Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Giám đốc Quỹ đầu tư Nextrans Lê Hàn Tuệ Lâm: Bao nhiêu tiền không quan trọng bằng đi cùng ai
Anh Hoa - 20/04/2021 13:57
 
Trước khi gọi vốn, start-up hãy tự hỏi mục đích của việc gọi vốn là gì, vì không ai quan tâm cho đến khi bạn có thể IPO hoặc thoái vốn thành công.

Những ngày gần đây báo chí, dư luận, cộng đồng start-up bàn luận sôi nổi về những deals vừa được công bố, có thương vụ lên đến hơn trăm tỷ đồng. Thị trường đã bắt đầu “nóng” lại, cả các quỹ và startup đều hối hả chốt deal.

Đây là tín hiệu tốt cho thị trường cả năm vừa rồi ảm đạm vì Covid-19, nhưng có một khía cạnh khác, mà ngay cả chính những người làm quỹ đầu tư đi rót vốn cũng phải học nó một cách khó khăn. Đó là gọi được nhiều vốn với định giá cao không hề đặc biệt như nhiều người lầm tưởng.

Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm Nextrans (trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc), một trong những doanh nhân trẻ hàng đầu trong danh sách Forbes 30 Under 30 năm nay chia sẻ nhiều thông tin thú vị về việc này.

Lê Hàn Tuệ Lâm, CEO của Nextrans
Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc của Nextrans.

Theo đó, từ phía cô và Nextrans chưa bao giờ khuyến khích các founder nâng lên thật nhiều tiền. Bởi ai làm kinh doanh cũng đều hiểu: không có những bữa ăn trưa miễn phí.

Có một vài điều nữ Giám đốc này muốn lưu ý cho các start-up không phải để giảm bớt giá trị của bất cứ team nào gọi được nhiều vốn với định giá cao, mà chỉ muốn chia sẻ những yếu tố mọi người cần cân nhắc thật kỹ khi thỏa thuận một thương vụ.

Việc sau đó, mọi người muốn đi theo hướng nào thì đó là sự lựa chọn của họ.

Thứ nhất, bao nhiêu tiền không quan trọng bằng đi cùng ai

Hơn ai hết, các founders, CEO của start-up đều hiểu việc xây dựng một công ty từ con số 0 đến lúc có được vài chục, vài trăm nhân sự, doanh thu được tính bằng triệu đô là con đường vô cùng chông gai. Chúng ta gọi vốn không nên chỉ vì mục tiêu tài chính, mà còn là tìm “partner”.

Việc xây dựng, phát triển, tăng trưởng kinh doanh không phải chỉ là của CEO hay nhân sự công ty, mà của tất cả cổ đông sở hữu công ty đó.

Sau cùng không ai muốn chứng kiến việc mình làm ngày, làm đêm còn một vài người khác ngồi yên và hưởng thành quả, chỉ vì họ bỏ vào chút tiền lúc ban đầu.

Sự thật này tôi tin đến khi công ty nào đạt được giá trị tầm 30 triệu USD trở nên sẽ đều thấu hiểu. Nên muốn tránh nó thì ngay từ đầu đừng chỉ gọi vốn vì tiền không.

Thứ hai, gọi được càng nhiều, trả lại cũng càng nhiều

Hẳn nhiên, chúng ta đang bán vốn công ty, và hầu hết không công ty nào chỉ bán một lần (trừ một vài ngoại lệ ở đây). Hãy tự trả lời câu hỏi này nếu bạn ở vị trí founder: Mất bao nhiêu năm để bạn có thể xây dựng được công ty đáng giá 100 triệu USD?

Đến lúc đó giả sử bán đứt, bạn nhận được bao nhiêu tiền? Chẳng ai muốn 3–5 triệu USD cả, nhưng nếu bạn đặt mục tiêu gọi được nhiều tiền thì đó chính xác là bức tranh định sẵn kết cục rồi. Đây còn là trong trường hợp công ty bán được, hoặc IPO, còn trong nhiều tình huống khác, founder không chắc đã nhận được chút gì.

Thứ ba, giá trị cao của vòng này sẽ là gánh nặng lớn của những vòng tiếp theo

Gốc rễ của việc công ty được định giá cao là vì nhà đầu tư kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng tương lai. Họ sẵn sàng cược nếu công ty có mức độ tăng trưởng tính bằng vài lần. Nhưng chúng ta sẽ nhìn ra ngay vấn đề: đi từ doanh thu 100.000 lên 1 triệu (10 lần) có thể chỉ mất 1 năm, nhưng từ 1 triệu lên 10 triệu thì câu chuyện đã rất khác

Và để đi từ 10 triệu đến 20 triệu có thể mất đến cả 5-7 năm, thậm chí có những công ty không thể tăng nữa vì đã đến điểm bão hòa, dù thị trường còn rất lớn.

Với giá trị cao, bản chất là chúng ta đang “mượn” kỳ vọng tăng trưởng của tương lai để định giá cho hiện tại, nó cũng giống việc vay tiền để mua một căn biệt thự. Mọi thứ vẫn ổn cho đến lúc bạn mất công việc thu nhập cao hiện tại, hoặc chính sách lãi suất thay đổi. Và đó là lúc không còn thời gian.

Nếu bạn không giữ được tốc độ tăng trưởng như kỳ vọng thì không thể nào thuyết phục những nhà đầu tư tiếp theo bỏ tiền vào công ty với mức giá trị cao hơn vòng trước. Và hãy chuẩn bị đón nhận tình huống rất tệ: rơi xuống.

Những người đầu tiên bị thiệt hại bởi việc này chính là founders, nhân viên của công ty có ESOP. Có nhiều trường hợp chỉ sau một lần rơi, founder mất đến một nửa tỷ lệ sở hữu. Các nhà đầu tư luôn được bảo vệ bởi điều khoản chống pha loãng nên nếu họ có lỡ sai mà trả giá cao cũng vẫn có bảo hiểm (chống pha loãng), còn founders và công ty sẽ là nạn nhân trực tiếp mà chẳng ai giúp được hết.

Thứ tư, founders có nghĩ đến cơ hội thoái vốn không?

Hẳn nhiên về mặt con số thì gọi được 10 triệu USD cho giá trị 50 triệu USD nghe lọt tai hơn nhiều so với 5 triệu USD cho giá trị 25 triệu USD (bản chất thì bạn vẫn bán 20% công ty thôi), nhưng nếu có khả năng M&A, bạn nghĩ người mua sẽ trả cho công ty giá nào? Đó chính là chi phí cơ hội cho việc bạn gọi được thêm 5M.

Giá trị chỉ là thứ gì đó trên danh nghĩa cho đến khi bạn thoái vốn và thu được về bao nhiêu tiền. Đừng quên điều khoản “ưu đãi thanh lý” vì nhà đầu tư sẽ nhận hết phần bánh của họ (theo hướng có lợi nhất), rồi mới đến lượt bạn

Vậy nên cứ cho là giờ họ đang trả giá “hớ” thì khi thoái vốn tối thiểu họ sẽ nhận lại toàn bộ khoản đầu tư của họ đã, xong nhận các khoản khác theo bảng điều khoản. Xong xuôi hết còn lại mới đến founders và các nhân viên của công ty có ESOP.

Tóm lại là họ có hớ thì sau đó bạn là người trả giá thay, đến khi bạn trả hết phần mình rồi vẫn không đủ mới đến lượt họ. Nghe thật trần trụi nhưng đó chính xác là những gì được thấy rất rõ trong mọi thỏa thuận đầu tư.

Thứ năm, áp lực tiêu tiền

Bạn cũng cần phải nhớ tiền bạn đang tiêu (đốt) không phải của bạn, đó là của nhà đầu tư và chừng nào mô hình kinh doanh của bạn chưa hòa vốn và có lợi nhuận thì nhà đầu tư sẽ luôn khắt khe trong việc bạn tiêu tiền ra sao. Bạn tiêu mà không ra thành quả gì thì cũng nên chuẩn bị tinh thần bị “đá ra” bất cứ lúc nào (nếu cổ phần của bạn không còn đủ nhiều, phải luôn là trên 25%).

Trước khi gọi vốn hãy tự hỏi mục đích của việc này là gì. Có rất nhiều lý do nhưng bạn cần thành thật với chính mình. Và đừng bao giờ gọi vốn để “chứng tỏ” điều gì vì không ai quan tâm cho đến khi bạn có thể IPO hoặc thoái vốn thành công.

Giải “nút thắt” cho startup Việt trong gọi vốn đầu tư
Nếu giải quyết được bài toán nguồn vốn, quản trị ở giai đoạn đầu, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam mới thực sự phát triển bền vững.
Bình luận bài viết này
  • Phan An An 17:04 | 22-04-2021
    Tất cả các quỹ mạo hiểm đều có tỷ lệ 1/10. 10 khoản đầu tư chỉ có 1 khoản thành công sinh lời đủ để bù đắp chi phí cho 9 khoản đầu tư còn lại. Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa có đủ số liệu để xác định mô hình 1/10 có đúng hay không. Với lĩnh vực Internet thì có thể sẽ rơi vào trường hợp 1/20, còn các lĩnh vực khác như media, sofware, hay công nghiệp phụ trợ thì phải sau 10 năm mới biết được.
  • Mĩ Lệ 16:58 | 22-04-2021
    Nhiều ông nhỏ thường dùng tiền lời từ kinh doanh, thay vì đầu tư vào doanh nghiệp lại tìm cách đầu tư cho cá nhân. Họ lấy tiền công ty đi mua nhà cửa, xe cộ cho bản thân. Doanh nghiệp là của họ thì việc họ làm thế cũng không trách được. Tuy nhiên, khó khăn của quỹ là nếu có quá nhiều doanh nghiệp như vậy khó thể tìm được DN để đầu tư. Như vậy sẽ không tốt đối với môi trường đầu tư startup nói chung.
  • Thái Sơn 16:55 | 22-04-2021
    Khi muốn đầu tư thì quỹ đương nhiên sẽ phải tìm tới các doanh nghiệp tâm đầu ý hợp. Tức là chủ doanh nghiệp có mục tiêu thoái vốn. Nếu chủ doanh nghiệp chỉ muốn mình sở hữu toàn bộ doanh nghiệp thì khó có thể hợp tác. Nhiều DN khi quỹ đến đầu tư thì họ nói rằng sẽ rút bớt vốn sau 3-4 năm. Tuy nhiên sau khi được quỹ rót vốn đầu tư, công ty hoạt động tốt, họ lại không muốn rút lui, muốn tiếp tục kinh doanh bình bình là đủ cảm thấy lời đủ rồi, không muốn phát triển thêm.
  • Lê Phan 16:42 | 22-04-2021
    Hiện thấy nhiều doanh nghiệp nhỏ có dự định rời khỏi thị trường trong vòng 5-10 năm, nhưng 3/4 trong số đó không có kế hoạch dự sẵn. Nghe có vẻ tiêu cực, nhưng đây được coi là chiến lược rút lui và không có nghĩa doanh nghiệp thất bại. Khi startup đã tập trung vào sự tăng trưởng và thành công. Họ sẽ nghĩ đến việc rời khỏi để cho người khác tiếp quản, phát triển mạnh hơn với những thứ mới hơn. Có nhiều loại chiến lược rút lui khác nhau. Startup có thể bán công ty cho một công ty lớn hơn hoặc một trong những đối thủ cạnh tranh; Bán cho một doanh nghiệp cổ phần tư nhân hoặc nhà đầu tư khác. Chuyển nhượng cho một thành viên trong gia đình hoặc bán cổ phần của bạn và để cho một trong những đối tác kinh doanh của bạn tiếp quản, cho nhân viên mua lại...
  • Hạnh Vi 16:34 | 22-04-2021
    Tôi đã từng được nhiều lần "ăn trưa miễn phí", nhưng những gì miễn phí thì chả ra làm sao! Nhiều lúc nghe họ chia sẻ cứ tưởng thông tin bí mật, hoặc kỹ năng cần thiết, hỗ trợ cho việc của mình. Cuối cùng thì cả thiên hạ biết. Cái gi cũng phải trả phí thì mới ngon được.
  • Tiến Lộc 14:31 | 20-04-2021
    Định giá triệu USD, tỷ USD nghe mà khoái tai làm sao, truyền thông cũng vào cuộc tung hô cho đến khi mọi chuyện vỡ lẽ. Ôi thôi, chỉ có những ai làm thật, ăn thật, thận trọng, tính toán chi li mới làm được thôi.
  • Alech Luong 14:26 | 20-04-2021
    Việc gọi vốn đổi cổ phần giống như đi vay nợ, vay càng ít thì trả càng nhanh, đỡ áp lực đè đầu. Nhưng ông nào có thói quen đốt tiền lắm thì vẫn thích được định giá cao, thậm chí làm đủ chiêu trò để buil công ty lên mà. Thế mà cũng không hiếm nhà đầu tư thiên thần bị lừa đấy. VN lắm startup phông bạt lắm.
  • Thanh Huyền 15:48 | 20-04-2021
    Cuộc chơi ngày càng khó khăn, startup thì phải học cách đương đầu với những điều tồi tệ, ngay cả với những nhận xét kiểu đốp thẳng vào mặt như thế này. Đừng vì chột dạ mình có điểm yếu mà bảo thủ, che giấu. Bởi càng làm càng thấy điểm yếu mình lộ ra.
  • Tùng Phương 14:42 | 20-04-2021
    Bạn này vừa được chọn vào danh sách Forbes 30 under 30 châu Á của năm 2021. Cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam rất tự hào. Tôi đã từng có cơ hội tiếp cận bạn này ở các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp. Một cô gái đam mê, thông minh, và sẵn sàng chia sẻ sự hiểu biết của mình với các công ty khởi nghiệp. Vấn đề còn lại là các công ty có sẵn sàng lắng nghe và học hỏi từ cô ấy hay không?
  • Triều CHâu 14:35 | 20-04-2021
    Tôi đã từng chứng kiến, vài startup họ cười vui tơi tả khi chốt xong deal, tiền đổ về tài khoản. Họ cứ nghĩ, nhà đầu tư đã bị qua mặt vì họ đã được bạn bè tư vấn, nhà cố vấn bên cạnh. Nhưng đúng là bạn Tuệ Lâm nói, nhà đầu tư có hớ thì sau đó startup là người trả giá thay. Đừng vui quá sớm các startup ạ.
Xem thêm trên Báo Đầu Tư