Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 01 năm 2025,
Giải mã trình độ của “thần y” chữa bệnh bằng sờ
Duy Tiến - 18/02/2014 14:58
 
Chỉ là một nông dân thuần túy nhưng nhờ những câu chuyện thêu dệt và lời đồn thổi trong dân gian, vài năm gần đây, tên tuổi bà Phan Thị Tranh ở huyện Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phúc) bỗng nổi như cồn, thậm chí còn được phong là “tiên cô”, “thần y”, có khả năng chữa bách bệnh. Sau khi báo chí liên tiếp lên tiếng, cuối tháng 1 vừa qua cơ quan chức năng đã vào cuộc và cuối cùng chân tướng thực sự của bà lang chữa bệnh bằng… sờ và hát cũng được làm sáng tỏ.
TIN LIÊN QUAN


Bà Phan Thị Tranh chữa bệnh bằng sờ và hát

Mù tịt về nghề y

Trao đổi với PV ngày 17-2, ông Lê Văn Châu, Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, cuối tháng 12-2013, sau nhiều phản ánh của người dân liên quan đến trường hợp bà Phan Thị Tranh ở thôn Viên Du (xã Thanh Vân, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) khám chữa bệnh mang màu sắc mê tín, hoang đường, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế làm sáng tỏ và xử lý dứt điểm vụ việc này. Ngày 22-1-2014, Thanh tra Sở Y tế đã mời bà Phan Thị Tranh lên làm việc. Cùng dự buổi làm việc còn có một đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Dương, một Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Yên (là địa bàn mà bà Tranh thường trú, hành nghề) cùng đại diện Phòng Y tế 2 huyện/thành phố, công an tỉnh và chính quyền xã Thanh Vân.

Ông Lê Văn Châu cho biết, mục đích Sở Y tế mời bà Phan Thị Tranh lên làm việc là nhằm tìm hiểu, đánh giá khả năng trình độ của bà này và tư vấn, hướng dẫn, tạo điều kiện cho vị “thần y” này hành nghề một cách đúng pháp luật nếu như bà có đủ điều kiện hành nghề y.

Không chỉ trả lời miệng mà tại buổi làm việc, khi Sở Y tế đưa ra tờ phiếu phỏng vấn về hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, bà Phan Thị Tranh đã điền những thông tin gây giật mình về bản thân. Phiếu phỏng vấn này có 8 câu hỏi, ở câu hỏi đầu tiên: Nghề nghiệp chính của chị là gì?, bà Phan Thị Tranh trả lời là: làm ruộng. Câu hỏi thứ 2: Nghề nghiệp phụ của chị là gì?, bà Phan Thị Tranh trả lời: không có… Tương tự, ở các câu hỏi sau, bà Phan Thị Tranh lần lượt trả lời là mình chưa tham gia bất kỳ khóa đào tạo do trường y hoặc bệnh viện nào tổ chức; không có bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận về chuyên môn khám chữa bệnh; không có khả năng khám bệnh, chữa bệnh; chưa được các cơ quan chức năng cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Bà Tranh cũng cho biết mình chưa làm hồ sơ đề nghị Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp các giấy tờ đủ điều kiện hành nghề nói trên.

Xử lý nghiêm nếu tiếp tục sai phạm

Trước đó, vào các năm 2011 và 2013, Báo ANTĐ đã từng có 2 loạt bài điều tra về phương pháp chữa bệnh mang màu sắc mê tín dị đoan, không có cơ sở khoa học của “tiên cô” Phan Thị Tranh. Theo tìm hiểu của ANTĐ, nhiều năm qua bà Phan Thị Tranh hành nghề chui, chữa bệnh bằng phương pháp kỳ quái là… sờ tay người bệnh để truyền năng lượng và hát cho người bệnh nghe, sau đó bán cho mỗi người bệnh vài gói thuốc giống hệt nhau gồm toàn rễ cây rừng. Thế nhưng thông qua những câu chuyện thêu dệt, lời đồn thổi trong dân gian như “chỉ cần được ‘cô’ chạm tay vào người không quá 5 giây cộng thêm lắng nghe những bài hát của ‘cô’ là bách bệnh sẽ tiêu tán trong nháy mắt”, lượng người bệnh tìm đến “cửa cô” ngày một đông. Dịp cao điểm, mỗi ngày cô tiếp nhận 500-700 bệnh nhân, thậm chí có ngày lên tới 1.000 bệnh nhân, trong đó có cả những người từ các tỉnh rất xa lặn lội tìm đến.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn bệnh nhân tìm đến vị “thần y” này là người nghèo mắc các căn bệnh nan y. Họ tìm đến “cửa cô” phần vì thiếu hiểu biết, phần do tâm lý có bệnh thì vái tứ phương, mong níu giữ chút hy vọng. Về hình thức khám chữa bệnh, tuy “cô” Tranh không lấy tiền mà… tùy tâm ở người bệnh nhưng với mỗi người “tùy tâm” ít nhất 50.000 đồng, nhân với số lượng vài trăm bệnh nhân/ngày, sẽ thấy thu nhập của “cô” lên tới hàng chục triệu đồng.

Lý giải việc tại sao bà Phan Thị Tranh hành nghề trái phép nhiều năm nay mà chính quyền địa phương không sớm xử lý dứt điểm, ông Lê Văn Châu cho biết, đó là do bà Tranh hành nghề chui, lén lút. Người bệnh đến với bà Tranh đều là tự nguyện, không thể ngăn cấm nguyện vọng đó của họ. Ông Châu chia sẻ. Với trách nhiệm của cơ quan quản lý về y tế ở địa phương, sau khi bà Tranh thừa nhận mình không có khả năng khám bệnh, chữa bệnh, Sở Y tế đã đề nghị Phòng Y tế và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người bệnh không tìm đến nhờ bà chữa bệnh nữa, đồng thời giám sát chặt xem bà Tranh có tiếp tục hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nữa hay không. Nếu bà Tranh vẫn tiếp tục khám chữa bệnh cho người bệnh thì đó là sai phạm, sẽ xử lý nghiêm” – ông Lê Văn Châu cho biết.

Tại buổi làm việc, trước sự chứng kiến của nhiều cơ quan chức năng, bà Phan Thị Tranh đã khẳng định một cách rõ ràng rằng bà không có khả năng chữa bệnh. Lý do bà hành nghề khám chữa bệnh suốt mấy năm vừa qua là do… nhiều người cứ kéo đến nhờ bà giúp đỡ. “Bà Phan Thị Tranh còn nói rằng, việc này khiến bà cảm thấy mệt mỏi và bà đề nghị các cơ quan chức năng tuyên truyền giúp để người dân biết, không đến nhờ bà khám bệnh, chữa bệnh nữa” – Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư