Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Giáo dục gần đội sổ trong thu hút FDI
Bảo Duy - 20/11/2013 09:44
 
Sự chưa rõ ràng, thống nhất trong quy định của pháp luật liên quan đến giáo dục - đào tạo dành cho nhà đầu tư nước ngoài đang bị cho là nguyên nhân cản trở dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực này. Giáo dục trăn trở vượt lối mòn >Chi cho giáo dục của Việt Nam cao hàng đầu thế giới

Đứng thứ 17/18 về thu hút FDI

Lứa sinh viên đầu tiên gồm 20 người của Trường đại học Anh quốc (BUV) vừa làm lễ tốt nghiệp, nhận bằng Quản trị Kinh doanh quốc tế của Đại học Staffordshire (Anh). Với buổi lễ này, BUV đánh dấu 3 năm chính thức có mặt tại Việt Nam.

ễ tốt nghiệp tại Trường BUV - trường đại học có vốn FDI thứ hai tại Việt Nam
Lễ tốt nghiệp tại Trường BUV - trường đại học có vốn FDI thứ hai
tại Việt Nam

Đây cũng là thời điểm khá đặc biệt của BUV, khi kế hoạch đầu tư 40 triệu USD xây dựng cơ sở chính trên diện tích 6,5 ha tại Khu đô thị Ecopark (Hà Nội) đang được tích cực triển khai.

“Giai đoạn I của Dự án dự kiến được đưa vào vận hành năm 2016. Sau khi hoàn thành, cơ sở đạo tạo của chúng tôi sẽ đủ điều kiện đón nhận 7.000 sinh viên”, ông Chris Jeffery, Giám đốc học vụ BUV trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Như vậy, cho tới thời điểm này, sau RMIT Việt Nam đã đi vào hoạt động từ năm 2001, BUV là trường đại học có vốn FDI thứ 2 của Việt Nam cho “ra lò” các lứa sinh viên được đào tạo theo tiêu chuẩn của các trường đại học quốc tế ngay tại Việt Nam. Con số quá nhỏ so với những kỳ vọng của ngành giáo dục - đào tạo trong mục tiêu thu hút vốn FDI vào lĩnh vực này.

Theo thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 10/2013, lĩnh vực giáo dục - đào tạo cả nước thu hút 168 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 663 triệu USD.

Trong số này, chiếm phần lớn là các trung tâm đào tạo ngắn hạn, với hơn 100 dự án. Tiếp theo các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Cơ sở giáo dục đại học chỉ có 3 dự án, với tổng vốn đầu tư 57 triệu USD, chiếm 12,1%. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng nhận được rất ít nguồn vốn này.

So sánh với các ngành nghề, lĩnh vực khác, giáo dục - đào tạo cũng là lĩnh vực đứng ở mức thấp cả về quy mô đầu tư trung bình và số lượng dự án, với khoảng 3,9 triệu USD/dự án (so với mức trung bình của các lĩnh vực là 14,7 triệu USD/dự án). So với các ngành khác trong lĩnh vực dịch vụ, như 17,1 triệu USD/dự án trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, 41,4 triệu USD/dự án trong lĩnh vực y tế…., thì đây cũng là con số rất thấp.

Nếu tính về số dự án (168/15.475 dự án FDI tại Việt Nam), giáo dục - đào tạo đang đứng thứ 17/18 ngành trong số các lĩnh vực có vốn FDI tại Việt Nam, chỉ trên có lĩnh vực hành chính, dịch vụ.

Điều kiện vẫn khó

Vị trí áp chót bảng trong các lĩnh vực có thu hút vốn FDI của giáo dục – đào tạo thực sự không tương xứng với những gì mà nhà đầu tư nước ngoài đang nhìn nhận. Bên cạnh nhận định giáo dục là một trong những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư của Anh và các nước khác khi nhắm tới thị trường Việt Nam, ông Chris Jeffery không ngần ngại chia sẻ mục tiêu BUV sẽ là một nhà đầu tư lớn và dài hạn tại Việt Nam.

“Mấu chốt để hoạt động thuận lợi trong lĩnh vực này là chúng tôi phải đảm bảo được cả yêu cầu về chất lượng, sự công nhận về chất lượng trên toàn cầu cũng như yêu cầu của nền kinh tế, của các sinh viên. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi các cam kết lâu dài cả từ phía nhà đầu tư và Chính phủ”, ông Chris Jeffery phân tích thêm.

Đây không phải là lần đầu tiên, các yêu cầu về cam kết lâu dài được các nhà đầu tư nước ngoài đặt ra, song trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, yếu tố này dường như là then chốt khi các hoạt động đầu tư đỏi hỏi cả thời gian và chi phí.

Trong nghiên cứu của Nhóm công tác về giáo dục và đào tạo (thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - VBF), các nhà đầu tư đã phát hiện những điểm không rõ ràng, không thống nhất ngay trong các quy định liên quan đến tư cách pháp lý, cơ cấu quản lý, hoạt động… giữa cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài với cơ sở giáo dục 100% vốn trong nước.

Ông Brian O’Reilly, đồng Chủ tịch Nhóm công tác giáo dục và đào tạo đã phân tích, theo quy định hiện hành, nhà đầu tư trong nước có thể thành lập pháp nhân (công ty) hoặc có thể tự đứng ra đầu tư, phát triển, quản lý và điều hành trường. Với nhà đầu tư nước ngoài, cách duy nhất được phép là thành lập pháp nhân.

Vấn đề nằm ở chỗ, trong trường hợp này, trường không đủ điều kiện để xác định là một pháp nhân độc lập. Nhưng, trong hệ thống văn bản pháp luật hiện tại về giáo dục (từ mầm non cho đến cao đẳng, đại học) đều xác định, trường có tư cách pháp nhân độc lập, mà không phân biệt dựa vào phương thức đầu tư. Cách xác định này đã tạo ra những mâu thuẫn giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư với văn bản pháp luật về giáo dục trong tổ chức hoạt động của các đơn vị. Ngay cả Nghị định 73/2012/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục cũng không có quy định cụ thể về vấn đề này.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp để ban hành những quy định, hướng dẫn rất cụ thể về cơ cấu quản lý của trường, đảm bảo sự thống nhất giữa các quy định pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp với các quy định chuyên ngành về quản lý giáo dục”, ông Brian O’Reilly đề xuất.

Cũng phải nói lại, quy định về tỷ lệ học sinh Việt Nam học tại các trường quốc tế có vốn FDI thấp, không quá 10% với trường tiểu học và trung học cơ sở, không quá 20% với trường trung học phổ thông, cũng đang là lý do mà nhiều trường quốc tế cho là gây khó khăn trong việc tổ chức giảng dạy của nhà trường…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư