Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Giá trị các hợp đồng đã ký của Xây dựng Hòa Bình đạt 26.500 tỷ đồng
Duy Bắc - 15/08/2022 10:16
 
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC - sàn HoSE) tổ chức Hội nghị phân tích đầu tư nhằm cung cấp thông tin cho nhà đầu tư.

Giá trị backlog tới cuối tháng 6/2022 là 26.500 tỷ đồng

Kết thúc tháng 7, Hòa Bình cho biết đã trúng thầu 15.000 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch cả năm. Tổng giá trị các hợp đồng đã ký (backlog) tại thời điểm 30/6 là 26.500 tỷ đồng. Trong đó, 10.000 tỷ đồng sẽ được ghi nhận doanh thu năm 2022 và 16.500 tỷ đồng dự kiến ghi nhận năm 2023.

Với con số backlog trên, khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2022 là hoàn toàn khả thi.

Hòa Bình cho biết thêm giá trị trúng thầu năm 2023 đạt khoảng 24.000 tỷ đồng. Trong số đó, doanh thu được ghi nhận cho năm 2023 vào khoảng 6.000 - 7.000 tỷ đồng và thêm phần backlog từ năm 2022, dự kiến doanh thu năm 2023 sẽ đạt 22.500 tỷ đồng.

Thêm nữa, Hòa Bình cũng lên kế hoạch thoái vốn ở một số dự án bất động sản Dự án 1C Tôn Thất Thuyết, Ascent Garden Homes, Ascent Plaza, Ascent Lake Side, Long Thới. Kế hoạch này dự kiến thu về gần 2 ngàn tỷ đồng doanh thu trong giai đoạn từ năm 2022 - 2024 và lợi nhuận không dưới 700 tỷ đồng.

Về kế hoạch dài hạn, Công ty dự kiến đặt kế hoạch doanh thu 437.500 tỷ đồng và lợi nhuận 21.875 tỷ đồng vào năm 2032.

Trong giai đoạn 2022 - 2032, Hòa Bình đặt kế hoạch giữ vững vị trí dẫn đầu tại Việt Nam và phát triển ra thị trường nước ngoài. Theo đó, Công ty sẽ xây dựng nguồn lực để có thể phát triển ở thị trường nước ngoài.

Để đầu tư ở một quốc gia mới, Hòa Bình dự kiến triển khai 3 hướng như không đầu tư vào dự án; tham gia với tư cách là nhà đồng phát triển dự án; và thực hiện mua lại công ty xây dựng đang hoạt động ở địa phương.

Cải thiện chất lượng các khoản phải thu với các chủ đầu tư lớn

Công ty cũng đưa ra các biện pháp để nâng cao chất lượng các khoản phải thu. Hòa Bình tập trung sàng lọc các chủ đầu tư. Gần đây, doanh thu tăng trưởng tốt nhưng số lượng khách hàng, chủ đầu tư thu hẹp lại. Công ty chỉ hợp tác với các chủ đầu tư uy tín, có chất lượng để đảm bảo có khả năng hoàn trả như Vingroup, Capital Land, Gamuda Land. Khoản phải thu tăng lên nhưng chất lượng tăng đáng kể do đây là các khách hàng hàng đầu Việt Nam.

Thêm nữa, Hòa Bình sẽ sửa đổi các điều khoản thanh toán, nghiên cứu điều khoản đặc thù cho chủ đầu tư chiến lược của Công ty hoặc cho thể phối kết hợp kết nối các ngân hàng đối tác tài trợ cho chủ đầu tư.

Quý II/2022, Hòa Bình báo cáo doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận giảm

Trong quý II/2022, Hòa Bình ghi nhận doanh thu đạt 4.079,83 tỷ đồng, tăng 28,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 50,28 tỷ đồng, giảm 13,9% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 6,1% về còn 3,3%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 31,2% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 60,93 tỷ đồng về 134,13 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 181,6%, tương ứng tăng thêm 118,1 tỷ đồng lên 183,15 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 77,7%, tương ứng tăng thêm 62,33 tỷ đồng lên 142,58 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 26%, tương ứng tăng thêm 27,01 tỷ đồng lên 130,77 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng 403,5%, tương ứng tăng thêm 23,12 tỷ đồng lên 28,85 tỷ đồng.

Trong kỳ mặc dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận lại giảm, nguyên nhân chủ yếu do biên lợi nhuận gộp giảm mạnh dẫn tới lợi nhuận gộp giảm. Mặc dù Công ty đã tăng nguồn thu từ doanh thu tài chính và lợi nhuận khác nhưng không đủ bù đắp sự sụt giảm của biên lợi nhuận gộp, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng lên.

Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm, Hòa Bình ghi nhận doanh thu đạt 7.062,8 tỷ đồng, tăng 29,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 60,89 tỷ đồng, giảm 10,6% so với cùng kỳ.

Trong năm 2022, Hòa Bình đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 17.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty mới hoàn thành 17,4% kế hoạch lợi nhuận năm.

Xét về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm 1.364,6 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 691,5 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 200,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 1.469,4 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.

Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Hòa Bình tăng 10,1% so với đầu năm lên 18.255,1 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn đạt 12.963,6 tỷ đồng, chiếm 71% tổng tài sản; tồn kho đạt 2.754 tỷ đồng, chiếm 15,1% tổng tài sản và các tài sản khác.

Trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 12,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.425,5 tỷ đồng lên 12.963,6 tỷ đồng; tồn kho tăng 15,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 361,9 tỷ đồng lên 2.754 tỷ đồng.

Xét về nợ vay, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 28,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.437 tỷ đồng lên 6.534,7 tỷ đồng và chiếm 35,8% tổng nguồn vốn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/8, cổ phiếu HBC tăng 350 đồng lên 21.800 đồng/cổ phiếu.

Không còn khoản thu khác, lợi nhuận của Xây dựng Hòa Bình (HBC) giảm 90%
Do không còn khoản lãi khác như quý III/2020, lợi nhuận sau thuế trong kỳ này của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình chỉ đạt hơn 5 tỷ đồng, giảm 90,2%.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư