Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Go-Jek và câu chuyện làm giàu không khó cho người ở “phía đáy kim tự tháp”
Anh Hoa - 02/10/2018 11:46
 
Thông qua ứng dụng Go - Viet, Go - Jek, start-up “tỷ USD” của Indonesia muốn nhân rộng khả năng tiếp cận công nghệ và tạo việc làm cho người nghèo - những người ở “phía đáy kim tự tháp”.

Hiểu tâm lý người Việt

“Tôi đã sử dụng dịch vụ của Go - Viet. Áo đồng phục và mũ của Go - Viet màu đỏ, logo Go - Viet có biểu tượng quốc kỳ Việt Nam. Các tài xế Go - Viet cho biết, họ rất thích chiếc áo này, mặc đi phượt hay đi cổ vũ bóng đá đều được…”, Mai Ngọc Anh, một phượt thủ yêu thích công nghệ nói. Anh đang tính cách “làm giàu không khó” khi có dịch vụ vận chuyển hành khách trên nền tảng 4.0, sau khi tìm hiểu “cơ chế” chi trả cho lái xe của Go - Viet.

Với sự có mặt của Go-Viet tại thị trường Việt Nam, khách hàng có thêm sự lựa chọn đối với dịch vụ gọi xe công nghệ
Với sự có mặt của Go-Viet tại thị trường Việt Nam, khách hàng có thêm sự lựa chọn đối với dịch vụ gọi xe công nghệ

Mai Ngọc Anh cho biết, Go - Viet cũng dùng tiền thưởng để “câu” lái xe như Uber và Grab những ngày đầu vào Việt Nam. Công ty trả 45.000 đồng/cuốc dưới 6 km, lái xe chạy được 10 cuốc thì được thưởng 200.000 đồng.

“Tính ra, ngày chạy 10 cuốc là được 650.000 đồng, 1 tháng sẽ được gần 20 triệu đồng”, Ngọc Anh nhẩm tính.

Có Go - Viet, Grab và các ứng dụng khác cũng phải “bung” khuyến mại để giữ lái xe, kéo khách hàng. Khi thị trường có thêm đối thủ cạnh tranh, khách hàng sẽ là người hưởng lợi.

Trong khi Grab nhắm đến những người dùng Grabpay để tập trung cho chiến lược đầu tư vào công ty công nghệ tài chính (fintech), thì Go - Viet cho dùng tiền mặt, đúng như cách Grab đã làm lúc mới vào thị trường Việt Nam. Bởi ở Việt Nam, người tiêu dùng vẫn thích dùng tiền mặt hơn (tỷ lệ dùng tiền mặt nhiều hơn dùng ví điện tử/thẻ visa...).

“Go - Viet còn hỗ trợ lái xe làm thẻ VietinBank miễn phí. Cứ đến 23h59’ hàng ngày là tiền trong ví điện tử tự chuyển vào thẻ. Tôi sẽ chạy Go - Viet để thêm thu nhập”, Ngọc Anh nói. 

Giới trẻ ASEAN hiện rất lạc quan về tác động của công nghệ tới khả năng tìm kiếm việc làm và cải thiện thu nhập. Kết quả cuộc khảo sát đối với giới trẻ ASEAN về tác động của công nghệ tới việc làm do Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 cho thấy, 52% trong số những người dưới độ tuổi 35 tại Đông Nam Á tin rằng, công nghệ sẽ mở ra cơ hội việc làm mới; 67% tin rằng, công nghệ sẽ giúp họ cải thiện thu nhập.

Ứng dụng gọi xe Go - Viet bắt đầu hoạt động tại TP.HCM vào tháng 8/2018. Ngay khi khởi động, ứng dụng này đã tung ra các chiến dịch khuyến mãi để thu hút khách hàng và tài xế. Các chương trình khuyến mãi 5.000 đồng, 8.000 đồng cho khách hàng tại TP.HCM của Go - Việt đã khiến cho đối thủ chính là Grab đứng ngồi không yên và phải đưa ra những chương trình giảm giá sâu. Có thời điểm, mức giá GrabBike xuống còn 3.000 đồng cho 5 km đầu tiên. Đây là đợt giảm giá mạnh nhất của Grab kể từ khi Uber rút khỏi Đông Nam Á. 

Nhân rộng khả năng tiếp cận công nghệ của người nghèo

Không hổ danh là niềm tự hào start-up của Indonesia, bắt đầu từ con số không, nhưng chỉ sau 3 năm hoạt động, Go - Jek đã trở thành “người hùng”. 

Xuất hiện tại lễ ra mắt Go - Việt ở Hà Nội, Nadiem Makarim, sáng lập và CEO của Go - Jek không ngần ngại tuyên bố, chỉ sau hơn 1 tháng có mặt tại Việt Nam, Go - Viet đã có 1,5 triệu lượt tải ứng dụng và nắm trong tay 35% thị phần xe ôm công nghệ tại TP.HCM. 

Đúng như những gì vị CEO 34 tuổi này nói tại phiên thảo luận về cách thức giảm bất bình đẳng trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018, rằng người nghèo có thể cải thiện cuộc sống nếu họ có cơ hội được tiếp cận những chiếc điện thoại thông minh, với mức giá chỉ 15 - 30 USD/chiếc. 

Go-Jek rất chú trọng hoạt động để những người ở “phía đáy kim tự tháp” có cơ hội với công nghệ. Bằng chứng, những người người dân muốn trở thành lái xe công nghệ với Go-Jek, cứ có smartphone (điện thoại thông minh), thông qua sự can thiệp của chính phủ hay đồng hành của doanh nghiệp, họ có thể được tiếp cận dịch vụ tài chính, sản phẩm giá rẻ. 

“Đừng xem nhẹ giá trị của những chiếc điện thoại cũng như khả năng tiếp cận của người nghèo. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra với nhiều dự báo rằng, sẽ có nhiều người hơn nữa bị tụt lại phía sau”, Nadiem Makarim nói.

CEO Go - Jek khẳng định, với dịch vụ xe ôm công nghệ, Go - Jek đã tạo công ăn, việc làm cho nhiều người nghèo. Không những thế, anh còn tự hào vì công nghệ số đã khuyến khích nhiều phụ nữ Indonesia tham gia khởi nghiệp và thành đạt cũng như hòa nhập xã hội.

Nadiem Makarim muốn nhân rộng khả năng tiếp cận của người nghèo sang các thị trường Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Singapore. 

Để thực hiện chiến lược địa phương hóa, Go - Jek sẽ tạo dựng thương hiệu riêng tại Thái Lan và Việt Nam bằng những cái tên ứng dụng tương ứng là Get và Go - Viet, đồng thời tiến hành tuyển dụng các nhóm nhân sự riêng biệt ngay tại chính các quốc gia này. 

“Chúng tôi có chung một tầm nhìn”, Nguyễn Vũ Đức, đồng sáng lập, kiêm CEO Go - Viet cho biết.

Tham vọng

Ngoại trừ mảng vận tải, start-up tỷ USD của Indonesia đang “cực kỳ gần” với mức có lãi trên tất cả các mặt trận và kỳ vọng sẽ có lãi hoàn toàn trong vài năm tới.

Ra đời năm 2011 tại Jakarta (Indonesia), Go - Jek phát triển từ dịch vụ gọi xe thành “ứng dụng 1 stop”, cho phép khách hàng thực hiện thanh toán trực tuyến và đặt mọi thứ, từ thực phẩm, rau củ đến dịch vụ massage. Năm 2015, Go - Jek ra mắt ứng dụng gọi xe trực tuyến. 

Go - Jek hiện có nguồn vốn vững chắc từ các nhà đầu tư và đang nhắm tới mục tiêu mở rộng nhanh chóng. Sau vòng gọi vốn thành công số tiền 1,5 tỷ USD từ các nhà đầu tư lớn như Google, JD, Tencent, Temasek, Go - Jek sẽ rót 500 triệu USD để mở rộng hoạt động sang Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Singapore. Trong đó, Việt Nam dự kiến là thị trường được rót vốn nhiều nhất trong kế hoạch này (khoảng 150 triệu USD). Start-up này còn đang chuẩn bị cho đợt gọi vốn tiếp theo với quy mô lên tới 2 tỷ USD.

Dự kiến, trong 4 tháng tới, Go - Viet sẽ triển khai 4 dịch vụ lõi của doanh nghiệp là: GoCar (dịch vụ gọi ô tô), GoBike (dịch vụ gọi xe 2 bánh), GoFood (gọi đồ ăn) và GoPay (ví điện tử). Các dịch vụ khác như: đi chợ hộ, gọi người giúp việc, gọi dịch vụ làm đẹp sẽ được triển khai trong tương lai, tùy vào nhu cầu của thị trường Việt Nam.

Tổng giá trị giao dịch của dịch vụ gọi xe tại Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng lên mức 20,1 tỷ USD vào năm 2025, từ mức 5,1 tỷ USD trong năm 2017.

Kế hoạch mở rộng của Go - Jek đến vào thời điểm Grab đang gây vốn để mở rộng sang Indonesia và chuyển mình thành công ty công nghệ tiêu dùng, khởi đầu là việc hợp tác với ứng dụng bán hàng tạp hóa trực tuyến HappyFresh.

Công ty TNHH Go-Viet gồm 3 cổ đông chính là Go-Jek (Indonesia) và 2 cá nhân người Việt Nam. Trong đó, Go-Jek đảm nhận vai trò cung cấp kỹ thuật, tài chính để triển khai, các cá nhân Việt Nam sẽ tuyển dụng, vận hành và phát triển các ứng dụng tại Việt Nam.

Phía Grab khẳng định, họ không mất thị phần gọi xe ở TP.HCM kể từ tháng 8, khi Go - Jek đặt chân đến, nhưng từ chối cung cấp dữ liệu chi tiết.

Nadiem Makarim xác định, lĩnh vực vận chuyển đồ ăn là mảng kinh doanh chính của Go - Jek và tin hiểu biết của Go - Jek về buôn bán thực phẩm sẽ tạo lợi thế cho họ để vượt qua Grab. 

Go - Jek đang hợp tác với Google về nền tảng di động, hợp tác với Tencent về chiến dịch thanh toán, hợp tác với JD.com về hoạt động logistics và hợp tác với Meituan Dianping về vận chuyển, giao dịch hàng hóa. 

Động thái này đẩy Go - Jek vào thế đối đầu trực tiếp với Grab, nhưng áp lực cạnh tranh với người bạn thân từng học cùng tại Đại học Havard (Mỹ) - Anthony Tan, CEO Grap, khiến Nadiem Makarim tiến về phía trước một cách mạnh mẽ hơn.

Thay vì nhìn nhận Grab hay các công ty gọi xe công nghệ khác là đối thủ, Nadiem Makarim cho rằng, đối thủ thật sự của Công ty là những phương thức hoạt động cũ, tư duy lối mòn đang ngăn chặn sự phát triển.

Nadiem Makarim hy vọng, sự thành công của Go - Jek sẽ là động lực cho các doanh nghiệp ở Indonesia và khu vực hành động để chứng minh, sức mạnh của công nghệ có thể phá vỡ hiện trạng và cải thiện cuộc sống.

“Chúng tôi mới chỉ khai phá một góc nhỏ của tiềm năng to lớn mà thị trường công nghệ có thể mang lại cho khu vực châu Á. Hy vọng trong 10 hoặc 20 năm nữa, Go - Jek sẽ được nhắc đến với tư cách chứng minh công nghệ thực sự là chìa khóa để mở cửa một nền kinh tế và khiến nó có những bước tiến nhảy vọt vào giai đoạn tiếp theo của tiến hóa xã hội”, Makarim nhấn mạnh.

Go Viet chiếm 35% thị phần chỉ sau 6 tuần ra mắt
Chiều nay 12/9/2018, Thương hiệu ứng dụng vận chuyển công nghệ Go Viet đã chính thức ra mắt “Hệ sinh thái Go Viet” tại Việt Nam thông qua chương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư