Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 09 năm 2024,
Giáo dục phiên bản 5.0
Nếu xem công nghệ là phiên bản 4.0, thì giáo dục cần phải đi trước, phải là giáo dục phiên bản 5.0.

Đào tạo nhân lực hiện không đơn thuần chỉ là đáp ứng nhu cầu lao động cho doanh nghiệp, mà còn phải có tư duy đi trước một bước, phải tạo dựng trước các nền tảng về lợi thế nhân lực. Chính vậy, nếu xem công nghệ là phiên bản 4.0, thì giáo dục cần phải đi trước, phải là giáo dục phiên bản 5.0.

Nhân lực thời cách mạng công nghiệp 4.0 phải  có khả năng thích ứng và khả năng sáng tạo. Ảnh: Đức Thanh
Nhân lực thời cách mạng công nghiệp 4.0 phải có khả năng thích ứng và khả năng sáng tạo. Ảnh: Đức Thanh

Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu

Cách mạng công nghiệp 4.0 có đặc trưng là sự phát kiến một loạt công nghệ mới kết hợp giữa thế giới vật lý với thế giới kỹ thuật số và sinh học, tác động sâu rộng đến tất cả các nền kinh tế, ảnh hưởng đến từng ngành công nghiệp, thậm chí thách thức những ý tưởng lớn và những điều có ý nghĩa đối với con người. Nhiều thành tựu và tiềm năng ứng dụng vô cùng lớn như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), siêu máy tính di động, robot thông minh, xe tự lái, in 3D, công nghệ sinh học, chỉnh sửa di truyền….

Tất cả những cái đó đang diễn ra xung quanh chúng ta với tốc độ cấp số mũ. Chúng mang đến nhiều cơ hội lẫn thách thức cho mọi quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển và mới nổi như Việt Nam. Quốc gia nào có khả năng nắm bắt được các thành tựu và các xu hướng mới mở ra thì sẽ thành công, nhờ đó sẽ rút ngắn khoảng cách hay hội tụ (thuật ngữ mà các nhà kinh tế phát triển thường dùng) với các nước phát triển. Khả năng nắm bắt các thành tựu của cuộc cách mạng mang lại, xét cho cùng, là tùy thuộc vào chất lượng của công dân, là năng lực của con người, là chất lượng nguồn nhân lực. Nếu xem công nghệ là phiên bản 4.0, thì giáo dục cần phải đi trước nữa, phải là giáo dục phiên bản 5.0.

Với ý nghĩa đó, đào tạo nhân lực hiện nay không đơn thuần chỉ là đáp ứng nhu cầu lao động hiện tại cho các doanh nghiệp, mà còn phải có tư duy đi trước một bước, phải tạo dựng trước các nền tảng về lợi thế nhân lực, tức về khả năng lao động, thích ứng và sáng tạo của con người trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế, như một yếu tố then chốt để Việt Nam có thể hiện thực hóa được tầm nhìn 2045 của mình. Trong suốt nhiều kỳ đại hội Đảng, quan điểm xem giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu không hề thay đổi. Chẳng hạn, Nghị quyết Trung ương 3, khóa VII năm 1993 khẳng định: “Khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”. Gần đây, Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI một lần nữa khẳng định: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân”.

Đặc biệt, từ thực tiễn đổi mới và những nút thắt phát triển nảy sinh, Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về nguồn nhân lực. Yêu cầu đặt ra là phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ.

Kết quả còn khiêm tốn

Sau nhiều năm thực hiện đã đạt được một số kết quả quan trọng như Đại hội Đảng XII đã nhận xét, chẳng hạn hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện; mạng lưới giáo dục, đào tạo được mở rộng, quy mô và chất lượng được nâng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội… Các báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ cũng cho thấy các đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về nguồn nhân lực được Chính phủ tập trung chỉ đạo, đạt nhiều kết quả, đóng góp quan trọng cho phát triển đất nước.

Tuy nhiên, để xứng tầm nhận thức giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, phát triển nguồn nhân lực thực sự là một đột phá chiến lược, thì những kết quả mà chúng ta đạt được vẫn còn rất khiêm tốn. Theo Chỉ số Cạnh tranh toàn cầu 4.0 (GCI 4.0) của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chất lượng vốn nhân lực (Human Capital) của Việt Nam đứng ở vị trí khá thấp, trong đó Chỉ số Kỹ năng của nhân lực (Skills) đứng ở vị trí thứ 93/141 quốc gia.

Các báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng cho thấy, lao động Việt Nam thiếu chuyên môn, chưa được đào tạo, các kỹ năng được trang bị không phù hợp với đòi hỏi của thị trường và nhiều lao động phải đào tạo lại. Nhân sự cao cấp của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn khoảng cách khá lớn. Trình độ lao động của Việt Nam còn hạn chế về kỹ năng nghề đang gây khó khăn trong việc tiếp thu ứng dụng, trình độ khoa học - công nghệ khi hội nhập.

Cần có chính sách phù hợp, hiệu quả để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ.

Để phát triển giáo dục, mỗi năm, ngân sách ưu tiên dành một phần khá lớn, tương đương khoảng 20% ngân sách, tức khoảng gần 5% GDP (chưa kể chi của khu vực tư nhân). Xét con số tuyệt đối thì không quá lớn so với nhiều nước, nhưng xét trong khả năng có thể huy động, thì tỷ lệ này tương đương với Malaysia, Philippines, Singapore và cao hơn so với Indonesia, Thái Lan, Lào, Campuchia, thậm chí cao hơn nhiều nếu so với các nước phát triển như Nhật Bản, EU…

Tồn tại nhiều bất cập

Hiệu quả của chi tiêu giáo dục đến nay vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Nhiều nghiên cứu và báo cáo đã chỉ ra bất cập trong cách thiết kế hệ thống phân cấp (phân cấp thiếu đồng bộ, thiếu động cơ khuyến khích và thiếu trách nhiệm giải trình), cũng như công thức phân bổ ngân sách cho giáo dục hiện nay (theo kiểu “chia bánh” như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ từng nói).

Kết quả là, ngân sách bị phân mảnh, phi hiệu quả, trong khi chất lượng giáo dục vẫn chưa được cải thiện căn bản, thậm chí một số tiêu chí đang tụt lại so với nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Hệ thống giáo dục càng lên cao càng thủng nhiều chỗ, thiếu các trường đại học trong các bảng xếp hạng quốc tế, sinh viên ra trường không tìm được việc làm phù hợp với chuyên ngành, bằng cấp không phản ánh đúng chất lượng đào tạo, trình độ và kỹ năng lao động không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Việc thiếu lao động có kỹ năng đã làm cho Việt Nam bỏ lỡ rất nhiều cơ hội thu hút các nhà đầu tư lớn của quốc tế, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) như Apple, Google, Microsoft, Dell, Foxconn, IBM..

Ngược lại với giáo dục, chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ dù tăng nhanh qua các năm, nhưng hiện chỉ chiếm 2% tổng chi ngân sách. Tính chung, tổng chi đầu tư xã hội cho khoa học, công nghệ ước đạt khoảng 1,3% GDP. Chi tiêu nghiên cứu và phát triển của Việt Nam chỉ khoảng 0,5% GDP, trong khi bình quân thế giới là 2,2% GDP, Thái Lan là 1,0%, Singapore là 1,94%, Malaysia 1,44%, Trung Quốc 2,2%, Hàn Quốc lên đến 4,6%, Nhật Bản 3,2%, bình quân các nước EU là 2%. Thế nhưng, điều đáng bận tâm là phần lớn ngân sách chi cho khoa học, công nghệ dành để nuôi bộ máy, thực chi cho đề tài hiệu quả còn ít.

Cần đột phá nâng cao chất lượng

Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm mà Chính phủ đặt ra là cần có chính sách phù hợp, hiệu quả để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Tuy nhiên, để những yêu cầu này không trở thành câu khẩu hiệu lặp lại, đòi hỏi Quốc hội và Chính phủ cần phải có những quyết sách mạnh mẽ và đột phá hơn nữa, phải tạo ra những chuyển biến căn bản về chất trong đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng đồng thời 3 yêu cầu có khả năng lao động, khả năng thích ứng và khả năng sáng tạo.

Cách mạng 4.0 mang lại nhiều cơ hội lẫn thách thức, đó là mất việc làm trong một số ngành công nghiệp truyền thống. Theo một nghiên cứu của ILO, những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là công nhân nhà máy (44%), nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%). Đại học Oxford và Tập đoàn tư vấn McKinsey từng dự báo, 50% công việc tại các nước phát triển sẽ được thay thế bởi các quy trình tự động hóa trong 15 năm tới. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn ở các nước đang phát triển, như Việt Nam, do giá trị gia tăng của lực lượng lao động trong nước hiện rất thấp so với mức trung bình của thế giới.

Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những nước chịu thách thức lớn của khả năng thay thế lao động trong các ngành thâm dụng lao động. Những lợi thế về lực lượng lao động dồi dào và chi phí thấp của Việt Nam trong một số ngày sẽ không còn nữa. Ước tính của ILO cho thấy, có đến 86% lao động trong các ngành dệt may và da giày của Việt Nam có nguy cơ mất việc làm rất lớn trước tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.

Giải Nobel kinh tế năm 2018 được trao cho nhà kinh tế Paul Romer về lý thuyết tăng trưởng nội sinh. Lý thuyết này nhấn mạnh vai trò của vốn con người, đặc biệt, tri thức của con người chính là yếu tố nội sinh của tăng trưởng kinh tế. Các hàm ý chính sách quan trọng từ lý thuyết nội sinh cũng như từ thực tiễn cho thấy, chỉ có cách đầu tư cho giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ mới là khoản đầu tư đáng giá nhất đối với mọi quốc gia.

Cũng cần nói thêm rằng, công cuộc giảm nghèo của Việt Nam sẽ chỉ bền vững khi mỗi người dân có khả năng tự làm chủ kinh tế và sự nghiệp của họ, chứ không phải dựa vào sự trợ cấp của Chính phủ. Để mỗi người dân có thể tự làm chủ, thì vai trò của Nhà nước là trao cho họ môi trường để làm chủ và hành trang là một nền giáo dục và đào tạo tiến bộ để họ có thể trở thành những con người có khả năng lao động, thích ứng và sáng tạo nhất trong cuộc cạnh tranh công dân toàn cầu.

Năm học đặc biệt, mở đầu chặng đường mới của ngành giáo dục
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, ngành giáo dục sẽ phải thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư