Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Giấc mơ doanh nghiệp Việt hàng trăm năm tuổi
Khánh An - 30/09/2014 08:40
 
Vào năm 1895, với câu nói “đã chọn được con đường riêng và muốn làm cho Hà Nội cũng tươi đẹp như Paris”, người thanh niên 21 tuổi Bạch Thái Bưởi đã đặt những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp kinh doanh với thế giới của người Việt.
TIN LIÊN QUAN

Gần 120 năm sau, vào năm 2014, giới doanh nhân Việt Nam lại bắt đầu giấc mơ về doanh nghiệp Việt hàng trăm năm tuổi.

  Giấc mơ doanh nghiệp Việt hàng trăm năm tuổi  
 

Lão doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ trong buổi gặp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam lần thứ 9 (2013)

 

Chúa sông Bắc Kỳ mơ vượt biển

Tư liệu còn ghi, năm 1895, thanh niên trẻ Việt Nam thông minh, lanh lợi, giỏi tiếng Pháp được Công sứ Bonnet đề cử sang Pháp giới thiệu sản phẩm của gian hàng xứ Bắc Kỳ tại Hội Bordeaux được tổ chức tại Pháp.

Sang Pháp, chàng trai Việt mới 21 tuổi choáng ngợp trước sự văn minh của Paris hoa lệ. Về nước, Bạch Thái Bưởi đến gõ cửa phòng chủ hãng thầu công chánh để xin nghỉ việc với lý do: “Thưa, tôi đã chọn đường đi của tôi!”.

Nhưng ngay lúc đó chàng trai trẻ chưa biết chính xác con đường của mình là gì. Mãi sau này, ông mới kể lại: “Tôi muốn làm cho Hà Nội cũng tươi đẹp như Paris”

Về sau, ông được xếp vào danh sách 4 người giàu có nhất Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ 20 (nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xương, tứ Bưởi) với sự nghiệp vô cùng đáng nể.

Ông là đối tác chính cung cấp nguyên liệu cho dự án xây dựng tuyến đường sắt lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ, bắt đầu bằng việc xây cây cầu dài 3.500 m nối Hà Nội với Gia Lâm.

Ông cũng là chủ các hãng cầm đồ ở Nam Định, mở hiệu cơm Tây ở Thanh Hóa, mở đại lý rượu ở Thái Bình, thầu thuế chợ tại chợ Nam Định; tỉnh Thanh Hóa; Vinh - Bến Thủy.

Ông cũng là người  thắng lớn trước đối thủ là các thương thuyền Hoa kiều đang giữ vị trí độc quyền khai thác hai tuyến đường thủy Nam Định - Hà Nội, Nam Định - Bến Thủy. Tháng 4/1916, Bạch Thái Bưởi chính thức lập nghiệp ở Hải Phòng. Cơ ngơi đồ sộ của ông nằm trên bờ sông Tam Bạc và thành lập Giang hải luân thuyền Bạch Thái Công ty.

Đến năm 1919, Công ty Bạch Thái còn mở thêm chi nhánh ở nhiều địa phương khác. Tổng số tàu lớn nhỏ của ông lên đến 30 chiếc, chưa kể đến các thuyền phụ; 20 sà lan; 13 chiếc cầu tàu đứng, 16 chiếc cầu tàu nổi…

Đặc biệt, ông Bạch Thái Bưởi là người chủ ý chỉ sử dụng người Việt giúp việc. Nhiều người nhà trong gia đình ông - kể cả vợ - không đồng tình, sợ rằng, với số vốn lớn, với công việc như thế nếu giao tất tần tật cho người không phải trong dòng tộc thì khi họ phản thì chỉ có vỡ nợ.

   
 

Các thành viên sáng lập Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam

 

Ông đã có câu nói để đời với giới kinh doanh Việt khi đó, và có thể cả bây giờ, đó là, “Kinh doanh trên thương trường, người Hoa hơn ta là ở chỗ có chữ tín. Chẳng lẽ người Việt ta không làm được như thế sao? Ta có thật lòng tin người thì người mới tin ta”.

Người đương thời xưng tụng ông là “Chúa sông Bắc Kỳ”, nhưng khát vọng của doanh nhân Bạch Thái Bưởi rộng lớn hơn, muốn giong buồm vượt biển.

Dấu mốc cho khát vọng vượt biển để chinh phục thế giới chính là việc Bạch Thái Bưởi tổ chức thiết kế và tự thực hiện chiếc tàu lớn đầu tiên của Việt Nam, tàu Bình Chuẩn.

Bạch Thái Bưởi còn dự định tạo dựng nhiều công trình như xây một nhà máy xay gạo ở Nam Định với những thiết bị tân tiến mua tận Hambourg (Đức), chương trình đặt ống cống, xây nhà máy nước, dựng nhà máy điện cho Thành phố Nam Định và cả việc đặt đường sắt Nam Định - Hải Phòng. Rất tiếc ông không thực hiện được những dự định này…

Cơ nghiệp họ Trịnh và hơn 5.000 lượng vàng quyên góp

Trong Ngày doanh nhân Việt Nam lần thứ 9, ngày 13/10/2013, bà Hoàng Thị Minh Hồ đã trở thành doanh nhân tiêu biểu cao tuổi nhất của cộng đồng doanh nhân Việt Nam, đúng tròn 100 tuổi.

Lần đầu tiên, lão doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ được xướng danh, không phải với cách gọi quen thuộc là vợ doanh nhân Trịnh Văn Bô như hàng chục năm nay mọi người vẫn gọi. Ở tuổi 100, cụ Hoàng Thị Minh Hồ vẫn minh mẫn, giọng nói vẫn khá rõ ràng.

Đầu thế kỷ 20, ông Trịnh Văn Bô và vợ là bà Hoàng Thị Minh Hồ đã phát triển nghề buôn của cha mẹ, trở thành một trong những gia đình giàu nhất thời bấy giờ.

Theo gia phả Trịnh tộc, thì thân sinh ông Trịnh Văn Bô là cụ Trịnh Phúc Lợi, một doanh nhân Việt Nam đầu thế kỷ 20. Mẹ ông họ Phan, người gốc Hoa, về sau nối nghiệp chồng quản lý thành công hiệu buôn Phúc Lợi. Cậu ruột ông cũng là một doanh nhân nổi tiếng đầu thế kỷ 20 với hiệu buôn Cự Hưng.

Bà Hoàng Thị Minh Hồ, ái nữ của cụ Hoàng Đạo Phương, một nhà nho và cũng là thương gia giàu có đất Hà Nội xưa.

Trên cơ sở kinh doanh mà người cha gây dựng, hai vợ chồng ông bà đã kế thừa và nhanh chóng phát triển hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi trở thành một thương hiệu nổi tiếng thời bấy giờ, bán tơ lụa sang cả Lào, Campuchia, Thái Lan, thậm chí có giao dịch, buôn bán với thương nhân Pháp, Anh, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Nhưng dấu ấn lớn nhất của gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ là hơn 5.000 lượng vàng, khoảng 2 triệu đồng tiền Đông Dương (tương đương 90% tài sản) quyên góp trong Tuần lễ Vàng từ ngày 17 đến 24/9/1945.

Khi đó, tài chính khi ngân khố quốc gia cạn kiệt. Kho bạc Trung ương lúc đó chỉ còn hơn 1,2 triệu đồng Đông Dương với gần một nửa là tiền rách chờ thu đổi, ngoài ra còn đối mặt với khoản nợ ngắn hạn phải thanh toán lên đến 564 triệu đồng…

Cuốn sách “Gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng” do Bộ Tài chính xuất bản năm 2013 có chép, khi nhớ lại về những ngày tháng đó, cụ Hoàng Thị Minh Hồ vẫn khẳng định: "Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn dốc toàn bộ tiền bạc cho cách mạng…" vì "vợ chồng tôi có 4 bàn tay, 2 khối óc, chúng tôi có đóng góp hết, chúng tôi lại sẽ làm ra. Nhưng độc lập của dân tộc Việt Nam thì không thể nào để mất, vì đó là sự hy sinh của không ít thế hệ mới lấy lại được".

Chỉ tiếc là lịch sử có những ngắt quãng. 7 người con của bà về sau không ai làm kinh doanh.

Mới đây, trong dịp bàn về những doanh nhân gia đình Việt Nam và việc thành lập Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam, nữ doanh nhân tiêu biểu cao tuổi nhất cộng đồng doanh nhân Việt Nam đã góp  mặt và cụ đã nói: “Tôi là doanh nhân của đầu thế kỷ 20, đã dùng hết tài sức làm giàu cho gia đình, rồi giúp dân, giúp nước, giúp người nghèo đói. Bây giờ, các bạn là doanh nhân thế kỷ 21, phải tiếp bước ông cha, đem tài năng, trí tuệ làm giàu cho gia đình, xây dựng đất nước”.

Viết tiếp giấc mơ gia đình doanh nghiệp Việt Nam

Trong danh sách 27 thành viên sáng lập Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam, đa phần là những doanh nhân đang ở độ tuổi sung sức nhất, trong khoảng 40-50 tuổi. Một số doanh nhân mới ngoài 30. Phần lớn họ đều là những doanh nhân gây dựng sự nghiệp.

Có thể kể tới như ông Phạm Đình Đoàn, sinh năm 1964, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, gây dựng Phú Thái gần như từ hai bàn tay trắng vào năm 1993. Với 3.000 USD vốn ban đầu và câu hỏi tại sao ở nước ngoài hệ thống mua bán hàng lại có thể hiện đại và bài bản như vậy, sau hơn 20 năm, ông Đoàn đã tạo dựng nên một thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực phân phối - bán lẻ của Việt Nam.

Ông Lê Vĩnh Sơn, sinh năm 1974, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà khởi nghiệp từ năm 1998, khi thành lập Công ty TNHH Kim khí Sơn Hà, theo nghề kim khí của gia đình ở phố Hàng Thiếc, Hà Nội. Từ sản phẩm duy nhất là bồn nước, ông Sơn hiện là chủ tịch HĐQT của 4 công ty là Năng lượng Sơn Hà, Sơn Hà Sài Gòn, Bất động sản Sơn Hà và là Ủy viên HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị Kiến Hưng.

Ông Nguyễn Thành Phương, sinh năm 1978, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kangaroo, trong vòng 10 năm đã từ con số 0 tạo nên thương hiệu Kangaroo đình đám trong ngành hàng điện gia dụng, với 6 công ty thành viên, 3 chi nhánh và 3 văn phòng đại diện tại nước ngoài…

Điểm xuất phát của họ với nghiệp kinh doanh khác nhau, các bước thành công của 27 thành viên sáng lập Hội đồng cũng khác nhau, nhưng họ đang có một quan tâm chung, đó là làm thế nào để doanh nghiệp của họ có thể tồn tại, phát triển qua nhiều thập kỷ, để có những thương hiệu Việt danh tiếng.

“Chúng tôi mới là thế hệ đầu tiên của doanh nghiệp của mình, nhưng chúng tôi muốn và đang cố gắng đặt những viên gạch đầu tiên cho nền móng vững chắc của những doanh nghiệp hàng trăm năm tuổi. Những gia đình đầu tiên của Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam cùng bắt tay với nhau chia sẻ tâm tư này”, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch lâm thời của Hội đồng nói.

Nhìn ra thế giới, 500 thương hiệu công ty thành công lớn nhất trên thế giới có tới hơn 1/3 là công ty theo mô hình gia đình. Có thể điểm đến Walmart, Hermes, P&G. Gần hơn, ở các nước châu Á, công ty gia đình cũng là hình thức khá phổ biến, và nổi danh nhất không thể không kể đến Toyota, Samsung, Sony, Hyundai…

Thậm chí, đây đang là mô hình các doanh nghiệp hiện đại quan tâm. Là người nghiên cứu về mô hình phát triển của các tập đoàn gia đình lớn của thế giới, ông Lawrence Chong, đồng sáng lập viên và CEO của Consulus cho rằng, các doanh nghiệp gia đình đều sở hữu một kho báu vô cùng quý giá là lòng trung thành, mối liên kết chặt chẽ giữa các thành viên.

Khi các doanh nghiệp khác nói về hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận, thì trong doanh nghiệp gia đình họ còn nói về tình yêu. Vì sao các thương hiệu lớn của thế giới lại là công ty gia đình. Bởi vì họ, ngoài làm việc, tình yêu gia đình còn tạo ra sự tận tâm, để làm ra sản phẩm tốt hơn, vì sự phồn vinh của gia đình.

Ở Việt Nam, không tính tới doanh nghiệp nhà nước, thì tuổi đời lớn nhất của một doanh nghiệp tư nhân chỉ khoảng 30 tuổi, tương đương với chặng đường đổi mới của nền kinh tế Việt Nam. Cũng có một điểm chung với sự hình thành và phát triển của doanh nghiệp thế giới, tên tuổi của các doanh nghiệp này đang gắn với những gia đình kinh doanh nổi tiếng của Việt Nam.

Đó là Trương Gia Bình, người khởi tạo FPT. Vũ Văn Tiền với Geleximco. Phạm Nhật Vượng với Vingroup. Nguyễn Thị Nga với SeABank. Đỗ Minh Phú với DOJI. Nguyễn Đăng Quang với Massan.  Vưu Khải Thành với Biti's. Nguyễn Minh Tuấn với Kềm Nghĩa. Nguyễn Thị Hạnh, Saigon Co.op. Trần Kim Thành với Kinh Đô. Lê Phước Vũ với Tập đoàn Hoa Sen. Lý Ngọc Minh với sứ Minh Long. Phạm Thị Việt Nga với Dược Hậu Giang. Đoàn Nguyên Đức với Hoàng Anh Gia Lai. Cô Gia Thọ với Thiên Long. Nguyễn Thị Mai Thanh với REE, Cao Ngọc Dung với PNJ. Lê Văn Quang với Minh Phú. Đặng Lê Nguyên Vũ với Trung Nguyên…

Nhiều trong số những gia đình kinh doanh nổi tiếng này bắt đầu có sự chuyển giao thế hệ. Một số doanh nhân thế hệ thứ hai đã được đào tạo bài bản, được truyền lửa kinh doanh của gia đình, bắt đầu tham gia vào công việc điều hành, phát triển sản nghiệp và sự nghiệp…

Giấc mơ vượt biển của Chúa sông Bắc Kỳ Bạch Thái Bưởi, ước mơ chưa thực hiện trọn vẹn của lão doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ và rất nhiều gia đình doanh nhân của Việt Nam đang được các thế hệ con cháu viết tiếp những chương mới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư