Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Du lịch phục hồi, hàng không tăng trưởng
Hồ Hạ - 07/07/2022 16:27
 
Sự phục hồi nhanh của ngành kinh tế xanh đã kích thích các hãng hàng không liên tục tăng chuyến, mở đường bay mới.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hàng không bứt tốc

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 602.000 lượt người, tăng 582,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có hơn 523.000 lượt khách đến bằng đường hàng không, chiếm 87% tổng lượng khách. 

Thực tế, hàng không nội địa phục hồi đã tạo bước đệm, để mau chóng phục hồi các đường bay quốc tế ngay khi các “rào cản” được xóa bỏ. Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng, các chuyến bay khai thác nội địa đã có sự bứt phá trong 6 tháng đầu năm. Lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt 40,7 lượt triệu khách, tăng 56,8% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,8 triệu khách, tăng 904,6%. Khách nội địa đạt 38,9 triệu lượt khách, tăng 52,6%. 

Theo nghiên cứu của Airbus phối hợp với Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dựa trên kết quả thống kê các số chuyến bay từ flightrada 24 and Airbus estimate, thị trường hàng không nội địa Việt Nam phục hồi nhanh nhất thế giới, với đà tăng trưởng 123% so với cùng kỳ năm 2019.

Chỉ trong tháng 6, Vietravel Airlines đã khai trương đường bay mới Hà Nội - New Dehli (Ấn Độ) với tần suất 3 chuyến/tuần và TP.HCM - New Dehli 2 chuyến/tuần. Bên cạnh các đường bay thường lệ giữa Hà Nội, TP.HCM và Singapore, từ tháng 6, Vietravel Airlines mở thêm các đường bay mới Đà Nẵng - Singapore với tần suất 3 chuyến/tuần và đường bay giữa Nha Trang, Phú Quốc - Singapore với tần suất 2 chuyến/tuần.

Đặc biệt, từ 15/5, hãng hàng không này đã tăng tần suất trên 8 đường bay giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc và khôi phục lại 3 đường bay đến Hàn Quốc, đồng thời đẩy mạnh khai thác máy bay thân rộng hiện đại Boeing 787 trên các đường bay này. Từ 1/6, Vietravel Airlines đã nối lại các chặng bay giữa Đà Nẵng - Seoul,  Hà Nội - Busan (Hàn Quốc) và từ 1/7 nối lại đường bay giữa TP.HCM - Busan, Nha Trang - Seoul, Đà Nẵng - Tokyo. 

Con đường phục hồi còn nhiều gập ghềnh

Tuy hàng không và du lịch đã có nhiều khởi sắc, nhưng Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết, nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 USD/thùng trong cả năm 2022, thì ước tính chi phí của Vietnam Airlines (VNA) sẽ tăng thêm khoảng 5.700 tỷ đồng. Trong trường hợp, giá dầu Jet A1 tăng lên mức 160 USD/thùng, chi phí tăng thêm của hãng hàng không quốc gia sẽ ở mức 9.100 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo tính toán của VNA, với giá nhiên liệu bình quân 130 USD/thùng, thì chi phí nhiên liệu/ghế đối với tàu bay Airbus321 của Hãng là 688.000 đồng đối với chặng TP.HCM - Hà Nội; 450.000 đồng đối với chặng TP.HCM/Hà Nội - Đà Nẵng. “Với tình hình giá vé cạnh tranh như hiện nay, doanh thu bình quân/chuyến bay còn chưa đủ bù đắp được chi phí nhiên liệu chứ chưa nói đến chi phí biến đổi hoặc tổng chi phí”, ông Hà lo lắng.

Nhận định Việt Nam là ngôi sao đang lên trong mạng trung chuyển hàng không châu Á, tại Diễn đàn "Phát triển đường bay châu Á 2022" diễn ra tại Đà Nẵng mới đây, ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Kế hoạch phát triển VNA đề xuất cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp tăng cường quảng bá các điểm đến tại Việt Nam và kéo dài thời gian miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày để hút khách quốc tế. Đồng thời, các sân bay cần hỗ trợ chi phí đậu đỗ, phí cất cánh, môi trường để chung tay hỗ trợ hoạt động hàng không vực dậy sau dịch, đưa Việt Nam thành điểm đến của thế giới.

Khách du lịch MICE Việt Nam nườm nượp tới Hàn Quốc
Năm 2019, hơn 73.000 lượt người Việt đi du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm…) đến Hàn Quốc. Hậu Covid-19, Hàn Quốc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư