Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Giá xăng, dầu tăng “phi mã”, doanh nghiệp lữ hành chật vật
Hồ Hạ - 13/07/2022 07:51
 
Sau hơn 2 năm khủng hoảng vì Covid-19, ngành kinh tế xanh lại phải chật vật với cú sốc giá xăng, dầu tăng “phi mã”, kéo theo mọi chi phí đầu vào tăng cao.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao, với 18 lần điều chỉnh, trong đó có 13 lần tăng. 

Giá xăng, dầu neo cao ngất ngưởng, khiến các đơn vị vận chuyển du lịch như ngồi trên đống lửa. Dù du lịch nội địa đã khởi sắc và bắt đầu có những đoàn inbound vào khảo sát, nhưng ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty HT Việt Nam vẫn ngậm ngùi, bởi với giá xăng, dầu tăng 200% so với năm ngoái, thực sự là áp lực quá lớn.

“Chi phí từ xăng dầu, cầu đường, tất cả mọi thứ cộng lại, đội lên khoảng 60 - 70%, thì gần như không có lợi nhuận”, ông Tuấn Anh nói.

Tương tự, ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel cho hay, việc giá xăng, dầu tăng phi mã, đột ngột trong thời gian ngắn, lại vào thời điểm du lịch vừa rục rịch mở cửa, gây khó khăn cho tiến trình phục hồi. Giá xăng, dầu tăng khiến vật giá leo thang, hầu bao du khách bị thắt lại, quỹ cho nhu cầu du lịch bị xem xét cắt giảm đầu tiên.

Tối ưu các loại chi phí và tiết giảm lợi nhuận, thậm chí bù lỗ để kích cầu là tình trạng ở nhiều doanh nghiệp lữ hành. Theo ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc marketing Công ty Du lịch Best Price, thời điểm này vé máy bay Hà Nội - Nha Trang khoảng 5 triệu đồng, vé Hà Nội - Phú Quốc 5 - 6 triệu đồng, xe ô tô du lịch 45 chỗ Hà Nội - Hạ Long là 15 triệu đồng (tăng 3 triệu đồng so với hồi tháng 5). Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm tour của các hãng lữ hành.

“Giá xăng tăng khiến giá tour không thể rẻ, thậm chí các tour du lịch bình dân còn chịu tác động mạnh hơn các tour cao cấp, các công ty du lịch đang phải bù lỗ cho sản phẩm đã bán ra với giá cũ”, ông Tú chia sẻ.

Để hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành, CEO Travelogy Viet Nam, ông Vũ Văn Tuyên kiến nghị, các điểm đến, sở, ban, ngành cần giảm giá vé tham quan trong thời gian này, nhằm giúp cân bằng giá tour.

Cũng theo ông Tuyên, hiện nay hầu hết doanh nghiệp gần như mất khả năng thanh toán. Muốn tiếp cận nguồn vốn ngân hàng thì doanh nghiệp không đảm bảo điều kiện, vì không chứng minh được thu nhập, không có tài sản thế chấp; những doanh nghiệp vừa và nhỏ càng khó đáp ứng yêu cầu về kế hoạch kinh doanh. Vì thiếu vốn, doanh nghiệp thiếu nguồn lực để cải tạo, xây dựng mới sản phẩm thu hút du khách.

Ông Nguyễn Tiến Đạt thì cho biết, tại nhiều doanh nghiệp lữ hành, khó khăn lớn nhất hiện nay là làm sao duy trì hoạt động của doanh nghiệp, đợi được đến lúc đón lượng khách lớn, đủ để bù chi phí. Hầu hết doanh nghiệp hoạt động đón khách hiện tại chưa có lãi, thời gian này phải đầu tư nhiều thứ, chi phí đầu vào cao, khách chưa có nhiều.

Trong bối cảnh khó chồng khó, ông Đạt đề xuất Nhà nước kéo dài chính sách cơ cấu nợ vay ngân hàng, duy trì mức lãi suất ổn định, triển khai nhanh gói hỗ trợ lãi suất. Đồng thời, tháo gỡ những vướng mắc về visa cho du khách quốc tế, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sự mở cửa và sôi động của thị trường nội địa đến các thị trường quốc tế trọng điểm nhằm thu hút du khách đến nhanh hơn, nhiều hơn. Có như vậy, đà hồi phục của ngành kinh tế mũi nhọn này mới bớt rào cản và mùa du lịch năm nay có thể mang đến niềm vui cho doanh nghiệp lữ hành.

Du lịch phục hồi, hàng không tăng trưởng
Sự phục hồi nhanh của ngành kinh tế xanh đã kích thích các hãng hàng không liên tục tăng chuyến, mở đường bay mới.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư