Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 10 tháng 12 năm 2024,
Gỡ nút thắt cuối trong điều chỉnh tuyến metro số 2 Hà Nội
Anh Minh - 12/11/2024 15:41
 
Lộ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư đã kéo dài tới 4 năm của Dự án đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sắp kết thúc để chuyển sang giai đoạn triển khai.
Ảnh minh hoạ



Ba nội dung rà soát

Sau khoảng 2 tháng rà soát, giữa tuần trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 9173/BKHĐT- GSTĐĐT gửi lãnh đạo Chính phủ làm rõ những mắc mứu cuối cùng liên quan đến hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội, tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Dự án metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo).

Văn bản này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát hành sau khi tự rà soát các quy định hiện hành, tổng hợp ý kiến của Bộ Tư pháp, UBND TP. Hà Nội và các bộ, ngành liên quan.

Dự án metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 1/2008. Đến tháng 10/2020, UBND TP. Hà Nội trình Thủ tướng xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án. Sau 4 năm tiến hành các thủ tục cần thiết, đầu tháng 8/2024, UBND TP. Hà Nội tiếp tục có Tờ trình số 275/TTr-UBND đề nghị Thủ tướng xem xét quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.

Trước đó, cuối tháng 8/2024, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu Bộ Tư pháp nghiên cứu, có ý kiến bằng văn bản về hồ sơ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, trong đó làm rõ cơ sở pháp lý và thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư; thẩm quyền cho phép bố trí vốn qua 3 thời kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Dự án; sự cần thiết, cơ sở pháp lý, thời điểm và quy trình, thủ tục báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Trên cơ sở ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hà Nội và các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp báo cáo Thủ tướng điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án”, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn chỉ đạo.

Được biết, đây chính là 3 vướng mắc cuối cùng để có thể khép lại lộ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư đã kéo dài tới 4 năm của dự án này.

Trong Công văn số 9173/BKHĐT- GSTĐĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, Dự án trước khi điều chỉnh là dự án nhóm A, đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào Danh mục Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Nhật Bản vào tháng 8/2007 và được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 1/2008. “Vì vậy, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm.

Minh định

Liên quan tới thời điểm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc lựa chọn điều kiện vay đặc biệt dành cho đối tác kinh tế cho Dự án metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Cụ thể, sau khi Dự án được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, UBND TP. Hà Nội sẽ báo cáo Chính phủ để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.

Liên quan đến việc bố trí vốn qua 3 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Luật Đầu tư công quy định, khả năng cân đối nguồn vốn chỉ có thể thực hiện theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, phần chuyển sang giai đoạn sau không quá 20% kế hoạch đầu tư công giai đoạn trước.

Dự án dự kiến kéo dài 15 năm, qua 3 thời kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhưng việc cân đối nguồn vốn cho giai đoạn thứ 3 chưa có quy định.

Tuy nhiên, theo khoản 3, Điều 104, Nghị định số 29/2021/NĐ-CP về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư quy định, dự án đang trong quá trình thực hiện mà có sự thay đổi dẫn đến dự án đó thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, thì các dự án đó được tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, điều chỉnh dự án được thực hiện theo quy định pháp luật tại thời điểm điều chỉnh dự án như đối với dự án hoặc nhóm dự án trước khi điều chỉnh; người quyết định đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình triển khai thực hiện dự án, trong đó có vấn đề phát sinh tiêu chí thuộc dự án quan trọng quốc gia.

“Trên cơ sở đó, tại Tờ trình số 275/TTr-UBND ngày 12/8/2024, UBND TP. Hà Nội đã đề xuất báo cáo Thủ tướng cho phép thực hiện và báo cáo nội dung này khi báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện Dự án vào kỳ họp cuối năm theo quy định tại Điều 104, Nghị định số 29/2021/NĐ-CP”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Hà Nội: Đề xuất tăng hơn 16.000 tỷ đồng làm metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo
Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đề xuất tăng tổng mức đầu tư dự án metro Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo lên 35.679 tỷ đồng, tăng 16.124...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư