Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 01 năm 2025,
Gỡ khó dòng tiền từ tài trợ chuỗi cung ứng
Như Loan - 20/03/2023 07:37
 
Ngày 17/3/2023, Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC và Công ty TNHH Tài chính số IFPC đồng tổ chức Hội thảo “Tài trợ chuỗi cung ứng đối với Fintech: Cơ hội và thách thức trong nền kinh tế số”.

Khó tiếp cận vốn

Một trong các thách thức chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam là khả năng tiếp cận tài chính và các nguồn vốn lưu động. Tỷ lệ doanh nghiệp có thể tiếp cận tài chính chỉ là 30%. Trong khi, 70% còn lại khó hoặc không thể tiếp cận. Con số đáng chú ý trên được ghi nhận theo nguồn dữ liệu của Tổng cục Thống kê và được Chuyên gia chương trình Tài trợ Chuỗi Cung ứng tại Việt Nam, Tổ chức tài chính Quốc tế IFC nhấn mạnh lại tại hội thảo “Tài trợ chuỗi cung ứng đối với Fintech: Cơ hội và thách thức trong nền kinh tế số” tại TP. Hồ Chí Minh mới đây.

Đại diện IFC chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như việc thiếu tài sản bảo đảm, không có đất đai nhà cửa mà chỉ có các khoản phải thu, hàng hóa luân chuyển trong kinh doanh hay các động sản khác, sự thiếu tính minh bạch về tài chính kế toán, phương án kinh doanh còn chưa khả thi… Từ phía các nhà cung cấp giải pháp tài chính, trên thực tế, thị trường cũng đang thiếu các dịch vụ tài chính phù hợp cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các định chế tài chính còn chưa đa dạng hóa sản phẩm cung cấp.

Tại Việt Nam, tỷ lệ dư nợ tín dụng có tài sản bảo đảm là động sản (thường là khoản phải thu và hàng hóa) vẫn ở mức thấp dù đang dần tăng – chiếm tỷ trọng khoảng 30%. Trong khi đó, hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng đã được hình thành và hoạt động phổ biến ở nhiều nước phát triển hơn 20 năm qua nhưng vẫn chưa được chú trọng và tập trung phát triển ở thị trường Việt Nam. Theo đại diện của IFC, đây cũng chính là vấn đề khiến IFC trăn trở và ra quyết định ký kết hợp tác toàn diện với Công ty TNHH Tài chính Số IFPC, một đại diện tiên phong trong lĩnh vực tài trợ chuỗi cung ứng trên nền tảng số, vào hồi tháng 11/2022 để thúc đẩy mảng tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam.



Gỡ khó bằng giải pháp tài trợ chuỗi cung ứng trên nền tảng số

Bài toán vốn là hạn chế lớn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi dòng tiền phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh còn yếu, khó huy động nguồn vốn từ ngân hàng. Tuy nhiên, thường xuyên có một lượng vốn không nhỏ của các doanh nghiệp này bị “đóng băng” như các khoản phải thu khách hàng chưa đến hạn thanh toán theo thỏa thuận giữa các bên. Giải pháp tối ưu nhất để tận dụng nguồn vốn bị tạm “chiếm dụng” trên là sử dụng giải pháp tài trợ chuỗi cung ứng.

Theo ông Huỳnh Minh Việt - Tổng Giám Đốc IFPC, các nhà cung cấp có thể cải thiện hiệu quả sử dụng vốn lưu động (giảm vòng quay khoản phải thu) bằng cách nhận thanh toán sớm hơn so với thời điểm người mua thanh toán theo lịch. Bên cạnh đó, người mua cũng có thể cải thiện hiệu quả sử dụng vốn lưu động khi kéo dài số ngày phải trả (DPO), khi các nhà cung cấp trong chuỗi đã được tài trợ thanh toán sớm.

Giải pháp tài chính trên càng quan trọng hơn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn lưu động hoặc vay vốn ngân hàng. Hiểu rõ được vai trò của mình, các đơn vị như IFPC sẽ đứng trung gian cung cấp giải pháp tài chính giải quyết bài toán vốn lưu động giữa bên mua – bên bán trong chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa IFPC và nhiều tổ chức tài chính khác là Công nghệ Số. Quy trình tiếp nhận hồ sơ nhanh, ký kết hoàn toàn điện tử 100%. Để thực hiện tài trợ dựa trên khoản phải thu, người mua xác nhận khoản phải trả trên hệ thống IFPC, sau khi thông tin được cập nhật trên hệ thống, nhà cung cấp sẽ nhìn thấy thông tin khoản phải thu và đặt lệnh online trên IFPC để thực hiện giao dịch. Sau khi các giao dịch được ký kết (hoàn toàn trực tuyến), IFPC chuyển tiền thanh toán cho nhà cung cấp. Toàn bộ quá trình giao dịch và giải ngân chỉ diễn ra nhanh chóng trong vòng 3 -5h làm việc.

Công ty Cổ phần Hóa chất & Xơ sợi Maruni, một doanh nghiệp hoạt động sản xuất giấy, bột giấy, sợi dệt vải và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, vào tháng 5/2021 đã trở thành một trong những đối tác bên mua đầu tiên tham gia sử dụng dịch vụ của IFPC. Với vai trò bên mua hàng, doanh nghiệp nhận thấy những lợi ích như nới rộng thêm chu kỳ thanh toán trong trường hợp cần thiết, hỗ trợ cho đối tác nhà cung cấp có khoản thanh toán sớm, đồng thời, các nhà cung cấp trong chuỗi cũng rất hài lòng khi có một đơn vị thứ ba hỗ trợ vốn lưu động, đảm bảo chuỗi cung ứng hoạt động hiệu quả.

Một khách hàng khác của IFPC là Công ty TNHH Hydro-Tek Việt Nam, một công ty chuyên mua bán thiết bị khí nén, thủy lực, cũng đã gia nhập IFPC từ tháng 01/2022 với vai trò nhà cung cấp trong chuỗi. Việc đưa thêm các bên mua sử dụng dịch vụ IFPC qua hình thức xác nhận công nợ là Công ty TNHH Takako Việt Nam (tháng 1/2022) và Công ty TNHH Lốp Kumho Việt Nam (tháng 7/2022), doanh nghiệp đã phát triển kinh doanh vượt bậc nhờ vòng quay vốn lưu động được tài trợ bởi IFPC.

Cũng theo ông Phạm Đỗ Nhật Vinh – Thành viên Điều hành, Trưởng Khối Tư vấn Ngành Tài chính – Ngân hàng thuộc KPMG Việt Nam, một trong các xu hướng chủ đạo thời gian tới là các mô hình hợp tác nhằm mở rộng dải sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực fintech. Việc các ngân hàng mua lại và hợp tác với fintech cũng giúp mở rộng sản phẩm, dịch vụ và phục vụ mục tiêu tiếp cận các phân khúc khách hàng cũng phổ biến trên toàn cầu. Các fintech như IFPC đóng vai trò như cánh tay nối dài vươn rộng đến mạng lưới khách hàng, giải quyết bài toán vốn của các doanh nghiệp, càng cần thiết hơn trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện tại.

“Chen chân” được vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp Việt vẫn gặp khó
Đa phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam vẫn gặp khó khăn khi đã “chen chân” vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi các cơ chế chính sách...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư