Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 12 tháng 10 năm 2024,
Góc nhìn TTCK tuần 16-20/9: Hụt thanh khoản, chỉ số chịu áp lực về vùng 1.250 điểm
Nhã An - 15/09/2024 12:29
 
VN-Index có thể tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá 1.250 điểm và phục hồi kiểm tra lại vùng kháng cự gần nhất hiện nay tương ứng quanh 1.265 điểm.

VN-index giao dịch tuần này tiếp tục là một tuần giảm điểm với thanh khoản thấp. Điểm nhấn giao dịch diễn ra vào phiên thứ Ba (10/9) khi VN-Index giảm -12,5 điểm trước khi có 3 phiên cuối tuần đều đi ngang trong biên độ hẹp. 

Phiên kết tuần, chỉ số VN-index ghi nhận giảm hơn 4 điểm và đóng cửa tại mốc 1251,71 điểm. Thanh khoản dù nhích tăng nhẹ so với phiên trước nhưng vẫn ở mức thấp nhất kể từ đầu năm, điều này cho thấy vận động thiếu sức sống ở cả 2 chiều mua và bán.

Độ rộng thị trường phiên cuối tuần nghiêng nhẹ về bên bán với 147 cổ phiếu giảm giá, 142 cổ phiếu tăng giá, 67 cổ phiếu tham chiếu tại HOSE. 

Thanh khoản trên cả 2 sàn tuần này cao hơn so với tuần giao dịch sau lễ trước đó (do có đủ 5 phiên giao dịch so với 3 phiên của tuần trước) nhưng giá trị giao dịch trung bình phiên trên 3 sàn giảm 21,29% trong đó giá trị khớp lệnh tại HOSE trong 2 phiên giao dịch cuối tuần giảm xuống dưới 10.000 tỷ đồng và thấp nhất kể từ ngày 30/10/2023. 

Khối ngoại tiếp tục đà bán ròng với -1.122,65 tỷ đồng tại HOSE tập trung tại mã MSN (-316,83 tỷ), HPG (-309,95 tỷ), VPB (-249,19 tỷ) và MWG (-211,18 tỷ)...ở chiều ngược lại, mua ròng FPT (+238,27 tỷ), CTG (+128,62 tỷ)...

Nhìn chung, đà hồi phục của chỉ số có dấu hiệu chững lại tại vùng 1260 điểm khi lực cầu chưa đủ thuyết phục. Theo đó, ngưỡng hỗ trợ 1250 điểm đang có dấu hiệu bị thử thách lại và kịch bản điều chỉnh của chỉ số vẫn đang tiếp tục tiếp diễn. Vấn đề thanh khoản thấp là vấn đề đáng lưu ý nhưng các chuyên gia cho rằng chưa quá đáng ngại, các dấu hiệu chỉ đang cho thấy đây là hiện tượng ngắn hạn khi chịu áp lực về tâm lý và điểm số. Dòng tiền vẫn đang chờ đợi cơ hội giải ngân khi thị trường chứng khoán vẫn là một trong những kênh đầu tư cho hiệu suất bình quân tốt nhất từ đầu năm ~ 10-13%.

Chuyên gia Agriseco Research nhận định, VN-Index liên tục điều chỉnh với thanh khoản thấp phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong giai đoạn vùng trũng thông tin. Mức độ điều chỉnh của thị trường là không nhiều và áp lực bán cũng không gia tăng đáng kể cho thấy rủi ro tại thời điểm hiện tại là không cao. Nhưng thị trường sẽ cần hình thành một vùng cân bằng để giúp tâm lý nhà đầu tư ổn định và dòng tiền quay trở lại giúp chỉ số đi lên. 

Về bối cảnh hiện tại, Fed chuẩn bị hạ lãi suất và các số liệu kinh tế Mỹ cũng cho thấy dấu hiệu tích cực củng cố niềm tin về việc hạ cánh mềm đã giúp thị trường chứng khoán thế giới đi lên. Tại thị trường Việt Nam, khi giai đoạn vùng trũng thông tin trong tháng 9 đi qua, các thông tin về KQKD và kinh tế vĩ mô trong Quý 3 sẽ dần hé lộ giúp dòng tiền có động lực quay trở lại thị trường.

Sau nhịp điều chỉnh vừa rồi, Agriseco Research  cho biết, nhóm cổ phiếu thép có mức độ chiết khấu tương đối sâu khi giảm 20-30% từ vùng đỉnh trung hạn. Qua đó, giá cổ phiếu nhóm thép đã trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư trên thị trường. 

Bên cạnh nhóm thép, nhiều nhóm ngành khác có mức sụt giảm thấp hơn nhưng cũng mở ra cơ hội để nhà đầu tư theo dõi và giải ngân có thể kể đến như nhóm xuất khẩu (thủy sản, dệt may, cao su); nhóm Ngân hàng; nhóm Chứng khoán. 

Giai đoạn tới, dòng tiền có thể có sự phân hóa giữa các nhóm ngành dựa vào triển vọng kinh doanh, câu chuyện đầu tư riêng của từng nhóm cổ phiếu. Tháng 9 sẽ là tháng bản lề của thị trường chứng khoán Việt Nam trước khi số liệu kinh tế vĩ mô và lợi nhuận các doanh nghiệp trong quý III/2024 được công bố. Với kỳ vọng thị trường sẽ tích lũy đi lên, nhà đầu tư có thể thực hiện chiến lược giải ngân trong các nhịp điều chỉnh của thị trường.

Nhiều quan điểm rằng, đây là vùng giá tương đối hợp lý đối với triển vọng tăng trưởng của thị trường, với kỳ vọng thị trường sẽ dần phân hóa, có thể  mở ra nhiều vị thế tích lũy hợp lý dựa vào triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp, kết quả kinh doanh quý III/2024. 

Tuy nhiên, dòng tiền ngắn hạn chưa gia tăng tốt trở lại theo đó, có thể tuần sau, VN-Index vẫn chịu áp lực điều chỉnh về vùng 1.250 điểm

Kỳ vọng trong tuần sau, VN-Index có thể tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá 1.250 điểm và phục hồi kiểm tra lại vùng kháng cự gần nhất hiện nay tương ứng quanh 1.265 điểm. Các vị thế giao dịch ngắn hạn, nên chờ chỉ số VN-Index vượt lên xu hướng điều chỉnh kéo dài từ cuối tháng 8 tới nay. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư