Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 01 tháng 09 năm 2024,
Giằng co phương án áp thuế VAT 5% với phân bón
Nguyễn Lê - 01/09/2024 08:19
 
Qua nhiều vòng thảo luận sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, phương án chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5% vẫn ở giữa hai luồng ý kiến.

 

Đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi 

Vẫn để hai phương án

Chuẩn bị trình Quốc hội bấm nút tại Kỳ họp thứ tám vào tháng 10 tới, Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi (Dự thảo) vừa được đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 29/8.

Báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (cơ quan thẩm tra) cho biết, việc chuyển phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5% hiện vẫn còn 2 luồng quan điểm (được thể hiện theo 2 phương án tại Dự thảo).

Quan điểm thứ nhất đề nghị giữ phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) như quy định hiện hành. Vì thuế VAT là thuế gián thu, người chịu thuế VAT là người tiêu dùng cuối cùng. Việc chuyển phân bón sang chịu thuế suất 5% làm người nông dân phải chịu tác động lớn do giá phân bón sẽ tăng khi có thuế VAT, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp.

Quan điểm thứ hai thống nhất với cơ quan soạn thảo, chuyển nhóm ngành hàng này vào diện chịu thuế VAT 5%. Việc áp dụng thuế suất VAT 5% sẽ tác động tăng giá thành phân bón nhập khẩu (hiện chỉ chiếm 26,7% thị phần), đồng thời làm giảm giá thành phân bón sản xuất trong nước (đang chiếm 73,% thị phần), vì toàn bộ thuế VAT đầu vào của sản xuất sẽ không phải hạch toán vào chi phí, mà được khấu trừ vào thuế đầu ra. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được hoàn thuế do thuế đầu ra (5%) thấp hơn đầu vào (10%) và ngân sách nhà nước sẽ không tăng do phải bù trừ giữa tăng thu từ khâu nhập khẩu với việc hoàn thuế cho sản xuất trong nước.

Với phương án này, các doanh nghiệp sản xuất trong nước có dư địa để giảm giá bán, nếu giá phân bón và các nguyên liệu đầu vào trên thị trường quốc tế không thay đổi. Ngoài ra, giá bán thực tế trên thị trường trong nước còn phụ thuộc vào giá phân bón thế giới - đang trong xu thế giảm dần do nguồn cung của thế giới đã dần phục hồi.

Từ thực tế trên, có thể thấy, tác động của việc điều chỉnh thuế VAT đến khả năng tăng giá phân bón trên thị trường trong nước là không lớn. Hơn nữa, phân bón là sản phẩm bình ổn giá, nên trong trường hợp cần thiết, khi có biến động lớn về giá trên thị trường, thì các cơ quan quản lý nhà nước có thể thực hiện các biện pháp quản lý như kiểm tra các yếu tố hình thành giá, kiểm soát hàng tồn kho và các biện pháp tài chính tiền tệ khác..., để có thể xử lý một cách phù hợp, bảo đảm giá phân bón được bình ổn ở mức hợp lý.

Thường trực cơ quan thẩm tra cho hay, với các ý kiến còn khác nhau giữa 2 quan điểm và sự bất cập về mặt số liệu đánh giá tác động của chính sách về khả năng tăng thu ngân sách nhà nước và mức độ tác động thực tế đến mặt bằng giá trên thị trường trong nước, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có kết luận.

Cụ thể là “giao Chính phủ bổ sung số liệu giải trình đầy đủ, thuyết phục, phân tích rõ các tác động về giá đối với phân bón trong trường hợp áp dụng thuế suất 5%, phục vụ việc lấy ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội xem xét, quyết định”.

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu chuyên trách, Thường trực Ủy ban Tài chính -  Ngân sách của Quốc hội cho hay, sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan soạn thảo để tiếp thu, chỉnh lý và thể hiện cụ thể nội dung này trong Dự thảo.

Cần dữ liệu đủ thuyết phục

Thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, 4 vị đại biểu đăng đàn đầu tiên đều đề nghị chọn phương án không áp thuế VAT với mặt hàng phân bón.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa, đại biểu Mai Văn Hải nhìn nhận, việc không đánh thuế VAT với phân bón có thể ảnh hưởng tới một số doanh nghiệp, nhưng áp thuế 5% thì sẽ ảnh hưởng đến bà con nông dân. “Hiện nay, nhiều gia đình vẫn bỏ ruộng vì thu nhập thấp, nên thời điểm này chưa nên đánh thuế phân bón”, ông Hải nêu quan điểm.

Doanh thu từ 200 triệu đồng trở xuống không chịu thuế VAT

Tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và Cơ quan soạn thảo thống nhất chỉnh lý và quy định mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế là hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 200 triệu đồng trở xuống. Trường hợp Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành, hoặc thời điểm điều chỉnh gần nhất, thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức doanh thu phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Theo đại biểu Dương Khắc Mai, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, nếu đưa phân bón vào diện chịu thuế 5%, thì sẽ xử lý được bất cập trong hoàn thuế của doanh nghiệp, nhưng chắc chắn làm tăng giá phân bón, tác động đến nông dân. “Áp thuế VAT cũng không đảm bảo được phân bón có giảm giá hay không, vì Nhà nước không bắt buộc doanh nghiệp giảm giá được”, ông Mai nêu lý do chọn phương án mặt hàng phân bón không nên chịu thuế VAT.

Song, đại biểu Mai cũng cho rằng, phương án hài hòa là áp thuế suất 0% để vừa xử lý được hoàn thuế cho doanh nghiệp, vừa không làm ảnh hưởng đến nông dân.

Tán thành phương án không áp thuế với phân bón, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) nói, nếu đưa phân bón vào diện chịu thuế 5%, sẽ làm tăng chi phí phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết, đã tìm lại hồ sơ các lần sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng trước đây và thấy rằng, khi đưa ra đề nghị không áp thuế VAT với phân bón, cơ quan soạn thảo có giải trình là, nếu để ở mức 5%, thì vẫn là gánh nặng cho người sản xuất nông nghiệp, làm tăng giá đầu ra. Nhưng lần sửa đổi này thì nêu lý do nếu không áp thuế, sẽ không được khấu trừ thuế VAT đầu vào.

Ông Giang dẫn lại số liệu của Bộ Tài chính, giai đoạn 2015-2022, các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ khoảng 1.500 tỷ đồng thuế VAT đầu vào. Nếu áp dụng thuế 5% với phân bón, thì thuế VAT đầu ra khoảng 5.700 tỷ đồng, sau khi bù trừ thuế đầu vào khoảng 1.500 tỷ đồng, ngân sách sẽ thu thêm khoảng 4.200 tỷ đồng.

Như vậy, nếu thu thuế 5% đối với phân bón, thì Nhà nước sẽ tăng thu ngân sách 4.200 tỷ đồng. Doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ 1.500 tỷ đồng thuế đầu vào, từ đó có điều kiện để hạ giá thành sản phẩm tương ứng số thuế VAT được khấu trừ, tăng khả năng cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, bảo đảm tính công bằng trong thực hiện chính sách thuế VAT giữa phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất trong nước.

Theo đại biểu Giang, số liệu doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ 1.500 tỷ đồng thuế đầu vào không thực sự chính xác. Ông Giang đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá chính xác nếu đánh thuế 5% thì doanh nghiệp được hoàn thuế bao nhiêu, ngân sách thu được bao nhiêu và người dân tác động như thế nào.

“Vừa qua, Quốc hội cố gắng giảm 2% thuế VAT để kích thích tiêu dùng, giờ lại bảo đánh thuế 5% với phân bón thì tôi thấy không thuyết phục”, ông Giang nói.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Lê Minh Nam cũng cho rằng, con số 1.500 tỷ đồng mà doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ nếu áp thuế 5% là “không đúng lắm”, nếu nhìn vào dữ liệu về doanh nghiệp sản xuất phân bón. “Đề nghị cung cấp dữ liệu, lượng hóa đầy đủ, thuyết phục xem phương án nào mang lại hiệu quả tối ưu hơn thì Quốc hội quyết định”, ông Nam nói.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh của Quốc hội, cần đánh giá thật sự khách quan chứ không nên chỉ căn cứ vào việc phân bón có tăng giá hay không để quyết định phương án áp thuế VAT với mặt hàng này. “Một đất nước nông nghiệp như Việt Nam nếu không có ngành sản xuất phân bón hiện đại thì không ổn, ngành sản xuất phân bón tốt lên thì người dân cũng được lợi”, ông An phát biểu.

Bên cạnh các ý kiến trên, một số đại biểu khác đề nghị áp thuế suất VAT 0% với doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, như thế doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế. Song đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, cần cân nhắc kỹ phương án này, vì mức 0% chỉ áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu, đây là thông lệ quốc tế.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu ý kiến đại biểu, tiếp tục hoàn thiện Dự thảo để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám vào tháng 10 tới.

Vẫn chưa có phương án tối ưu áp thuế VAT với phân bón
Quy định áp thuế VAT với phân bón sẽ được đưa ra hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng ngày 29/8 tới đây để rộng đường thảo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư