Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tiêu điểm ngân hàng tuần qua
Giảm lãi vay 0,5-1% trong 2 năm, hé lộ lợi nhuận quý 1/2022 của các ngân hàng
T.L - 26/03/2022 07:35
 
Lợi nhuận quý 1/2022 của một số ngân hàng được hé lộ, định hướng điều hành lãi suất, tín dụng của NHNN năm 2022, tăng vốn, mùa ĐHĐCĐ bắt đầu... là tâm điểm lĩnh vực ngân hàng tuần qua.

Lợi nhuận quý I/2022: VietinBank, Vietcombank tăng trưởng thấp; SHB, STB, MSB, VPB, LPB tăng cao

Theo thông tin mà SSI vừa đưa ra trong Báo cáo cập nhật triển vọng ngành ngân hàng, tăng trưởng lợi nhuận quý I/2022 bình quân của các ngân hàng tương đối thấp, chỉ tăng 9-11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân khiến lợi nhuận quý I/2022 của ngành ngân hàng tăng thấp so với cùng kỳ chủ yếu là do hai ngân hàng lớn là lợi nhuận VietinBank (cổ phiếu CTG - lợi nhuận chưa tính đến mảng bancassuarance) và Vietcombank (cổ phiếu VCB) có lợi nhuận giảm từ nền so sánh cao trong cùng kỳ năm 2021.

Các ngân hàng còn lại có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân khoảng 25% -27% so với cùng kỳ. Con số này cao hơn so với kỳ vọng trước đây của SSI do VPBank đã gia hạn Thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm với AIA cùng với một khoản phí trả trước bổ sung, giúp ngân hàng có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận tốt trong quý I/2022.

Mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất được kỳ vọng tại SHB, STB, MSB, VPB và LPB.

Có 3 yếu tố chính khiến các ngân hàng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ổn định trong kỳ.

Thứ nhất, tín dụng tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu dao động trong khoảng 2%-10% so với đầu năm. Một số ngân hàng đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn quý I/2022 bao gồm CTG, BID, MBB, HDB và TPB.

Thứ hai, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay (NIM) ổn định so với quý trước. Trong khi HDB, VPB và TCB tăng lãi suất huy động từ 10 - 20 điểm phần trăm thì các ngân hàng khác không có sự thay đổi. Một số ngân hàng vẫn còn dư địa để tối ưu hóa hệ số LDR và duy trì NIM ổn định trong kỳ.

Thứ ba, nợ xấu và các khoản cho vay tái cơ cấu được kiểm soát tốt. Do các ngân hàng đã tích cực xử lý nợ xấu và củng cố bộ đệm dự phòng rủi ro tín dụng mạnh mẽ trong quý IV/2021, nợ xấu và các khoản cho vay tái cơ cấu không có quá nhiều biến động trong quý I/2022.

Bên cạnh đó, các khoản cho vay tái cơ cấu bắt đầu có xu hướng giảm ở một số ngân hàng (VCB, ACB), và tỷ lệ nợ xấu được giữ ở mức tương đối ổn định so với quý trước. Điều này có thể khiến áp lực trích lập dự phòng không quá nặng nề trong quý I/2022.

SSI duy trì quan điểm tích cực về ngành ngân hàng. Theo đó, các yếu tố hỗ trợ cổ phiếu là kết quả kinh doanh quý I/2022, thông tin về ĐHĐCĐ các ngân hàng, khr năng nền kinh tế phục hồi tôt shơn dự kiến, các khoản thu nhập bất thường từ bancassurance).

Rủi ro lớn nhất với ngành ngân hàng hiện nay là lãi suất huy động tăng nhanh hơn dự kiến nếu lạm phát tăng đáng ngại. 

Năm 2022,  hầu hết các ngân hàng đều có quan điểm khả quan về lợi nhuận. Dựa vào kế hoạch sơ bộ của các ngân hàng, chuyên gia phân tích SSI nhận định, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm nay có thể đạt khoảng 24% -25% so với cùng kỳ. Cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến dao động trong khoảng 15% -35%.

Như vậy, mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cho cả năm 2022 gấp đôi tốc độ tăng trưởng của quý I/2022 đồng nghĩa với triển vọng lợi nhuận của nhóm ngân hàng 3 quý còn lại là khả quan.

Hạn mức tín dụng ban đầu được cấp cho năm 2022 dao động trong khoảng 7%-15% và cao hơn hạn mức năm 2021 ở hầu hết các ngân hàng. Do đó, SSI cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm 2022 của các ngân hàng này sẽ duy trì ở mức tương đối cao.

Hầu hết các ngân hàng đều dự kiến tăng vốn điều lệ từ 15%-35% trong năm 2022 được thực hiện thông qua hình thức chia cổ tức/chia thưởng bằng cổ phiếu. 

Giảm lãi vay 0,5% - 1% trong 2 năm, chuẩn bị cho vay cấp bù lãi suất

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ.

Theo đó, với điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tích cực quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành nghiệp vụ thị trường mở chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD), ổn định thị trường tiền tệ, sẵn sàng cung ứng nguồn vốn phù hợp cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Điều tiết tiền tệ hợp lý, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu Chính phủ và để các TCTD tiếp tục đầu tư trái phiếu Chính phủ.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng sẽ điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, phù hợp với diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ. Tái cấp vốn đối với TCTD để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu. Tiếp tục thực hiện tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động theo Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Về lãi suất, định hướng của Ngân hàng Nhà nước là điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ  khác, chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.

Về tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân đối các giải pháp về tiền tệ để hỗ trợ thực hiện Chương trình trong tương quan với tổng thể phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.

Về tín dụng, định hướng của Ngân hàng Nhà nước là điều hành tín dụng đáp ứng kịp thời vốn cho sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cụ thể, điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Thông báo và định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD trên cơ sở kết quả hoạt động kinh doanh của TCTD, tuân thủ chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh của TCTD.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay và tuân thủ quy định pháp luật liên quan, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng.

Bên cạnh đó, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp, kiểm soát tín dụng ngoại tệ phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 03/2021/TT-NHNN và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN). Theo dõi sát tình hình diễn biến của dịch bệnh, đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm tiếp tục tạo điều kiện, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua dịch Covid-19 trong trường hợp cần thiết theo quy định tại tiết đ điểm 3 Mục II và tiết d điểm 4 Mục IV Nghị quyết số 11.

Về gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, hiện Ngân hàng Nhà nước đang chủ  trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất.

Hạn chế vốn làm suy yếu vai trò dẫn dắt của ngân hàng thương mại nhà nước

Trình bày với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ngày 24/3, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết, các ngân hàng thương mại nhà nước đang giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong huyết mạch tài chính quốc gia; là công cụ đắc lực của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong thực thi chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.

Tại thời điểm 31/12/2021, thị phần huy động vốn và tín dụng của các ngân hàng thương mại nhà nước chiếm gần 50% tổng quy mô của ngành ngân hàng với số dư HĐV khoảng 5,3 triệu tỷ đồng và dư nợ cho vay khoảng trên 4,7 triệu tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại nhà nước hàng năm đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước dưới hình thức thuế thu nhập doanh nghiệp và cổ tức, trong đó, riêng Vietcombank năm 2021 đóng góp cho NSNN gần 11.000 tỷ đồng.

Trong hơn 2 năm qua, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp với những ảnh hưởng nghiêm trọng, vai trò của các ngân hàng thương mại nhà nước một lần nữa lại được thể hiện rõ nét qua việc tiên phong triển khai các giải pháp cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho hàng triệu khách hàng; giảm và miễn nhiều chục nghìn tỷ đồng tiền lãi và phí để hỗ trợ khách hàng giảm bớt khó khăn của dịch bệnh, góp phần sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.

"Trong những đóng góp tích cực của ngành ngân hàng cho việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội, có sự đóng góp rất lớn của 4 ngân hàng thương mại nhà nước", ông Dũng cho hay.

Nêu một số kiến nghị với người đứng đầu Chính phủ, Chủ tịch Vietcombank đề nghị sớm thể chế hoá các chính sách để tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khả năng cạnh tranh bình đẳng của các ngân hàng thương mại nhà nước nói riêng, các DNNN nói chung.

Cụ thể, rà soát sửa đổi Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69/2014/QH13) và các văn bản hướng dẫn thi hành, sửa đổi Nghị định 53/2016/NĐ-CP về cơ chế tiền lương áp dụng đối với doanh nghiệp có vốn góp chi phối của nhà nước theo hướng thống nhất quản lý theo mục tiêu, tăng giao quyền tự chủ trong kinh doanh cho doanh nghiệp; trong đó đặc biệt là cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được tự chủ về cơ chế lao động và tiền lương, đảm bảo tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh việc cần ưu tiên tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước. "Quy mô vốn điều lệ, hệ số an toàn vốn của các NHTMNN còn ở mức rất khiêm tốn so với nhu cầu phát triển cũng như chuẩn mực quốc tế", ông Dũng cho hay.

Hiện nay, tổng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước chỉ còn chiếm 23,6% vốn điều lệ toàn hệ thống ngân hàng. Hạn chế về vốn dẫn đến hạn chế năng lực của các ngân hàng thương mại nhà nước trong việc mở rộng kinh doanh, cung ứng vốn cho nền kinh tế, giảm sút thị phần huy động vốn (từ trên 52% năm 2018 xuống 48% năm 2021) và tín dụng (từ trên 50% năm 2018 xuống 46% năm 2021) và có nguy cơ làm suy yếu vai trò chủ đạo, dẫn dắt thị trường của các ngân hàng thương mại nhà nước.

Trong bối cảnh nguồn lực của nhà nước còn khó khăn, lãnh đạo Vietcombank đề nghị Chính phủ xem xét cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ để tăng vốn điều lệ, đồng thời cho phép nới room ngoại  trong các ngân hàng thương mại từ mức 30% (theo quy định tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP ngày 03/01/2014) lên 35%.

Cuối cùng, ông Dũng cho rằng cần cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được chủ động về quy mô tăng trưởng tín dụng hàng năm trên cơ sở đáp ứng quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động, trong đó đặc biệt ưu tiên cho các ngân hàng thương mại nhà nước tham gia vào việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém.

"Điều này sẽ giúp các ngân hàng thương mại nhà nước giữ vững được vai trò dẫn dắt trong ngành ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư cho các dự án trọng điểm của quốc gia", ông Dũng nói.

Fitch Ratings: Ngân hàng Việt vẫn mỏng vốn, cần huy động 10,7 tỷ USD vốn mới

Trong báo cáo mới đây, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cho rằng, vốn hóa của ngành ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện trong những năm gần đây nhờ khả năng sinh lời tốt và các ngân hàng tích cực tăng vốn đáp ứng yêu cầu Basel II.

Fitch ước tính, các ngân hàng chưa tuân thủ Basel II chỉ cần huy động thêm 0,6 tỷ USD vốn mới để đáp ứng yêu cầu CAR tối thiểu của Basel II là 8% trước thời hạn thực hiện vào tháng 1/2023.

Tuy nhiên, theo đánh giá của tổ chức xếp hạng này, hệ thống ngân hàng của Việt Nam vẫn mỏng vốn nếu so sánh với các ngân hàng quốc tế cũng như đặt trong môi trường kinh doanh rủi ro.

Hiện CAR của khối ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân tuân thủ Basel II ở Việt Nam chỉ đạt lần lượt ở mức 9,2% và 11,4% vào cuối quý 3 năm 2021. Con số này thấp hơn nhiều so với mức bình quân 19,4% đối với các ngân hàng tại các thị trường lớn ở Đông Nam Á khác. Bên cạnh đó, nợ xấu thực tế của các ngân hàng Việt Nam có thể cao hơn con số báo cáo do nhiều khoản vay có vấn đề chưa được tính vào (nợ cơ cấu lại).

Do vậy, Fitch ước tính, hệ thống ngân hàng sẽ cần thêm vốn bổ sung lên tới 10,7 tỷ USD (2,9% GDP) để đảm bảo khoản dự phòng rủi ro cho vay bù đắp thiệt hại có thể xảy ra từ tất cả các khoản vay có vấn đề, đồng thời duy trì hệ số CAR ở mức 10%. Sự thiếu hụt vốn chủ yếu ở khối ngân hàng quốc doanh.  

Fitch Ratings cho rằng, tốc độ tăng trưởng cho vay nhanh sẽ khiến việc nâng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng Việt trở nên khó khăn trong 2-3 năm tới. 

Fitch có thể đánh giá Xếp hạng khả năng hoạt động của hầu hết các ngân hàng Việt Nam cao hơn một bậc nếu hệ số CAR cao hơn 2-3 điểm phần trăm. Tuy nhiên, theo phán đoán của Fitch, ngoại trừ những ngân hàng huy động vốn bên ngoài, trong các trường hợp còn lại, khả năng cải thiện CAR vẫn còn khiêm tốn, dù lợi nhuận tăng.

Về tín dụng, cơ quan này cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 tiếp tục ở mức cao 14% (bình quân giai đoạn 2017-2021 là 14%) cho thấy tỷ lệ an toàn vốn hệ thống ít có khả năng cải thiện nhanh chóng.  Nếu Ngân hàng Nhà nước nới lỏng quy định không được chia cổ tức tiền mặt (áp dụng từ tháng 3/2020) thì CAR của các ngân hàng càng khó cải thiện. 

Điểm nóng trong mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng

Không chỉ biến động nhân sự cấp cao, mà các kế hoạch về chia cổ tức, tăng vốn, chuyển sàn, bán cổ phần... cũng nóng dần trước thềm họp Đại hội đồng cổ đông ngân hàng năm nay.

Ngân hàng VIB đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng tối thiểu 30%/năm cho giai đoạn 2022 - 2026, nền tảng khách hàng được mở rộng gần gấp 3 lần, giá trị vốn hóa tăng trưởng ấn tượng…

Năm 2022, Đại hội đồng cổ đông ngân hàng này thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng về tổng tài sản, quy mô tín dụng, huy động và lợi nhuận trước thuế đều từ 30% trở lên.

Tuy nhiên, về room tín dụng, hiện vẫn chưa có thông tin phân bổ hạn mức cụ thể từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), khiến cổ đông VIB thắc mắc liệu Ngân hàng có được cấp room tín dụng 30% hay không.

Lý giải về cơ sở đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 30%, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho biết, kế hoạch này phụ thuộc room tăng trưởng tín dụng NHNN cấp, mục tiêu chung cho ngành đã có, nhưng chỉ tiêu riêng cho từng ngân hàng chưa có. Do đó, kế hoạch đặt ra dựa vào năng lực phát triển, khả năng thực tế quản trị rủi ro của VIB để vẫn đảm bảo an toàn.

Trong khi đó, ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc MB cho biết, lợi nhuận hợp nhất trong quý I/2022 của Ngân hàng đạt khoảng 5.500 tỷ đồng. MB đã được NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tạm thời là 15% và kỳ vọng sẽ được nới thêm trong thời gian tới. Năm 2022, MB có kế hoạch tăng trưởng tín dụng 20% và chuẩn bị cho các kịch bản tăng trưởng đột biến. Trong năm trước, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đạt 25%.

Cổ tức vẫn là điểm nóng được cổ đông quan tâm. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, VIB cũng đã trình cổ đông thông qua phương án chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 35%, tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng và đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2022 đạt 10.500 tỷ đồng.

Ngân hàng MB vừa có quyết định về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Theo đó, cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 25/4 tại Hà Nội. Tại buổi tiếp xúc nhà đầu tư ngày 15/3, nhiều cổ đông của MB quan tâm đến tỷ lệ cổ tức năm 2021 sẽ được ngân hàng chi trả mức nào. Trả lời cổ đông về vấn đề này, ông Lưu Trung Thái cho biết, khối tài chính MB đang xây dựng các kịch bản để báo cáo với Hội đồng Quản trị. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh tốt hơn hàng năm, MB sẽ cân nhắc khả năng chi trả cổ tức tăng tương ứng. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, MB đã thông qua mức chi trả cổ tức 10-15%.

Vietcombank cho biết, sẽ tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 8/4, trình phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Phó tổng giám đốc Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng cũng đề nghị Chính phủ, NHNN tiếp tục tạo điều kiện để Vietcombank tiếp tục tăng vốn bằng cách cho phép ngân hàng giữ lại lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức bằng cổ phiếu, đồng thời, có lộ trình tăng giới hạn sở hữu nước ngoài, trước mắt là tăng lên 35%.

Năm 2022, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản 8% so với năm 2021, tín dụng tăng 12%, nợ xấu được kiểm soát dưới 1,5%, lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm 2021. Năm 2021, Vietcombank là quán quân lợi nhuận toàn ngành, với lợi nhuận trước thuế đạt 27.376 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước đó.

Về kế hoạch tăng vốn và chia cổ tức, Ngân hàng MSB sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua việc chia cổ tức tỷ lệ 30% cho năm 2021. Các kế hoạch tăng vốn, MSB sẽ xin Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua và triển khai trong năm 2022, trong đó, Ngân hàng đang hướng đến các nguồn đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài và đang làm việc với một số bên để có kế hoạch cụ thể

Tỷ lệ cổ tức mà cổ đông ACB nhận hàng năm không dưới 25%. Các ngân hàng MB, OCB, HDBank có kế hoạch chia cổ tức năm 2021 trên dưới 20% bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Các câu chuyện riêng của ngân hàng trước thềm đại hội năm nay phần nào tác động lên cổ phiếu “vua”. Đáng chú ý là, các ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận đạt mức khả quan trong năm nay khi tăng trưởng tín dụng của ngành hồi phục. Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán BSC đánh giá, năm 2022, tín dụng ngành ngân hàng tăng 14%, lợi nhuận trước thuế tăng 22,8%, biên lãi ròng cải thiện lên 4,12%. Tuy nhiên, theo BSC, mức độ phân hóa rõ rệt hơn, với tiềm năng thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân nhờ tiếp tục hạ được chi phí vốn.

Doanh nghiệp sắp phải trả nợ 266.000 tỷ đồng trái phiếu, ngân hàng nào ôm nhiều nhất?

Báo cáo thị trường trái phiếu mới đây của SSI nhận định, năm 2022, thị trường trái phiếu vẫn tăng mạnh do cung cầu dự kiến tăng tốt, bất chấp mặt bằng lãi suất trái phiếu doanh nghiệp có thể sẽ tăng lên theo mặt bằng lãi suất tiết kiệm.

Chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi ngân hàng và lãi suất trái phiếu doanh nghiệp cao vẫn khiến nhu cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của người dân tăng mạnh.

Về phía doanh nghiệp phát hành, năm 2022, số trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn ước khoảng  266.000 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2020 và chiếm khoảng 19% lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành. Nhu cầu phát hành để đảm bảo vòng quay vốn của các doanh nghiệp khá cao.

Ngoài ra, hoạt động sản xuất, kinh doanh được kỳ vọng sẽ sôi động hơn khi nền kinh tế đang mở cửa trở lại sau đại dịch cũng là yếu tố kích thích doanh nghiệp đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm nay.

Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP đối với phát hành trái phiếu riêng lẻ trong đó có đưa ra nhiều quy định có thể tác động mạnh đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Cụ thể, Dự thảo bổ sung các yêu cầu: Doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu để góp vốn dưới mọi hình thức, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn; Trường hợp phát hiện doanh nghiệp phát hành sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu không đúng mục đích tại phương án phát hành trái phiếu hoặc cam kết với nhà đầu tư thì nhà đầu tư yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu mua lại trái phiếu trước hạn;  Yêu cầu có xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và trái phiếu phát hành trong trường hợp phát hành trái phiếu cho NĐT chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo, không có bảo lãnh thanh toán, doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh của năm liên trước năm phát hành lỗ hoặc có lỗ lũy kế tính đến năm phát hành.

Các quy định trên nếu có hiệu lực sẽ giảm bớt đáng kể cơ hội huy động vốn trái phiếu của các doanh nghiệp. Ngoài ra, việc siết cứng quy định về mục đích phát hành với dòng vốn trái phiếu (thường dài 3-5 năm) cũng có thể khiến doanh nghiệp phải cân nhắc lại về kênh gọi vốn này.

Trong khi đó, vai trò của các ngân hàng sẽ tiếp tục thu hẹp Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp đã chính thức có hiệu lực từ 15/01/2022.

Theo nhận định của SSI, lợi suất trái phiếu doanh nghiệp có thể đã tạo đáy trong năm 2021 và nhích tăng trong năm 2022 theo mặt bằng lãi suất huy động. Hiện tại, hơn 70% trái phiếu doanh nghiệp phát hành có lãi suất thả nổi.

Bên cạnh đó, xu hướng tăng lãi suất điều hành của các ngân hàng Trung ương lớn và áp lực lạm phát trên thế giới có thể tác động đến tâm lý nhà đầu tư, làm tăng kỳ vọng lãi suất với các đợt phát hành trái phiếu mới.

Năm 2021, các doanh nghiệp phát hành tổng cộng 722.700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng 56% so với năm 2020. Số trái phiếu doanh nghiệp phát hành ròng 2021 (lượng phát hành trừ đi lượng đáo hạn và mua lại trước hạn) ước tính là 438.000 tỷ đồng, tăng 63% so với lượng phát hành ròng 2020. Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành tại cuối 2021 ước tính khoảng 1,39 triệu tỷ đồng, tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm trong giai đoạn từ 2017-2021. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh từ 4,93% GDP (2017) lên tới 16,6% GDP (2021).

Dù kênh tín dụng vẫn là kênh huy động vốn chính của các doanh nghiệp, nhưng kênh chứng khoán đang tăng tốc mạnh mẽ, quy mô thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp tăng nhanh từ mức 68% (2020) lên mức tương đương 88% (2021) so với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Sự tăng trưởng này phù hợp với định hướng phát triển thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào tín dụng ngân hàng của cơ quan quản lý.

Trên thị trường sơ cấp, các Ngân hàng và công ty chứng khoán vẫn là những nhà đầu tư lớn nhất khi mua tổng cộng 373.000 tỷ đồng – chiếm 52% tổng trái phiếu doanh nghiệp phát hành năm 2021. Trong đó, 2 nhóm nhà đầu tư này mua 154.000 tỷ đồng, chiếm 68% trái phiếu ngân hàng phát hành (tập trung vào các trái phiếu kỳ hạn ngắn 1-4 năm) và 153 nghìn tỷ đồng, chiếm 48% trái phiếu bất động sản phát hành.

Trong phạm vi 15 ngân hàng thương mại mà SSI theo dõi với tổng dư nợ tín dụng chiếm khoảng 75% thị phần tín dụng toàn hệ thống (không tính Agribank) thì dư nợ trái phiếu mà các tổ chức tín dụng này nắm giữ đến cuối năm 2021 là 214.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm 2020. Tỷ trọng bình quân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong tổng tín dụng của các ngân hàng thương mại này giữ nguyên ở mức 3,1%.

Các ngân hàng thương mại sở hữu lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất tại cuối năm 2020 là TCB, MBB, VPB, TPB. Xét riêng các trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng, dù số dư trái phiếu mà các ngân hàng thương mại nắm giữ vẫn tăng lên nhưng tốc độ tăng thấp hơn nhiều quy mô thị trường trái phiếu nên tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ bởi các ngân hàng thương mại liên tục giảm từ 71% (2018) xuống 25% (2021).

Sự thu hẹp vai trò của các ngân hàng ở cả khía cạnh tổ chức phát hành và nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy sự tăng trưởng thực chất của thị trường này với định hướng dần trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn thay thế cho kênh tín dụng.

Không “bẻ lái” chính sách tiền tệ

Ngân hàng Nhà nước đang tỏ ra khá bình tĩnh trước động thái nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).Phản ứng này khá dễ hiểu, bởi khác với Mỹ, câu chuyện hiện tại của Việt Nam là phục hồi, tăng trưởng, chứ không phải là lạm phát, việc đảo chiều chính sách tiền tệ từ nới lỏng sang thắt chặt khó có thể xảy ra.

Thị trường tài chính toàn cầu đang biến động mạnh khi Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - tăng lãi suất lần đầu tiên kể khi dịch bệnh xảy ra. Không ít quốc gia, vùng lãnh thổ buộc phải tăng lãi suất theo động thái của Fed.

Thách thức lớn nhất của chính sách tiền tệ hiện nay là làm sao để kiểm soát dòng tiền đi vào đúng hướng, chảy vào sản xuất - kinh doanh, thay vì đầu cơ.

Với Việt Nam, việc Fed tăng lãi suất lần này tác động chưa đáng kể, song với 7 lần tăng lãi suất dự kiến năm nay và khoảng 3-4 lần năm 2023 của Fed, tác động tiêu cực tới tỷ giá, lãi suất, gánh nặng nợ nước ngoài, dòng vốn ngoại… là khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Việt Nam đang có nhiều bệ đỡ tốt, giúp trung hòa các yếu tố rủi ro, đó là nguồn dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, thặng dư thương mại dự kiến khá lớn.

Hơn nữa, triển vọng tăng trưởng sáng sủa của nền kinh tế cũng khiến dòng tiền nước ngoài tiếp tục ở lại Việt Nam, thay vì tháo chạy, kể cả vốn trực tiếp và gián tiếp.

Điều quan trọng nhất là khác với Mỹ, tổng cầu Việt Nam vẫn khá yếu, lạm phát thấp, CPI 2 tháng đầu năm chỉ tăng 1,68%. Vì vậy, bài toán lớn nhất lúc này là phục hồi, tăng trưởng, chứ không phải là lạm phát. Căn cứ vào sức cầu khá yếu của nền kinh tế hiện nay, không có cơ sở nào cho thấy, Ngân hàng Nhà nước sẽ “quay xe”, đảo chiều chính sách tiền tệ sang hướng thắt chặt.

Việt Nam có sự lệch nhịp tăng trưởng so với các nước phát triển trên thế giới. Năm 2021, khi các nước phát triển trên thế giới (Mỹ, châu Âu) phục hồi mạnh mẽ, thì GDP Việt Nam lại giảm sâu vì làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư. Chính vì phục hồi muộn hơn các nước phát triển, nên lạm phát Việt Nam chưa phải là vấn đề đáng lo.

Hơn nữa, nhìn vào gốc rễ lạm phát của Mỹ hiện nay, có thể thấy, Việt Nam khó có khả năng rơi vào tình cảnh lạm phát phi mã này. Năm 2008, khi khủng hoảng kinh tế nổ ra, Mỹ cũng ào ạt bơm tiền ra nền kinh tế, nhưng chủ yếu bơm cho hệ thống tài chính, lạm phát suốt cả thập kỷ sau đó chỉ xoay quanh 2%, thậm chí có lúc còn âm. Tuy nhiên, hai năm qua, đối mặt với khủng hoảng kinh tế do Covid-19, Fed bơm tiền kích cầu mạnh, nhưng bơm trực tiếp cho người tiêu dùng, nên lạm phát vọt tăng nhanh chóng.

Trong khi đó, tại Việt Nam, yếu tố lạm phát từ tiền tệ hoàn toàn không có. Các gói hỗ trợ nền kinh tế 2 năm qua quy mô nhỏ bé và hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt rất ít. Gói hỗ trợ phục hồi nền kinh tế 350.000 tỷ đồng sắp được triển khai chỉ có phần nhỏ là hỗ trợ về tiền tệ. Hơn nữa, gói hỗ trợ tiền tệ này được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt trong tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm.

Chính vì lạm phát của Việt Nam không xuất phát từ cung tiền và không có yếu tố cung tiền, nên Ngân hàng Nhà nước không có lý do để thay đổi chính sách tiền tệ. Thực tế, những năm gần đây, NHNN luôn điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng, việc nới lỏng tiền tệ ở mức nhất định mới được thực hiện vài năm gần đây.

Không chỉ Việt Nam, mà nhiều nước châu Á khác cũng tỏ ra bình tĩnh với động thái tăng lãi suất của Fed. Nguyên nhân là nhiều nước châu Á đều đang phải đối mặt với lạm phát thấp, nền kinh tế phục hồi chậm, buộc phải duy trì lãi suất thấp.

Với Việt Nam, thời gian qua, chính sách tiền tệ luôn hướng tới sự ổn định. Ngân hàng Nhà nước nhiều lần khẳng định, mục tiêu xuyên suốt và nhất quán của chính sách tiền tệ là đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. 

Có thể thấy, sự liên thông giữa việc Fed tăng lãi suất với nền kinh tế trong nước nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng là không lớn. Thách thức lớn nhất của chính sách tiền tệ hiện nay là làm sao để kiểm soát dòng tiền đi vào đúng hướng, chảy vào sản xuất - kinh doanh, thay vì đầu cơ.

Giảm lãi vay 0,5% - 1% trong 2 năm, chuẩn bị cho vay cấp bù lãi suất
Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, nhưng không chủ quan với rủi ro lạm, tiếp tục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư