Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ba chữ C khi gọi vốn
Thị Hồng - 31/01/2021 21:19
 
Minh bạch và tạo nguồn lợi thu về cho nhà đầu tư là 2 trong 3 yếu tố cần có từ khi chuẩn bị cho quá trình gọi vốn đến khi hoàn tất thoái vốn.
.

Cẩn thận chọn quỹ phù hợp

Theo số liệu từ ThinkZone Venture, trong năm 2019, có tổng cộng 123 thương vụ gọi vốn thành công với khoảng 900 triệu USD, nhưng năm 2020, chỉ còn 40 start-up được rót vốn với khoảng 220 triệu USD.

Một số thương vụ thành công có thể kể đến như Tiki với Northstar Group, Siêu Việt Group với Affirma Capital, GoStream với VinaCapital… Trong khi đó, vẫn có một số start-up “rời” thị trường như WeFit, Leflair, Lamita…

Theo ông Ngô Anh Ngọc, CEO của Babuki, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến "bức tranh xám màu" trong thị trường gọi vốn vào giới khởi nghiệp tại Việt Nam trong năm vừa qua.

Thứ nhất, đại dịch khiến các hoạt động gặp gỡ trực tiếp giữa start-up và nhà đầu tư bị ngưng trệ.

Thứ hai, các nhà đầu tư còn có tâm lý thận trọng sau khi chứng kiến một số start-up "thổi phồng" mức định giá những năm trước.

Thứ ba, pháp lý tại Việt Nam vẫn còn rào cản, khiến nhiều start-up khi muốn nhận vốn phải thành lập pháp nhân tại những nước có pháp lý chặt chẽ về tài chính và đầu tư.

Vừa nhận đầu tư 1 triệu USD, Phạm Ngọc Duy Liêm, đồng sáng lập GoStream cho rằng, khi nhận vốn đầu tư, start-up cần lưu ý, tiền đầu tư là để phát triển start-up, chứ không phải để tồn tại và cần phân biệt rõ giữa kêu gọi đầu tư (fund raising) và bán công ty (exit).

Đối với việc tìm nhà đầu tư phù hợp, các nhà sáng lập từng gọi vốn thành công đều nhận định, đây là một quá trình lâu dài, kéo dài hàng năm và nhà sáng lập cần tìm hiểu kỹ về các nhà đầu tư trước khi quyết định. Việc này đòi hỏi các nhà sáng lập phải hiểu rõ mình đang ở giai đoạn nào và có những quỹ nào phù hợp.

Cần bỏ hệ thống kế toán hai sổ

Chia sẻ về Dự án khởi nghiệp Otoké Chicken của mình cần gần 2 năm kể từ khi tiếp xúc nhà đầu tư đến khi chốt thương vụ, Mai Trường Giang cho biết, các quỹ đầu tư thường dành không ít thời gian để “dòm ngó” các nhà sáng lập, cũng như mô hình kinh doanh.

Ngoài việc tìm đúng quỹ có nhu cầu rót vốn, đồng sáng lập GoStream đưa ra quy tắc 3C cần được áp dụng khi kinh doanh, không riêng cho giai đoạn gọi vốn, gồm chân thật, cuốn hút và con cái.

“Chân thật” đồng nghĩa với rõ ràng, minh bạch. Theo đó, start-up cần cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch về hoạt động của công ty trong quá khứ cũng như những số liệu hiện tại về khách hàng, doanh thu, lợi nhuận, tiềm năng thị trường, đối thủ cạnh tranh, bí quyết công nghệ, thị phần...

"Cuốn hút" tức đội ngũ sáng lập gồm những người có năng lực, quyết đoán, thể hiện qua kinh nghiệm khởi nghiệp, mối quan hệ hài hòa giữa bộ phận công nghệ và kinh doanh, khả năng làm việc nhóm…

Còn "con cái", nói nôm na là cơ hội thoái vốn của quỹ đầu tư/nhà đầu tư.

“Tỷ lệ thông thường mà các quỹ đầu tư mạo hiểm khi muốn thoái vốn sau 3 - 5 năm là số tiền đã rót vào phải tăng lên 5 - 10 lần”, đồng sáng lập GoStream cho biết.

Chia sẻ thêm về vấn đề minh bạch, Mai Trường Giang cho đây là yếu tố khiến nhiều doanh nghiệp không thể phát triển bền vững. Trong đó, nổi bật là câu chuyện kế toán 2 sổ.

Các quỹ thường ngại đầu tư vào công ty có kế toán hai sổ vì không xác định rõ giá trị công ty, không thể kiểm toán hay không thể báo cáo được dòng tiền cho các nhà đầu tư đã góp vào quỹ.

“Các công ty không lớn được là vì không minh bạch. Tôi cũng từng mất 1 năm để tái cấu trúc, đưa công ty về một sổ trước khi gọi được vốn đầu tư”, nhà sáng lập Otoké Chicken chia sẻ.   

MoMo hoàn tất vòng gọi vốn series D, dành 20% vốn mới cho quỹ đổi mới sáng tạo
Ngay tại sân khấu cách đây hơn 10 năm đã công bố thành lập ví điện tử, MoMo chính thức công bố vòng gọi vốn Series D với sự dẫn dẵn của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư