Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Gỡ lực cản để thẩm thấu các khoản đầu tư lớn sắp đổ vào Việt Nam
Hồng Phúc - 24/11/2020 19:40
 
Để thẩm thấu vốn đầu tư nước ngoài chảy vào, ngoài nỗ lực chỉnh sửa các Luật liên quan từ cấp Trung ương, các nhà đầu đầu tư còn kỳ vọng vào khả năng thực thi tại các địa phương.
TIN LIÊN QUAN

Tại Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2020 được tổ chức chiều nay tại TP.HCM, ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham quan ngại về cách thức để Việt Nam có thể “thẩm thấu” được hết các khoản đầu tư lớn sẽ và sắp đổ vào?

Cùng với đó, khả năng thực thi cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh không thể chỉ trông chờ từ Trung ương mà còn cần đến năng lực của đội ngũ cán bộ tại địa phương.

Chia sẻ quan ngại của Chủ tịch EuroCham, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năng lực của cán bộ địa phương, trong đó có Sở Kế hoạch Đầu tư tại tỉnh, thành là không giống nhau. 

Những địa phương đã có nhiều nhà đầu tư rót vốn vào (như TP.HCM là một ví dụ) thì cán bộ cấp Sở có kiến thức, kinh nghiệm năng lực liên quan cao hơn. 

“Tôi nhận được một số báo cáo của các địa phương cho thấy, họ đang rất quyết tâm nâng cao chất lượng, năng lực trong công tác chuyên môn. Bởi tất cả ý thức được rằng, từ năm 2021, Việt Nam buộc phải nâng cao năng lực chính bản thân mình, đáp ứng yêu cầu thu hút nhà đầu tư cả về số lượng lẫn chất lượng”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói và cho biết, nguồn nhân lực là một trong những đột phá quan trọng trong đường hướng phát triển của Việt Nam, khi vấn đề này cũng được nêu trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. 

.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ tại Diễn đàn

Trong nỗ lực không ngừng nghỉ để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ Việt Nam đã đặt cải cách thể chế là một trong những ưu tiên hàng đầu. 

Hàng loạt dự luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh đã được sửa đổi, bổ sung như từ 01/01/2021, Luật Chứng khoán, Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư sửa đổi sẽ đồng loạt có hiệu lực. 

Thêm vào đó, hàng năm tại Việt Nam còn có đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành về chất lượng điều hành kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh).

Chỉ số này được xây dựng từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp hàng năm có quy mô lớn nhất, thực hiện một cách công phu nhất tại Việt Nam hiện nay.

Đây cũng là “tập hợp tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về môi trường kinh doanh tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.

“Chỉ số này được đánh giá theo phương pháp thực tế từ tiếng nói của nhà đầu tư chứ không phải cơ quan Nhà nước.

Đây cũng là điểm tích cực của môi trường kinh doanh nên được ghi nhận. Cùng với đó, việc chấm điểm không dừng ở mức độ so sánh giữa các tỉnh mà còn giữa các Sở trong tỉnh với nhau”, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương chia sẻ.

 Hiệp định thương mại tự do EU- Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ góp phần kéo luồng vốn đầu tư từ doanh nghiệp châu Âu đến Việt Nam, bên cạnh những nhà đầu tư đến từ Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. 

Ngoài vốn đầu tư, chính các nhà đầu tư ngoại cũng tạo nên sức ép, buộc doanh nghiệp Việt phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh để trước hết, có thể đứng vững tại thị trường nội địa. 

Dẫn đầu các thương vụ M&A tại Việt Nam trong năm 2019 là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. 

Điển hình như thương vụ Tập đoàn SK Group (HQ) đã  đầu tư khoảng 1 tỷ USD để trở thành cổ đông ngoại lớn nhất nắm 6,1% cổ phần Vingroup. Trước đó, SK Group cũng chi 470 triệu USD để mua lại cổ phần của Masan Group. 

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập khiến các nhà đầu tư e ngại khi đầu tư vào Việt Nam dưới hình thức M&A.

Ông Phạm Duy Khương, Giám đốc điều hành Công ty Luật ASL Law lấy dẫn chứng từ các quy định pháp luật về M&A còn nằm rải rác và chồng chéo trong các văn bản pháp luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Cạnh tranh. 

Bên cạnh đó, một số quy định chưa rõ ràng của Luật Cạnh tranh được cho là rào cản cho việc thực hiện các thương vụ M&A tại Việt Nam. 

Đặc biệt, các thương vụ nhằm nắm giữa từ 30-50% thị phần trong một “thị trường liên quan” phải được thông báo cho Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ công thương). Các giao dịch dẫn đến thị phần kết hợp trên 50% bị cấm (trừ một số trường hợp nhất định).

Tuy nhiên, “thị trường liên quan” là gì chính là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. 

Mặc dù thị trường liên quan được quy định trong Luật cạnh tranh, được xác định trên cơ sở thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan nhưng trên thực tế, rất khó xác định được hai yếu tố cấu thành của thị trường liên quan. 

Và quyết định của các cơ quan chức năng còn rất chủ quan khiến các nhà đầu tư phải đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn trong các thương vụ M&A. 

.
Các thương vụ mua lại, thâu tóm đáng chú ý từ quý II/2019 đến nay.

Cùng với đó, thông tin về doanh nghiệp mà nhà đầu tư hướng tới còn rất hạn chế và không có công cụ tìm kiếm hữu ích với nguồn dữ liệu đáng tin cậy để nhà đầu tư có thể thu nhập thông tin. 

Ông Phạm Duy Khương cho rằng, các công ty muốn được sáp nhập hoặc bán thường che giấu thông tin kinh doanh bất lợi, các khoản nợ hoặc các tranh chấp, kiện tụng, khiến nhà đầu tư gặp nhiều rủi ro khi không nắm được thông tin từ phía công ty mà họ dự định đầu tư. 

Thêm vào đó, thủ tục phê duyệt các giao dịch M&A tại Việt Nam cũng khá dài, khi hầu hết các giao dịch cần phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư