Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 17 tháng 09 năm 2024,
Giao dịch ảm đạm, VN-Index tiếp tục giảm hơn 12 điểm trong phiên 16/9
Tùng Linh - 16/09/2024 19:07
 
Dù hồi phục khá mạnh so với hai phiên gần nhất, thanh khoản vẫn ở mức thấp. Giao dịch trên thị trường tiếp tục diễn ra ảm đạm và nhiều cổ phiếu lớn giảm sâu khiến các chỉ số biến động chủ yếu trong sắc đỏ.
.
Thị trường chứng khoán giảm điểm với số mã chứng khoán giảm giá áp đảo.

Hai phiên giao dịch cuối tuần liền trước ghi nhận khối lượng giao dịch ở mức thấp nhất kể từ tháng 4/2023 cùng mức giảm 1,75% trong cả tuần đưa VN-Index về mức 1.251,71 điểm. Bước sang tuần mới, trước loạt sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán như Fed họp để quyết định lãi suất, đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số VN30, hai quỹ ETF ngoại lớn hoàn thành cơ cấu danh mục đầu tư kỳ quý IV/2024, các chỉ số biến động giằng co. Tuy nhiên, lực cầu trên thị trường vẫn yếu, nhiều nhà đầu tư “cầm hàng” mất kiên nhẫn, lực bán do đó dâng cao trở lại ở nửa sau của phiên sáng. Các chỉ số vì vậy cũng lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Trong suốt phiên chiều, các chỉ số đều biến động trong sắc đỏ với một số nhịp hồi phục nhưng không đáng kể.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 12,45 điểm (-0,99%) xuống 1.239,26 điểm. Toàn sàn có 97 mã tăng, 312 mã giảm và 62 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1,58 điểm (-0,68%) xuống 230,84 điểm. Toàn sàn có 58 mã tăng, 96 mã giảm và 61 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,38 điểm (-0,41%) xuống 92,57 điểm. 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng; ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản ước tăng trưởng có thể đạt 6,8-7%. Tác động của cơn bão Yagi lên nền kinh tế phần nào có thể tác động lên tâm lý của nhà đầu tư, phản ánh lên diễn biến của thị trường chứng khoán - nơi được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế. 

Trong nhóm VN30 phiên hôm nay chỉ có duy nhất GVR tăng giá với mức tăng 0,87% lên 34.900 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, nhóm VN30 ghi nhận đến 25 cổ phiếu giảm giá. Ba cổ phiếu ngân hàng gồm MBB, SSB, TCB và VIB giữ giá tham chiếu ở phiên hôm nay và phần nào không gây thêm những áp lực lên thị trường chung. Đáng chú ý, cả SSB và TCB ở đầu phiên đã có thời điểm tăng giá khá tốt nhưng trước việc thị trường chung bị bán mạnh nên các cổ phiếu này cũng lùi về đứng ở mốc tham chiếu.

Cổ phiếu NamA Bank (NAB) tác động tích cực nhất đến VN-Index phiên hôm nay với 0,32 điểm, cổ phiếu này chốt phiên tăng đến 6,1%. Trong khi đó, GVR đứng thứ hai với số điểm đóng góp là 0,29. Các cổ phiếu như KDH, BMP, SGR… lại là những mã tiếp theo có đóng góp tích cực cho VN-Index thay vì các cổ phiếu bluechip khác.

Ở chiều ngược lại, hàng loạt các cổ phiếu vốn hoá lớn giảm giá mạnh và gây ra áp lực lên VN-Index. VCB là cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất cho chỉ số này khi lấy đi đến 1,36 điểm. Chốt phiên, VCB giảm 1,11% xuống 88.900 đồng/cp. Tiếp sau đó, VHM giảm đến 2,91% và lấy đi của VN-Index 1,32 điểm. Các cổ phiếu như GAS, VIC, FPT, BID… đều nằm trong danh sách tác động mạnh theo chiều tiêu cực đến chỉ số.


Tại nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, CTD gây bất ngờ khi có thời điểm bị bán về mức giá sàn 57.300 đồng/cổ phiếu. Dù vậy cuối phiên giao dịch, cổ phiếu này cũng “rút chân” và còn giảm 4,22%.

Tại nhóm bất động sản, PDR giảm mạnh 3,7% và khiến nhiều cổ phiếu khác giảm sâu. Trong đó, NVL giảm hơn 3%, DXG giảm 2,6%, TCH giảm hơn 2,5%. Tương tự, nhóm chứng khoán cũng ghi nhận nhiều cổ phiếu giảm mạnh như HCM giảm 3,4%, VCI giảm 2,7%, MBS giảm 2,6%.

Tổng khối lượng giao dịch riêng sàn HoSE đạt 608 triệu cổ phiếu (tăng 26% so với phiên cuối tuần trước), tương ứng giá trị giao dịch ở mức 13.485 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 2.936 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 871 tỷ đồng và 382 tỷ đồng.

Khối ngoại mua ròng trở lại trở thành điểm sáng trong phiên giao dịch ảm đạm.

Khối ngoại mua ròng trở lại 218 tỷ đồng trên HoSE. Trong đó, dòng vốn này mua ròng mạnh nhất mã TCB với 70 tỷ đồng. NAB - cổ phiếu đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho VN-Index cũng nằm trong top hai mua ròng với giá trị giải ngân của khối ngoại đạt 54 tỷ đồng. Đứng liền sau là FPT với giá trị mua ròng đạt 52 tỷ đồng. Chiều ngược lại, HSG bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 43 tỷ đồng. MWG và VCI bị bán ròng lần lượt 41 tỷ đồng và 33 tỷ đồng.

Góc nhìn TTCK tuần 16-20/9: Hụt thanh khoản, chỉ số chịu áp lực về vùng 1.250 điểm
VN-Index có thể tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá 1.250 điểm và phục hồi kiểm tra lại vùng kháng cự gần nhất hiện nay tương ứng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư