Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Gỡ giải ngân vốn đầu tư từ thực tế công trường
Anh Minh - 05/10/2021 20:19
 
Tổ Công tác đặc biệt về thúc đẩy giải ngân của Bộ Giao thông - Vận tải đang khẩn trương rà soát một loạt dự án sử dụng vốn đầu tư công có dấu hiệu chậm tiến độ.

Mới chớm đầu quý IV/2021, nhưng đã có ít nhất 2 lãnh đạo ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phải tiến hành kiểm điểm trách nhiệm do các dự án sử dụng vốn vay ODA tại những đơn vị này phụ trách bị chậm tiến độ thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu, dẫn đến không thể hoàn thành kế hoạch giải ngân đã đăng ký trước đó.

Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, thì đẩy mạnh đầu tư công được đánh giá là yếu tố tiên phong để thúc đẩy tổng cầu xã hội.

Sở dĩ phải dùng từ “ít nhất” là bởi, hiện Tổ Công tác đặc biệt về thúc đẩy giải ngân của Bộ GTVT do đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT làm Tổ trưởng đang khẩn trương rà soát một loạt dự án sử dụng vốn đầu tư công khác có dấu hiệu chậm tiến độ.

Chỉ sau chưa đầy 1 tháng thành lập, Tổ Công tác đặc biệt về thúc đẩy giải ngân của Bộ GTVT đang rà soát thủ tục, kiểm tra hiện trường 9 dự án được giao vốn lớn, tiềm ẩn nguy cơ chậm tiến độ. Trên cơ sở đề xuất của Tổ Công tác, đến nay, Bộ GTVT đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch 6 đợt, với giá trị vốn điều chỉnh 3.965 tỷ đồng. 

Không giống như tình trạng nể nang trước đây, trên cơ sở kiến nghị của Tổ Công tác, Bộ GTVT sẽ lập tức điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ thực hiện, giải ngân tốt, đồng thời sẽ xử lý nghiêm khắc đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Việc dùng “bàn tay sắt” là việc chẳng đặng đừng, nhưng giải pháp này sẽ buộc người đứng đầu các ban quản lý dự án - đơn vị chịu trách nhiệm cao nhất đối với kết quả giải ngân trong ngành giao thông - phải chuyển động. 

Trên thực tế, thay vì ỷ lại cho tư vấn, trong thời gian vừa qua, lãnh đạo các ban quản lý dự án đã phải tăng cường bám sát công trường, thậm chí “cầm tay, chỉ việc” tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu, hay làm việc với các địa phương để gỡ mặt bằng, tìm nguồn cung vật liệu nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, sớm đưa công trình vào khai thác.

Bản thân lãnh đạo Bộ GTVT cũng tối thiểu 2 tuần/lần đi kiểm tra công trường các dự án trọng điểm thuộc phạm vi phụ trách để kịp tháo gỡ các vướng mắc phát sinh, liên tục yêu cầu các cơ quan tham mưu thuộc Bộ chấn chỉnh, chủ động nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác tham mưu, nhất là vai trò của cấp trưởng; quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, người đứng đầu đối với nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công…

Cần phải nói thêm rằng, những biện pháp quyết liệt này đã bước đầu phát huy tác dụng đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT. Đến tháng 9/2021, các dự án của Bộ GTVT đã giải ngân được 26.464 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch. Kết quả giải ngân của Bộ GTVT cao hơn mức giải ngân bình quân chung của cả nước và là một trong 4 đầu mối đáp ứng tiến độ giải ngân theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ là đến hết tháng 9/2021, giải ngân tối thiểu phải đạt 60%.

Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, thì đẩy mạnh đầu tư công được đánh giá là yếu tố tiên phong để thúc đẩy tổng cầu xã hội, góp phần vực dậy thật nhanh nền kinh tế dưới tác động của Covid-19.

Bài học kinh nghiệm của Bộ GTVT cho thấy, việc giải ngân vốn đầu tư công chỉ có thể đạt được kết quả tích cực nếu chủ đầu tư nhận diện được các rủi ro phát sinh trên công trường, qua đó xây dựng được kế hoạch, lộ trình cụ thể để tăng tốc ngay từ đầu năm, nhất là các dự án quan trọng, cấp bách. Đặc biệt là, cần có biện pháp xử lý mạnh tay những trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra (theo từng quý) thông qua việc xem xét kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan.

Bên cạnh đó, phải kịp thời loại bỏ những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trình độ hoặc suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, gây nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc thao túng, chi phối trong quản lý vốn đầu tư công, đấu thầu; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công như thông thầu, gian lận, cản trở, hối lộ, can thiệp bất hợp pháp...

Tinh thần phải quyết liệt như vậy, thì mới có thể thúc đẩy được giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kép, là vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa ổn định, phát triển sản xuất, duy trì tăng trưởng kinh tế mà Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Thủ tướng đốc thúc giải ngân khoản vốn 250 nghìn tỷ đồng
Theo Thủ tướng, còn hơn 50% nguồn vốn đầu tư công phải giải ngân trong 3 tháng cuối năm, đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi nỗ lực, quyết...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư