Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Giao dịch giá trị lớn sẽ phải qua ngân hàng
Vân Linh - 23/05/2019 15:22
 
Bên cạnh thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công, tới đây, các giao dịch giá trị lớn như mua bán bất động sản cũng bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng.
Thanh toán không dùng tiền mặt tại hệ thống siêu thị VinMart. Ảnh: Đức Thanh
Thanh toán không dùng tiền mặt tại hệ thống siêu thị VinMart. Ảnh: Đức Thanh

Phải thanh toán qua ngân hàng

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng năm 2019 là phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc qua ngân hàng, trong đó có giao dịch bất động sản.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), ông Phạm Tiến Dũng cho biết, năm 2019, NHNN bám sát chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ về thanh toán theo Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế tiền mặt trong thanh toán, phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngoài ra, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu và công khai chi tiết danh mục giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, đề xuất Chính phủ sửa đổi một số quy định pháp luật để khuyến khích không dùng tiền mặt đối với giao dịch bất động sản.

Trên cơ sở đó, NHNN đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động cho các tổ chức tín dụng.

Về hoạt động thanh toán, ông Phạm Tiến Dũng cho biết, NHNN đã triển khai có hiệu quả việc thanh toán không dùng tiền mặt, trong khi người dân cũng đã quen dùng các phương tiện thanh toán này.

Đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt

Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ngày 20/5, dưới sự chỉ đạo nội dung từ NHNN, Báo Tuổi trẻ phối hợp cùng Vụ Thanh toán (NHNN), Vụ Truyền thông (NHNN), Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) và Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas)  chính thức công bố Ngày Không tiền mặt là ngày 16/6.

Theo NHNN, trong Ngày Không tiền mặt, các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán và người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ.

Chuỗi sự kiện “Ngày Không tiền mặt” là một trong những hoạt động tiêu biểu, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020, Đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Trong tháng 6/2019, đặc biệt vào ngày 16/6, các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nhà bán lẻ… sẽ có các chương trình ưu đãi đặc biệt cho khách hàng khi mua sắm không dùng tiền mặt. Ban Tổ chức đã chính thức nhận được sự xác nhận tham gia hỗ trợ người tiêu dùng từ các đơn vị như Napas, Vietcombank, Vinpro, Adayroi, Ví điện tử Moca|Grab, Momo, Shopee/Airpay, Lazada, Tiki, VPBank.

Được biết, trong 3 tháng đầu năm 2019, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý trên 37 triệu giao dịch với giá trị gần 21 triệu tỷ đồng, tăng 23% về số lượng giao dịch và tăng 17% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018.

Các ngân hàng thương mại đã tích hợp thêm nhiều tính năng, tiện ích vào thẻ ngân hàng để sử dụng cho chi trả hàng hóa, dịch vụ tại điểm bán, thanh toán hóa đơn tiện ích, thanh toán mua hàng trực tuyến, đồng thời với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ. Đến nay, có khoảng 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung cấp dịch vụ thanh toán qua Internet (Internet payment) và 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động (mobile payment). Trong năm 2018, thanh toán qua Internet tăng 33,6% về số vụ giao dịch và 19,5% về giá trị so với năm 2017. Thanh toán qua điện thoại di động tăng 41,4% về số vụ giao dịch và 169,5% về giá trị so với năm 2017.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định: “Nếu làm tốt thanh toán không dùng tiền mặt, chúng ta sẽ loại bỏ được tình trạng tham nhũng vặt vô cùng phổ biến hiện nay”.

Theo khảo sát tiêu dùng toàn cầu năm 2019 của PwC đối với 27 nước/vùng lãnh thổ, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động. Theo đó, tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán bằng di động ở Việt Nam đã tăng từ mức 37% năm 2018 lên 61% năm 2019.
Thị trường liên ngân hàng: Giao dịch giảm do nguồn cung hạn chế
Thiếu hụt nguồn cung trên thị trường liên ngân hàng trong quý I/2015 đã khiến chi phí vay trên thị trường này tăng lên.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư