Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Giải bài toán mở cửa
Hà Nguyễn - 06/10/2021 08:15
 
Sau nhiều chờ đợi, cuối cùng, Hà Nội, TP.HCM cùng một số tỉnh phía Nam đã bắt đầu lộ trình nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa lại nền kinh tế.

Đó có thể xem là một trong những quyết định đúng đắn trong bối cảnh hiện nay, khi dịch bệnh đang được kiểm soát tốt hơn, khi tỷ lệ tiêm vắc-xin tăng dần và nền kinh tế đang đối mặt với cú sốc lớn do GDP trong quý III tăng trưởng âm 6,17%, qua 9 tháng chỉ tăng trưởng 1,42%.

Thậm chí, dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm nay ước khoảng 3 - 3,5%, tức chỉ bằng phân nửa so với mục tiêu Quốc hội đã quyết nghị, song cũng phải rất nỗ lực mới đạt được. Thực tế, muốn cả năm tăng trưởng 3%, thì quý IV/2021 phải đạt mức tăng trưởng 7,06%. Còn muốn có mức tăng trưởng 3,5%, thì quý IV phải chạm ngưỡng tăng trưởng 8,84%.            

Mở cửa lại là giải pháp để kinh tế từng bước vượt qua khó khăn. 

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nền kinh tế không dễ đạt được các con số này. Như vậy, mở cửa lại là giải pháp duy nhất đúng để kinh tế từng bước vượt qua khó khăn. 

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg, ngày 3/10/2021 về việc phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Quyết tâm là rất rõ ràng, phải mở cửa và phục hồi sản xuất. Nhưng mở thế nào, lộ trình ra sao là bài toán cần tính đến, bởi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Nhiều nước trên thế giới, như Singapore, Thái Lan…, cũng đang buộc phải cân nhắc lại các biện pháp mở cửa khi dịch bệnh lại bùng lên. Thêm vào đó, dù các tuyên bố “sống chung” với Covid-19 đã được đưa ra, song điều mà dư luận trông chờ, đó là cần một mô hình chống dịch thống nhất, trong đó làm rõ nội hàm “sống chung” với Covid-19 là gì và nếu đã áp dụng, thì không thể mỗi nơi một kiểu.

Tương tự, cần có các quy định, quy tắc chung áp dụng một cách thống nhất, rõ ràng, tránh các khái niệm chung chung kiểu “hàng thiết yếu”. Cần có lộ trình mở cửa theo từng giai đoạn để doanh nghiệp chuẩn bị xây dựng các kế hoạch đầu tư, sản xuất - kinh doanh…

Và không chỉ là mở cửa lại. Vấn đề với nền kinh tế Việt Nam còn là làm sao nhanh chóng phục hồi và tăng tốc trong bối cảnh bình thường mới. Con đường này sẽ không ít gian truân, do trước tiên cần “chữa bệnh” cho nền kinh tế, sau đó mới tìm cơ hội để lấy lại đà tăng trưởng và bứt phá.

Để làm được điều này, phải thực hiện song song cả hai chiến lược: vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa khôi phục và phát triển kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, đã chỉ đạo phải sớm có hai chiến lược này. Một thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế, một của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tuần trước, những phác thảo ban đầu của Chương trình Phục hồi, phát triển kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tham vấn các chuyên gia. Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần sớm có các chính sách kích thích kinh tế có hiệu quả, đảm bảo các chỉ số kinh tế vĩ mô phù hợp với bối cảnh bình thường mới. Và cần hơn cả, là một quan điểm, chủ trương, chiến lược phòng, chống dịch trong điều kiện rất nhiều quốc gia trên toàn cầu cũng đang thay đổi chiến lược chống dịch.

Có lẽ, đó cũng là một trong những lý do để Hội nghị Trung ương 4, Khóa XIII, khai mạc vào đầu tuần này tập trung thảo luận về tình hình phòng, chống đại dịch Covid-19 cùng các quan điểm, chủ trương về phòng, chống dịch trong tình hình mới; tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Kế hoạch Tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024…

Đây là những vấn đề quan trọng và có quan hệ hữu cơ, mật thiết với nhau. Bởi thế, nhiều kỳ vọng đang được đặt ra, rằng sau Hội nghị sẽ có thêm những quyết sách được đưa ra, tạo nền tảng để Việt Nam vừa thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa nhanh chóng mở cửa lại, phục hồi và phát triển kinh tế.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!
Bài toán mở cửa kinh tế để giữ tăng trưởng và dòng vốn FDI
Tốc độ mở cửa sẽ quyết định triển vọng tăng trưởng kinh tế và thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam, song...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư