Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Gia vị, xoài, gạo Việt xuất khẩu đều đặn sang Mỹ, EU
Thế Hải - 28/02/2022 08:08
 
Trái cây, gạo, gia vị, những sản phẩm của ngành nông nghiệp Việt Nam có mặt ngày càng nhiều tại các thị trường khó tính khi doanh nghiệp tăng cường tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA).
TIN LIÊN QUAN
Xuất khẩu gạo, nông, lâm, thủy sản của Việt Nam được dự báo sẽ đạt mốc 50 tỷ USD trong năm nay
Xuất khẩu gạo, nông, lâm, thủy sản của Việt Nam được dự báo sẽ đạt mốc 50 tỷ USD trong năm nay

Doanh nghiệp hối hả xuất hàng

Chưa hết 2 tháng đầu năm 2022, nhưng Công ty cổ phần Nông sản Lộc Trời (LTA) đã giao thành công lô hàng xuất khẩu 4.500 tấn, trị giá hơn 3 triệu USD, gồm gạo thơm, gạo trắng, gạo lứt và gạo nếp, xuất khẩu vào thị trường châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông và các quốc gia châu Á.

Đợt hàng xuất khẩu 4.500 tấn gạo này được giao lần lượt từ đầu năm đến giữa tháng 2/2022 cho các đối tác đã làm ăn lâu dài với Tập đoàn khắp 4 châu lục như Italia, Pháp, Canada, Hồng Kông, Singapore, Philippines, Kuwait…

Lộc Trời chỉ là một trong nhiều doanh nghiệp thực hiện dồn dập các đơn hàng xuất khẩu cho đối tác nước ngoài mua gạo Việt, nhờ đó đã đóng góp vào mức tăng trưởng của ngành gạo xuất khẩu ngay trong tháng đầu tiên của năm 2022. Thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 1/2022 đã bật tăng mạnh, đạt 505.741 tấn, trị giá 246,02 triệu USD, tăng mạnh 45,4% về khối lượng, tăng 28,2% về trị giá so với cùng kỳ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ đạt và có khả năng vượt 50 tỷ USD, tăng trưởng 3-4%.

Đóng góp trên 3,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021, ngay đầu năm, ngành trái cây, rau quả cũng giao thành công một loạt đơn hàng mới. Dấu ấn cho trái xoài đi thị trường khó tính là Công ty TNHH Westerfarm (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) và Công ty cổ phần Cánh cổng vàng Việt Nam đã xuất khẩu lô hàng 3 tấn xoài đầu tiên năm 2022 đi Hà Lan, gồm 1,5 tấn xoài Cát Chu vàng và 1,5 tấn xoài Cát Chu xanh.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty Cánh cổng vàng Việt Nam cho biết, Công ty đã ký kết với Tập đoàn MCE Hà Lan tại Việt Nam để xuất khẩu xoài, trước mắt là 3 tấn xoài Cát Chu. Theo kế hoạch, từ nay đến tháng 3/2022, Công ty sẽ triển khai xuất khẩu lô xoài sang EU bằng đường biển, với số lượng 8 tấn và sẽ tăng lên theo tuần, đồng thời mở rộng xuất khẩu xoài sang thị trường khác.

“Ngoài mặt hàng xoài, thời gian tới, Công ty còn có nhu cầu xuất khẩu nhãn, sầu riêng, mít, ổi, mãng cầu xiêm... và định hướng liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trên địa bàn Đồng Tháp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản ở tỉnh”, bà Nguyệt nói.

Cánh cửa xuất khẩu cũng rộng hơn với lĩnh vực sản xuất gia vị trong nước, nếu nhìn ở sự kiện Công ty cổ phần Dh Foods vừa ký kết hợp tác với Công ty Heritage Beverage (Mỹ) để xuất khẩu gia vị sang thị trường này. Theo đó, Heritage Beverage sẽ trở thành đơn vị phân phối độc quyền gia vị đặc sản vùng miền Việt Nam của Dh Foods tại Mỹ.

Sản phẩm của Dh Foods dự kiến lên đường sang Mỹ bắt đầu từ quý III/2022, với sản lượng khoảng 10 container trong năm nay và sẽ tăng dần qua các năm. Các sản phẩm gia vị đặc sản vùng miền của Dh Foods sẽ có cơ hội xuất hiện trên các hệ thống phân phối của HB như: hole Foods, Costco, Cost Plus, Safeway, Albertson’s, Kroger, Trader Joe’s và 99 Ranch cùng nhiều nhà hàng Việt Nam tại Mỹ.

Chinh phục mốc 50 tỷ USD

Rau quả, gạo chỉ là 2 mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD của ngành nông nghiệp. Năm qua, 2 ngành hàng này đóng góp trên 6,7 tỷ USD, còn một loạt ngành hàng có trị giá xuất khẩu lớn gần chục tỷ và hơn chục tỷ USD như đồ gỗ, thủy sản… đã giúp ngành nông nghiệp mang về hơn 48,6 tỷ USD trong năm 2021.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 vẫn đảm bảo từ 6-6,2 triệu tấn, tương đương năm 2020 và 2021 với trị giá trên 3,2 tỷ USD.

Xuất khẩu gạo trong năm 2022 sẽ duy trì thứ hạng tốt do ngành lúa gạo Việt Nam ngày càng được cải thiện về chất lượng (tỷ trọng gạo thơm tăng lên, năng suất lúa được cải thiện). Các doanh nghiệp lớn như Lộc Trời, Tân Long, Intimex, Trung An… vẫn được đối tác ký kết các đơn hàng lớn, giá trị cao. Năm 2022, các ngành hàng này tiếp tục là trụ cột để giúp ngành nông nghiệp đặt mục tiêu cán đích kim ngạch xuất khẩu trên 50 tỷ USD.

Nhưng không chỉ trông đợi vào các ngành hàng chủ lực kể trên, việc đầu tư, khai thác dư địa thị trường với những mặt hàng mới như gia vị cũng rất triển vọng.

Ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dh Foods  kỳ vọng, đối tác Heritage Beverage sẽ giúp Dh Foods chinh phục “miếng bánh” thị trường thực phẩm châu Á tại Mỹ, trị giá tới 40 tỷ USD, phục vụ cho khoảng 30 triệu người gốc Á, trong đó có 3 triệu người gốc Việt và những người Mỹ yêu thích ẩm thực phương Đông. Theo ước tính, có đến hơn 80% siêu thị tại Mỹ có quầy thực phẩm châu Á.

Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu gia vị và hương liệu của Việt Nam đang ngày càng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, đòi hỏi khắt khe của đối tác nước ngoài, có khả năng cung ứng những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chất lượng tốt và an toàn cho nhiều nhà nhập khẩu hàng đầu và các kênh phân phối cao cấp tại nhiều khu vực trên thế giới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư