diện tích trồng sen khoảng 600 ha, tập trung ở Mỹ Đức, Mê Linh, Ba Vì, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Ứng Hòa…

Ở Hà Nội, có nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) đã nghiên cứu thành công tơ sen để cho ra đời những sản phẩm hoàn mỹ, thân thiện với môi trường. Thông qua các sản phẩm đã quảng bá hình ảnh của Hà Nội tới bạn bè cả nước và du khách quốc tế.

Nhiều sản phẩm từ sen đã được công nhận OCOP tiêu biểu như: Khăn lụa tơ sen (tiềm năng 5 sao); trà sen Quảng An (4 sao), trà sen Mê Linh (4 sao) và các sản phẩm OCOP 3 sao như: Giò sen, xôi cốm sen, chè long nhãn sen, mứt sen, sữa sen... được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Nhằm phát huy hết lợi thế, để mở rộng diện tích trồng sen trên địa bàn, những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông triển khai các mô hình khuyến nông trình diễn đưa các giống sen mới chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất. Mô hình đã được triển khai tại Mê Linh, Mỹ Đức, Thạch Thất và quận Tây Hồ với tổng diện tích gần 30 ha, các mô hình trồng sen sẽ tiếp tục được quan tâm phát triển trong thời gian tới.

Đầm sen Bách Diệp của gia đình nghệ nhân Ngô Văn Xiêm. Ảnh tư liệu

Đặc biệt với Tây Hồ, nhằm khôi phục, phát triển và nhân rộng giống sen Bách Diệp, năm 2024, UBND quận Tây Hồ đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) triển khai thực hiện dự án "Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ - Hà Nội". 

Mô hình được triển khai thí điểm tại các hồ Đầu Đồng và Thủy Sứ (phường Quảng An) với diện tích 7 ha. Mô hình được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 50% giống sen Bách Diệp (tương đương 7.000 cây), 50% vật tư, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật…

“Chúng ta có rất nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển thương hiệu về sen. Nếu như sen Hồ Tây trở thành thương hiệu quốc gia thì sẽ tạo cơ hội quảng bá du lịch rất lớn. Thành phố đã có 600 ha trồng sen, trong đó, sen Tây Hồ sẽ trở thành điểm nhấn để phát triển. Đây là tiềm năng rất lớn để đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa của quận”, ông Nguyễn Minh Đức nói.

Để khai thác tốt hơn giá trị của sen, Tổng biên tập Báo Hànộimới cũng đề nghị quận Tây Hồ cần quan tâm đến việc tạo quỹ đất cho các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm về sen; hỗ trợ doanh nghiệp và hộ sản xuất về sen…

Tăng cường diện tích trồng sen

Ông Bùi Mạnh Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Thung lũng hoa hồ Tây cho biết, ông là người trồng sen lâu năm ở Tây Hồ. Đồng thời, ông cũng là người đã mang giống sen quý Bách Diệp nhân rộng thành công ở một số địa điểm trên địa bàn Hà Nội.

“Nếu đem giống sen Bách Diệp mang đi trồng ở những vùng lân cận sẽ có chất lượng khác hơn, gạo sen có màu trắng ngà. Khi lấy gạo cùng 1.000 bông hoa sen thì sen hồ Tây sẽ cho 1,2 - 1,3kg gạo sen, còn sen những vùng khác thì chỉ cho sản lượng 0,8 - 0,9kg gạo sen”, ông Hiếu nói.

Cũng theo ông Hiếu, năm 2018, sen Tây Hồ đột nhiên bị bệnh, sau nhiều thử nghiệm nghiên cứu, ông đã chữa được bệnh và trồng lại được hoa sen Bách Diệp, mang đến mùa thu hoạch bội thu.

Đánh giá về hiệu quả kinh tế của cây sen và việc xây dựng Đề án phát triển, tăng diện tích trồng sen những năm tới, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Hoa cho biết Hà Nội phấn đấu năm 2025 sẽ mở rộng diện tích trồng sen từ 600 ha lên 900 ha. 

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Hoa. Ảnh: Quang Thái

“Nhằm khôi phục, phát triển và nhân rộng giống sen Bách Diệp Hồ Tây, năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) và UBND quận Tây Hồ đã phối hợp triển khai thực hiện dự án "Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ - Hà Nội", ông Hoa thông tin.

Bên cạnh đó, Sở cũng tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến người trồng sen; tổ chức các hội thảo quốc tế, nghiên cứu, đặt hàng các nhà khoa học để có các giống sen nở “4 mùa”, tạo điểm nhấn cho phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Xác định Hà Nội đô thị hóa nhanh, đất sản xuất nông nghiệp sẽ bị thu hẹp nên rất cần liên kết với các tỉnh, thành khác trong phát triển vùng trồng sen, đặc biệt là các giống sen quý, thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho thành phố trong phát triển vùng trồng sen Bách Diệp nói chung, cây sen nói riêng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu đưa ra nhiều giống sen chất lượng cao, chuyên biệt vào sản xuất tại các vùng chuyên canh sen của Hà Nội.

Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông đẩy mạnh xây dựng các mô hình trình diễn sen giống mới thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng Mô hình sản xuất hoa sen hàng hóa, chất lượng cao, gắn với phát triển du lịch theo chuỗi giá trị, góp phần tăng thu nhập cho người dân… Từ đó, nhân rộng trên địa bàn Thành phố, vừa tạo cảnh quan môi trường sinh thái, thúc đẩy du lịch phát triển và làm gia tăng giá trị kinh tế cho người dân trên địa bàn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư