Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Giám sát chặt chẽ nguồn tiền mua sân bay, bến cảng
Quang Minh - 26/05/2015 16:19
 
Góp ý với báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội 2014, những tháng đầu năm 2015, trong khuôn khổ phiên thảo luận tại tổ ngày 25/5/2015, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP. Hồ Chí Minh) đề nghị Chính phủ, Quốc hội giám sát chặt chẽ nguồn tiền mà các doanh nghiệp sử dụng để mua các công trình hạ tầng lớn.
.
Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn đại biểu Quốc hội  TP. Hồ Chí Minh) .

Đại biểu Trần Du Lịch phát biểu: Chủ trương xã hội hóa sân bay, bến cảng, đường xá, các công trình hạ tầng lớn là chủ trương đúng. Nhưng tôi đang cảm nhận, một số doanh nghiệp trong nước muốn quản lý, kiểm soát các công trình đó bằng tiền của người khác chứ bằng nguồn lực thực sự của doanh nghiệp, bằng vốn riêng doanh nghiệp bỏ ra mua lại thì tôi nghi ngờ.

"Nói nôm na, anh đi vay để anh làm chuyện này. Tôi đề nghị Chính phủ phải kiểm soát kỹ, không cho phép bơm vốn từ ngân hàng thương mại tiền để mua sân bay nọ bến cảng kia. Bởi cái tiền đó là để giúp toàn bộ hệ thống doanh nghiệp phát triển chứ không phải để dồn cho 1 – 2 – 3 ông lấy tiền đó để đi mua sân bay, mua cái nọ, cái kia. Tiền đó không phải tiền thật của anh. Nếu anh có tiền thật thì nó khác, tôi đề nghị mạnh dạn như vậy, không để doanh nghiệp thực hiện ý đồ dùng tiền của ngân hàng để kiểm soát và để nghị ngân hàng phải kiểm soát rất chặt vấn đề này. Nếu mấy "ông" này gom hết thì không lấy đâu vốn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bình thường", đại biểu Trần Du Lịch nói.

Về các vấn đề kinh tế khác mà báo cáo của Chính phủ đã đề cập, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, những tháng đầu năm 2015, kinh tế xuất hiện trở lại 2 vấn đề không có gì mới là vấn đề tái nhập siêu và đầu ra cho nông nghiệp.

Thứ nhất, nhập siêu là bệnh trầm kha từ cơ cấu kinh tế chứ không phải chuyện điều hành giỏi – dở. Chúng ta đặt vấn đề trong nhiều năm rồi về tái cấu trúc kinh tế, công nghiệp hỗ trợ, nền kinh tế gia công… nhưng tới nay tôi thấy rằng, chẳng có “bài thuốc” nào hiệu nghiệm cả. Cứ đầu tư tăng trở lại, kinh tế tăng trở lại thì nhập siêu sẽ tăng nhanh, không thể nào ngăn được bởi cái gốc của vấn đề là cơ cấu kinh tế.

Vấn đề thứ 2 là nông nghiệp trong điều kiện thị trường hiện nay tạm gọi là sản xuất thừa cả trong nước, cả xuất khẩu. Một nền nông nghiệp không thích nghi được trong hội nhập, chúng ta bán cái ta có chứ cái người ta cần đâu (?). Quá nhiều năm chúng ta để người nông dân sản xuất theo phong trào, chịu tác động của thị trường, người nông dân chao đảo… cần phải có chính sách cụ thể. Cái gốc của vấn đề là chúng ta quá chậm trễ trong việc tái cấu trúc kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Góp ý với báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 2014, những tháng đầu năm 2015, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, kinh tế chúng ta đang phục hồi và tăng trưởng tốt. Năm 2014 là tăng trưởng 5,98%, trong quý I/2015 kinh tế tăng trưởng 6,03%. Đây là mức cao nhất trong 5 năm qua. Và chúng ta có thể nhìn nhận được kết quả thành công kép ở chỗ là kinh tế tăng trưởng trong điều kiện lạm phát được kéo giảm thấp. Chỉ số giá tiêu dùng 5 tháng đầu năm là 0,2%, chỉ số lạm phát tháng 5 là 0,95%. Do đó, chúng ta có thể kiểm soát được lạm phát ở mức là 3%. Cán cân vãng lai tiếp tục thặng dư, năm 2014 là 5,4% GDP (trong giai đoạn 2006 – 2010, bình quân mỗi năm chúng ta thâm hụt là 6,5% GDP). Thành công thứ 3 là kết quả trong việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế ghi nhận được những kết quả đáng phấn khởi trong việc tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và kéo tỷ lệ nợ xấu về mức 3% trong năm 2015.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, kinh tế vĩ mô của chúng ta ổn định nhưng chưa vững chắc. Cụ thể là tình hình nhập siêu trong 5 tháng đầu năm quay trở lại là 3,7 tỷ USD. Từ đó ảnh hưởng đến chính sách tỷ giá, ảnh hưởng đến niềm tin vào đồng tiền Việt Nam của chúng ta. Tình hình sản xuất kinh doanh trong nước cũng có nhiều khó khăn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trước đó, báo cáo đánh giá bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện phát triển kinh tế xã hội năm 2014 và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 cho biết, năm 2014 kinh tế - xã hội nước ta phát triển với những tín hiệu tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất. Tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,98% (số đã báo cáo Quốc hội là trên 5,8%), cao hơn mức tăng 5,42% của năm 2013 và 5,25% của năm 2012.

Sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng trưởng khá, giá trị gia tăng khu vực này tăng 7,14%, cao hơn nhiều mức tăng 5,43% của năm 2013, đóng góp 2,75 điểm phần trăm tăng trưởng GDP. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo có chuyển biến khá tích cực với mức tăng cao là 8,45%, cao hơn nhiều so với mức tăng các năm trước[1], góp phần quan trọng vào mức tăng trưởng chung. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,6%, cao hơn so với mức tăng 5,9% của năm 2013, với xu hướng tăng nhanh vào các tháng cuối năm[2]. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11% so với năm 2013, trong khi đó, tồn kho giảm từ 13,4% xuống 10% (tại thời điểm 01/12/2014). Ngành xây dựng đã có dấu hiệu phục hồi với mức tăng 7,07%, so với mức 5,87% của năm 2013, chủ yếu do đóng góp của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với giá trị sản xuất khu vực này tăng tới 58%.

Năm 2014 là năm tập trung thực hiện nhiều chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt là việc đổi mới, tái cơ cấu ngành đạt được kết quả bước đầu tích cực, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao hiệu quả đầu tư trong nông nghiệp và nông dân. Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,49%, cao hơn năm 2013 là 2,64%, đóng góp 0,61 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Giá trị sản xuất toàn ngành tăng 4% so với thực hiện năm 2013, trong đó, nông nghiệp tăng 3%; lâm nghiệp tăng 7,1%; thuỷ sản tăng 6,8%.

Khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng đạt 5,96%, đóng góp 2,62 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP đạt 43,38%. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 7,87 triệu lượt khách, tăng 4% so với năm 2013, thấp hơn so với mức tăng 10,6% của năm 2013 do ảnh hưởng tiêu cực của biến động trên Biển Đông.

Nhà đầu tư Singapore xin đầu tư bến cảng 114 triệu USD cho Formosa
Hai bến cảng có thể đón được tàu 50.000 DWT này sẽ phục vụ bốc xếp hàng hóa, container cho Liên hợp thép Formosa, Hà Tĩnh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư