Thứ Ba, Ngày 15 tháng 04 năm 2025,
Giải pháp nào cho tình trạng kháng thuốc?
D.Ngân - 13/04/2025 12:41
 
Việc lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc kháng sinh mà không có chỉ định y tế đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng không chỉ trong ngành y tế, mà còn trong đời sống hàng ngày.

Các chuyên gia cảnh báo rằng, kháng kháng sinh hiện đang là một trong những mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định kháng kháng sinh là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu với sức khỏe toàn cầu. Tình trạng nhiễm trùng đa kháng thuốc ngày càng gia tăng, tạo ra một thách thức lớn đối với các cơ sở y tế, làm tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian điều trị và gây ra chi phí điều trị cao hơn rất nhiều.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định kháng kháng sinh là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu với sức khỏe toàn cầu.

Tại một hội nghị chuyên đề về các bệnh truyền nhiễm do Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức vào tháng 3/2025, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới đã đưa ra một báo cáo hết sức đáng lo ngại.

Theo đó, mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận gần 500 ca nhiễm khuẩn gram âm đa kháng và hơn 200 ca nhiễm khuẩn gram dương kháng thuốc. Nhiều trong số này xuất phát từ nhiễm khuẩn cộng đồng, không phải bệnh viện.

Số liệu cho thấy, kháng thuốc đang ngày càng phổ biến và gia tăng tại Việt Nam, với những vi khuẩn nguy hiểm như tụ cầu vàng hay các vi khuẩn gram âm có khả năng kháng hầu hết các loại kháng sinh hiện có. Theo WHO, hiện tượng này đã dẫn đến khoảng 5 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu, một con số vô cùng đáng lo ngại.

Kháng kháng sinh không chỉ làm tăng tỷ lệ tử vong mà còn gây ra gánh nặng tài chính khổng lồ cho hệ thống y tế. Các nghiên cứu cho thấy, trong các ca bệnh kháng thuốc, chi phí thuốc kháng sinh có thể gấp ba lần so với thông thường, và tổng chi phí điều trị của mỗi bệnh nhân cũng tăng gần gấp đôi.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là việc sử dụng thuốc kháng sinh không đúng cách và không có chỉ định y tế.

Tại Việt Nam, tình trạng mua thuốc kháng sinh mà không cần đơn bác sỹ đang ngày càng phổ biến, vi phạm nghiêm trọng quy định của Bộ Y tế. Nhiều hiệu thuốc bán thuốc kháng sinh mà không yêu cầu kê đơn, điều này khiến cho việc sử dụng thuốc trở nên thiếu kiểm soát, dẫn đến tình trạng lạm dụng.

Ngoài ra, việc lạm dụng kháng sinh không chỉ diễn ra trong ngành y tế, mà còn trong nông nghiệp, chăn nuôi và đời sống hàng ngày. Thuốc kháng sinh được sử dụng quá mức trong việc nuôi trồng thủy sản, gia cầm, gia súc đã góp phần tạo ra các vi khuẩn kháng thuốc, gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.

Trước tình hình này, Bộ Y tế đã ban hành các biện pháp và quy định nhằm kiểm soát việc sử dụng kháng sinh. Một trong những biện pháp quan trọng là triển khai đơn thuốc điện tử.

Thông qua hệ thống này, các bác sỹ và cơ sở y tế có thể kê đơn thuốc kháng sinh theo đúng chỉ định, giảm thiểu việc kê đơn sai, giúp quản lý thông tin kê đơn và giám sát việc sử dụng thuốc. Đơn thuốc điện tử cũng giúp theo dõi tình trạng kê đơn và kết nối dữ liệu với các nhà thuốc để đảm bảo rằng thuốc chỉ được bán khi có đơn hợp pháp.

Bộ Y tế đã yêu cầu toàn bộ các cơ sở y tế thực hiện kê đơn thuốc điện tử và kết nối với hệ thống quốc gia. Đến nay, đã có khoảng 21.287 cơ sở y tế liên kết với hệ thống này, tuy nhiên, chỉ khoảng 30% trong số đó thực hiện liên thông dữ liệu đầy đủ lên hệ thống quốc gia, cho thấy vẫn còn một khoảng trống lớn cần được cải thiện.

Bên cạnh việc triển khai đơn thuốc điện tử, Bộ Y tế cũng đang hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định về kê đơn thuốc hóa dược và sinh phẩm điều trị ngoại trú. Mục tiêu của dự thảo là hạn chế việc kê đơn thuốc kháng sinh không cần thiết, chỉ định đúng loại thuốc, đảm bảo hiệu quả điều trị và giảm thiểu tình trạng kháng thuốc.

Kháng kháng sinh là vấn đề không thể giải quyết chỉ với các biện pháp từ ngành y tế. Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, để ngăn chặn tình trạng này, cần sự tham gia chủ động của tất cả các bên, từ cơ sở y tế, cơ quan chức năng đến cộng đồng.

Người dân cần nâng cao nhận thức về việc sử dụng thuốc kháng sinh đúng cách, chỉ khi có chỉ định từ bác sĩ, và tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc khi không có sự chỉ dẫn của chuyên gia.

Các cơ sở y tế và nhà thuốc cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định về bán thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh, chỉ bán thuốc khi có đơn kê của bác sỹ và thực hiện đúng quy trình giám sát. Mỗi cơ sở y tế cũng cần thực hiện nghiêm ngặt việc kê đơn và cung cấp các dịch vụ y tế hiệu quả, đồng thời đảm bảo việc kiểm tra, kiểm soát thuốc kháng sinh một cách chặt chẽ.

Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, tình trạng kháng kháng sinh sẽ tiếp tục gia tăng và trở thành "đại dịch âm thầm", ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và làm cho công tác điều trị trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Liên quan đến việc kê đơn thuốc, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú.

Theo dự thảo, việc kê đơn thuốc phải dựa vào một trong các tài liệu sau: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị do Bộ Y tế ban hành hoặc công nhận, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của cơ sở khám chữa bệnh được xây dựng theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 21/2013/TT-BYT, Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc kèm theo hồ sơ đăng ký thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép, Dược thư quốc gia Việt Nam hiện hành.

Đặc biệt, số lượng thuốc kê đơn sẽ căn cứ vào các hướng dẫn điều trị, nhưng không được vượt quá 30 ngày, trừ trường hợp kê đơn thuốc gây nghiện, thuốc giảm đau cho người bệnh ung thư hoặc AIDS, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất.

Dự thảo cũng chỉ rõ các loại thuốc không được kê vào đơn thuốc, bao gồm các thuốc không có mục đích phòng bệnh, chữa bệnh, thuốc chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm.

Để đảm bảo tính rõ ràng và chính xác, đơn thuốc cần ghi đầy đủ thông tin của người bệnh như số định danh cá nhân hoặc số căn cước công dân (nếu có), địa chỉ nơi người bệnh thường trú hoặc tạm trú.

Đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi, phải ghi thêm số tháng tuổi, cân nặng, tên của bố hoặc mẹ. Thời hạn đơn thuốc phải ghi rõ ngày, tháng, năm có giá trị, và không được sớm hơn ngày kê đơn, trừ trường hợp kê đơn thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.

Theo quy định trong dự thảo, việc kê đơn thuốc cần tuân theo các hướng dẫn sau: Đối với thuốc có một hoạt chất, ghi theo tên chung quốc tế (INN, generic), ví dụ: Paracetamol 500mg. Đối với thuốc có nhiều hoạt chất hoặc sinh phẩm y tế, ghi theo tên thương mại.

Nếu kê đơn thuốc độc, phải ghi thuốc độc trước khi ghi các thuốc khác. Đơn thuốc điện tử sẽ có giá trị pháp lý tương đương với đơn thuốc giấy.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ sử dụng phần mềm để lập, ký số, chia sẻ và lưu trữ đơn thuốc.

Đặc biệt, đối với các loại thuốc có kiểm soát đặc biệt như thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, cơ sở y tế cần in đơn thuốc và lưu trữ tại cơ sở.

Theo dự thảo, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ thực hiện kê đơn thuốc điện tử theo lộ trình: Từ ngày Thông tư có hiệu lực, các bệnh viện chuyên sâu phải thực hiện kê đơn thuốc điện tử. Đến ngày 1/1/2026, các bệnh viện cơ bản cũng phải thực hiện kê đơn thuốc điện tử.

Đến ngày 1/1/2027, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác sẽ phải triển khai kê đơn thuốc điện tử.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư