Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Tiêu điểm ngân hàng tuần qua
Gỡ pháp lý cho fintech; Nới điều kiện vay bất động sản; Tỷ giá quay đầu vào cuối năm 2023
Thùy Liên - 27/08/2023 10:37
 
Lùi một số quy định của Thông tư 06/2023/TT-NHNN, lo nợ xấu dềnh lên, HoREA kiến nghị ngân hàng được mua trái phiếu phát hành để đảo nợ, gỡ pháp lý cho fintech, dự báo tỷ giá cuối năm... là tiêu điểm ngân hàng tuần qua.

Nới điều kiện vay bất động sản, ngân hàng lo nợ xấu dềnh lên

Loạt ngân hàng Big 4 đồng loạt hạ lãi suất huy động nhằm lấy thêm dư địa giảm lãi vay, trong khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải lùi thời hạn thực hiện một số quy định trong Thông tư 06/2023/TT-NHNN...

Từ ngày 23/8, nhóm ngân hàng Big 4 hạ thêm 0,3 - 0,5% lãi suất huy động ở các kỳ hạn, mở đường cho các đợt giảm lãi suất cho vay tới đây. Hiện lãi suất cho vay trung hạn ở một số ngân hàng chỉ còn từ 8%/năm, giảm 2 - 4% so với đầu năm.

Lãi suất đang giảm, tín dụng với doanh nghiệp bất động sản cũng tăng trưởng khá tốt. Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), dư nợ kinh doanh bất động sản 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng (17,41%) vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%). Tuy nhiên, tổng dư nợ cho vay bất động sản vẫn tăng thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân toàn hệ thống, do dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản (chiếm đến 65% dư nợ tín dụng bất động sản) lại giảm 1,12%.

Số liệu trên cho thấy, tiếp cận vốn của doanh nghiệp bất động sản năm nay tốt hơn năm ngoái, song người dân lại “chê” vay mua nhà.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Viết Chiến, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thừa nhận, doanh nghiệp bất động sản luôn khát vốn, song khó khăn nhất hiện nay là pháp lý. Quy trình, thủ tục hành chính, thực thi các văn bản pháp luật có sự chồng chéo, “đúng luật này, không đúng luật kia”.

Dù Chính phủ đã thấy rõ vấn đề và có những chỉ đạo quyết liệt để các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, song vẫn còn 3 vướng mắc lớn: tính thực thi của nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn kém (kể cả văn bản mới ban hành); có sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật; một số loại hình bất động sản mới ra đời nhưng chưa được định danh (như căn hộ condotel, farmstay, orestay…). 

“Có thể nói, rào cản lớn nhất cần tháo gỡ hiện nay là khâu pháp lý. Theo thống kê hiện nay, 70% vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp là vấn đề pháp lý. Ngay cả khi doanh nghiệp có vốn trong tay, nhưng vướng quy định pháp luật, thì sẽ không triển khai được Dự án. Điều này làm nản lòng các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản và khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội”, ông Chiến cho biết.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho hay, điểm chung của khủng hoảng ngân hàng ở châu Á trước đây cũng như ở Mỹ hiện nay là xuất phát từ hai nguyên nhân chính: các ngân hàng nới lỏng điều kiện cấp tín dụng, cho vay sân sau, quá tập trung vào tín dụng bất động sản; khâu thanh tra giám sát không chặt. Ở Việt Nam hiện nay, vừa yêu cầu tín dụng hỗ trợ tăng trưởng, phát triển thị trường bất động sản, vừa giám sát chặt chẽ an toàn hệ thống là điều rất khó.

Trước sức ép của doanh nghiệp, có khả năng, NHNN phải lùi thời hạn thực hiện Thông tư 06/2023/TT-NHNN (quy định cấm cho vay một loạt mục đích). Tuy vậy, theo GS-TS. Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP.HCM), với các quy định liên quan đến đủ mọi thứ rủi ro mang tính hệ thống như lĩnh vực ngân hàng, thì chân lý không hẳn thuộc về số đông.

GS-TS. Trần Ngọc Thơ cho rằng, rất khó tìm được điểm cân bằng phù hợp với mục tiêu vừa không cản trở phát triển thị trường bất động sản, vừa thỏa mãn mục tiêu ổn định hệ thống tài chính, vừa ổn định vĩ mô, vừa kiểm soát lạm phát… Và nếu điểm cân bằng xấu, hiện tượng rút tiền hàng loạt xảy ra, việc giải cứu lúc đó phải trả giá lớn hơn rất nhiều.

Thực tế, nợ xấu tín dụng bất động sản đang tăng lên. Theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản vào cuối tháng 6/2022 là 1,53%, cuối tháng 6/2023 đã lên tới 2,47%.

Theo Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, các ngân hàng thương mại cũng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu hạ điều kiện tín dụng ồ ạt, thì chất lượng tín dụng xuống thấp, nợ xấu tăng cao. Trong khi đó, “cục máu đông” nợ xấu từ năm 2011 đến nay mới tạm xử lý xong. Nếu các khoản nợ xấu tăng lên, vòng luẩn quẩn là xử lý nợ xấu sẽ lặp lại, tạo sự ách tắc nguồn vốn trong nền kinh tế và những khó khăn chung.

Fintech cho vay sắp thoát khỏi “vùng xám” pháp lý

 Dự kiến, Nghị định về sandbox được ban hành trong quý III/2023 và các thông tư hướng dẫn sẽ được ban hành đầu năm 2024, giúp các fintech trong lĩnh vực cho vay online thoát khỏi rủi ro pháp lý hiện nay.

 Dân số khoảng 100 triệu người, độ tuổi trung bình trẻ (33,7 tuổi), Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có ngành tài chính tiêu dùng tiềm năng. Tính đến cuối năm 2022, thị trường có 16 công ty tài chính và nhiều công ty fintech cho vay online, phục vụ các đối tượng yếu thế trong xã hội, khó có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng (người lao động thu nhập thấp, không ổn định, sinh viên…).

Trong những năm qua, các fintech cho vay cùng với các công ty tài chính và ngân hàng đã góp phần đẩy lùi tín dụng đen, kích thích sản xuất tiêu dùng phát triển. Mặc dù vậy, thị trường cho vay tiêu dùng vẫn trong cảnh trắng đen lẫn lộn, nhiều fintech cho vay bị đánh đồng với tín dụng đen. Điều này một phần do nhiều tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động cho vay và đòi nợ khủng bố, một phần do khung pháp lý về cho vay online chưa hoàn thiện. Đây là lý do khiến thời gian qua, nhiều fintech cho vay phải cắt giảm tới 50% nhân sự, nợ xấu tăng 30%, buộc đứng trước hai lựa chọn lưỡng nan: Đóng cửa hoặc hoạt động một cách không chính thức với nhiều rủi ro về mặt pháp lý.

Trao đổi với Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, lãnh đạo một fintech trong lĩnh vực cho vay cho hay, hiện giải ngân mới của công ty đã giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, nợ khó đòi tăng lên.

“Chúng tôi đang trong tình thế rời khỏi thị trường bất kỳ lúc nào, bởi không nhìn thấy được triển vọng phát triển”, vị lãnh đạo này cho biết.

Hiện nay, tiêu dùng được xác định là một trong 3 động lực phục hồi kinh tế, song cho vay tiêu dùng lại đang chịu áp lực suy giảm nặng nề sau các động thái thanh tra, kiểm tra của cơ quan công an.

Mặc dù có những mặt trái cần chấn chỉnh, song không thể phủ nhận hoạt động cho vay của các công ty tài chính, fintech… thời gian qua đã giúp hàng chục triệu người dân dễ dàng tiếp cận tín dụng hơn với quy trình cho vay đơn giản, không cần tài sản thế chấp, qua đó nâng cao chất lượng đời sống, thực hiện đẩy lùi “tín dụng đen. Việc thiếu hành lang pháp lý không chỉ khiến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này gặp rủi ro mà khiến cho các nhà đầu tư cũng bị vạ lây. Hàng loạt mô hình P2P đổ vỡ do thiếu pháp lý thời gian qua (VO247, Fiin Credit…) là ví dụ điển hình.

Theo các chuyên gia kinh tế, fintech cho vay  đứng trước hai rủi ro lớn nhất là rủi ro pháp lý và rủi ro tín dụng. Về rủi ro pháp lý, hiện nay, Việt Nam chưa có khung khổ pháp lý điều chỉnh, thiếu sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp hoạt động trong vùng xám pháp lý và khách hàng không được bảo vệ quyền lợi thỏa đáng. Chính vì rủi ro pháp lý dẫn tới rủi ro tín dụng.

Đáng tiếc, dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (sandbox) trình Chính phủ cách đây nhiều năm nhưng vẫn chưa được ban hành.

Trao đổi với Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI cho rằng: “Không khuyến khích cho vay tiêu dùng thì làm sao kinh tế tăng trưởng được. Theo tôi, mô hình fintech cho vay rất cần có cái nhìn cởi mở hơn, cho phép thử nghiệm rộng rãi, không nên quản chặt quá. Chúng ta không thể coi fintech cho vay như một ngân hàng, song cũng không thể để hoạt động tự do, nên cần có sandbox để điều chỉnh dần. Đáng tiếc là đã 3 - 4 năm rồi mà sandbox vẫn chưa được ban hành”.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, Nghị định về sandbox đã được Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ khoảng 2 năm nay. Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ là Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện trình Chính phủ trong tháng 8/2023.

“Chúng tôi cũng sẽ phấn đấu trình Chính phủ trong tháng 8/2023. Nếu như trong quý III/2023 này, Nghị định này được Chính phủ ký ban hành, ngay lập tức Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành các thông tư hướng dẫn liên quan. Tất cả những nội dung này chúng tôi cũng đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng và chi tiết. Trong thời gian tới, sau khi Nghị định được ký thì Thông tư cũng sẽ được đăng báo để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội và các bộ, ban, ngành liên quan. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ chính thức ban hành các thông tư liên quan, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024”, ông Tuấn cho hay.

Nghị định về Sandbox ra đời là tin vui không chỉ với cộng đồng khởi nghiệp, mà còn với các khách hàng. Bởi việc có hành lang pháp lý đầy đủ không chỉ bảo vệ quyền lợi của fintech mà còn của cả người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá cao về sự ra đời của Nghị định về sandbox trong hoàn thiện hành lang pháp lý.

Trước đó, Hiệp hội cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng chính sách, cơ chế quản lý riêng theo đặc thù ngành đối với mảng tài chính tiêu dùng; Nghiên cứu xây dựng, ban hành quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người đi vay đối với tổ chức tín dụng; các chế tài xử phạt với người đi vay cố tình chây ỳ trả nợ.

Ngoài câu chuyện hành lang pháp lý, vấn đề được nhiều chuyên gia khuyến nghị hiện nay là đảm bảo quyền đòi nợ của bên cho vay. Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, vấn đề của thị trường tài chính tiêu dùng là ban hành quy định, hành lang pháp lý sao cho vừa tạo điều kiện phát triển, lại vừa đảm bảo quản lý, kiểm soát chuẩn chỉnh chứ không nên cấm. Điều khó nhất trong tổ chức tín dụng là đòi nợ bất hợp pháp thì cần nghiên cứu để có giải pháp chuyên nghiệp hóa trong việc đòi nợ, tránh bị đánh lẫn với "tín dụng đen"; thậm chí, cần có đạo luật riêng xử lý nợ xấu nhằm giải quyết các vấn đề trên.

HoREA kiến nghị ngân hàng được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để đảo nợ

Chưa thật hài lòng với việc tạm ngưng thi hành một số nội dung của Thông tư 06/2023/TT-NHNN, HoREA kiến nghị bãi bỏ hẳn các quy định này, cho các ngân hàng được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích đảo nợ.

Bày tỏ vui mừng vì ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN ngưng thực hiện một số quy định của Thông tư 06/2023/TT-NHNN để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, song Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) tiếp tục đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định khác.

Thứ nhất, Hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 5 Điều 16 Thông tư 22/2019/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Thông tư 08/2020/TT-NHNN) theo hướng đề nghị gia hạn thêm 12 tháng, bởi lẽ chỉ còn hơn 1 tháng nữa (1/10/2023), tổ chức tín dụng “phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn là 30%. Tức lùi thời điểm siết sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 30% sang ngày 1/10/2024. 

Thứ hai, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét “bỏ” điểm a khoản 8 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN để cho phép tổ chức tín dụng được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính mình, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với khoản 2 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (sửa đổi khoản 2 Điều 5 Nghị định 153/2020/NĐ-CP) cho phép “2. Mục đích phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, Dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành”.

Hiệp hội nhận thấy, Thông tư 03/2023/TT-NHNN chưa xem xét sửa đổi “bất cập” của điểm a khoản 8 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN, nên đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xem xét theo hướng “bãi bỏ” điểm a khoản 8 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với khoản 2 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP, mà Hiệp hội đã góp ý tại Văn bản 65/2023/CV-HoREA ngày 17/04/2023 về “Dự thảo Thông tư về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-NHNN” trước khi ban hành Thông tư 03/2023/TT-NHNN.

Bởi lẽ, Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 của Ngân hàng Nhà nước được ban hành trước 1 năm so với Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/09/2022, mà Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đã cho phép “2. Mục đích phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp…”, nên hoạt động phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nợ của chính mình là hợp pháp và căn cứ khoản 1 Điều 94 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 thì nhà đầu tư có quyền đề xuất vay tín dụng và tổ chức tín dụng có nghĩa vụ xem xét cấp tín dụng cho “mục đích sử dụng vốn hợp pháp” này của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về tín dụng, nên rất cần thiết phải “bỏ” điểm a khoản 8 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Hơn nữa, trong quá trình góp ý “Dự thảo Thông tư về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-NHNN” thì Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận đề nghị của Hiệp hội “bỏ” điểm c khoản 1 Điều 1“Dự thảo Thông tư về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-NHNN” nên Ngân hàng Nhà nước đã không đưa nội dung điểm c khoản 1 Điều 1“Dự thảo sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-NHNN” vào Thông tư 03/2023/TT-NHNN. 

Thứ ba, dù Thông tư 10 tạm ngưng hiệu lực thi hành một số quy định cấm cho vay, song Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước bãi bỏ các quy định này. Cụ thể, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát để xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định “bất cập” tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN mà các doanh nghiệp, Hiệp hội và chuyên gia đã kiến nghị, bởi lẽ Thông tư 10/2023/TT-NHNN ngày 23/08/2023 của Ngân hàng Nhà nước chỉ mới “ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) từ ngày 01/09/2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này”, chứ tại thời điểm hiện nay thì chưa có “văn bản quy phạm pháp luật” nào về việc sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định này.

Chính thức hoãn một số quy định cấm cho vay, gỡ khó cho bất động sản

 Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngày 23/08/2023 ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN).

ngân hàng Nhà nước cho biết, lý do để ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN là do bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, cần ưu tiên hơn nữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc ngưng hiệu lực thi hành một số khoản trên sẽ kéo từ 1/9/2023 (ngày Thông tư 06 có hiệu lực) cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này.

Trước đó, ngày 28/6/2023, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2023. Thông tư đã bổ sung quy định về cho vay phù hợp với quá trình chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và các quy định khác để tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách hàng tiếp cận vốn vay ngân hàng. Đồng thời, Thông tư  bổ sung một số quy định nhằm kiểm soát rủi ro phát sinh trong hoạt động cho vay, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Hôm qua (23/8), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương rà soát, sửa đổi Thông tư số 06/2023/TT-NHNN theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các quy định gây khó khăn, hoàn thành trong ngày 25/8/2023. Như vậy, việc sửa đổi đã được Ngân hàng Nhà nước thực hiện ngay trong ngày.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để nghiên cứu, xem xét các giải pháp phù hợp nhằm kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Cho vay online sẽ nóng lên

Không chỉ hợp thức hóa hoạt động cho vay online của các ngân hàng thương mại từ ngày 1/9, Ngân hàng Nhà nước cũng sắp ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt và Nghị định về sandbox. Điều này khiến thị trường cho vay online thêm sôi động.

Thông tư số 06/2023/TT-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2023. Một trong những lý do khiến Thông tư được các ngân hàng hết sức trông chờ là một loạt quy định về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử đã được bổ sung. Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định, Thông tư này đã bắt kịp xu hướng hoạt động ngân hàng, cho vay khách hàng hướng tới số hóa thông qua các phương tiện điện tử, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức tín dụng và tiết kiệm chi phí giao dịch cho nền kinh tế

Trên thực tế, hoạt động cho vay trực tuyến (đa phần với khoản vay nhỏ) đã được nhiều ngân hàng triển khai từ lâu. Tuy nhiên, do hình thức cấp tín dụng này chưa được quy định cụ thể trong luật, nên nhiều ngân hàng “vừa làm, vừa run” vì sợ hợp đồng bị tuyên vô hiệu trong trường hợp phát sinh tranh chấp. Với các khoản vay nhỏ, người dân e ngại tìm đến ngân hàng do lo ngại thủ tục rườm rà. Tuy nhiên, với Thông tư 06/2023/TT-NHNN cộng thêm sự ra đời của cơ sở dữ liệu dân cư, cho vay trực tuyến tới đây sẽ có sự tăng tốc.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho hay, với các khoản vay nhỏ, cho vay online phát triển sẽ giải quyết được nhu cầu của người dân và cả ngân hàng. Thời gian qua, các ngân hàng còn thận trọng cho vay online, bởi pháp lý chưa rõ ràng, dữ liệu chưa sạch. Tuy nhiên, với ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các ngân hàng sẽ có cơ sở để thúc đẩy cho vay trên ngân hàng số. 

Mặc dù Thông tư 06/2023/TT-NHNN đã đặt viên gạch lát đường hợp thức hóa cho vay điện tử, song theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hành lang pháp lý vẫn cần hoàn thiện hơn nữa.

“Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trong đó có đặt vấn đề liên quan đến ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong việc lưu trữ hồ sơ cho đến các hoạt động cho vay… Tuy nhiên, Chính phủ cần sớm công bố Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt và cơ chế thử nghiệm (Regulatory Sandbox) trong lĩnh vực công nghệ tài chính”, ông Hùng kiến nghị.  

Liên quan tới hành lang pháp lý, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, Nghị định sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt đã được NHNN trình Chính phủ hơn 4 năm. Ngày 8/8 vừa qua, Thường trực Chính phủ đã họp để xem xét, về cơ bản thống nhất với đề xuất trong Dự thảo Nghị định sửa đổi và đã có thông báo yêu cầu Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Chúng tôi rất kỳ vọng nghị định này sẽ được Chính phủ ký ban hành trong quý III/2023. Nghị định về sandbox cũng đã trình Chính phủ khoảng 2 năm nay, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng là Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện trình Chính phủ trong tháng 8/2023. Chúng tôi sẽ phấn đấu trình Chính phủ trước ngày 20/8”, ông Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, nếu trong quý III/2023, hai nghị định trên được Chính phủ ký ban hành, ngay lập tức Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành 7 thông tư hướng dẫn liên quan. Trong thời gian tới, sau khi Nghị định được ký, thì Thông tư cũng sẽ được đăng báo để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội và các bộ, ban, ngành liên quan. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ chính thức ban hành các thông tư liên quan, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Như vậy, cùng với Thông tư 06/2023/TT-NHNN, việc Nghị định sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP và Nghị định về sandbox ra đời, có hiệu lực từ đầu năm tới, sẽ khiến thị trường cho vay tiêu dùng, cho vay online khởi sắc.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong tổng số lượng giao dịch 6 tháng đầu năm 2023, các giá trị giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên chỉ chiếm khoảng 10%, còn từ 20 triệu đồng trở lên chỉ trên dưới 5%, như vậy mức độ ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng là rất ít. Mặc dù vậy, cho vay online là xu hướng và sẽ phát triển như vũ bão thời gian tới. Việc cởi trói về mặt pháp lý sẽ khiến thị trường cho vay online ngày càng cạnh tranh với sự tham gia của nhiều chủ thể: ngân hàng, trung gian thanh toán, fintech, công ty tài chính...

Bốn ngân hàng lớn giảm mạnh lãi suất huy động, kỳ hạn 1 năm chỉ còn 5,8%/năm

 Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank vừa công bố biểu lãi suất huy động mới, áp dụng từ 23/8. Theo đó, lãi suất huy động có kỳ hạn từ 1 tháng đến 9 tháng giảm 0,3%/năm và kỳ hạn từ 12 thán trở lên giảm 0,5%/năm.

Tại BIDV, VietinBank và Vietcombank, lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn từ 1 tháng tới 9 tháng đều giảm 0,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng đến 3 tháng còn 3-3,8%/năm. Bên cạnh đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng cũng giảm từ 5% xuống 4,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên điều chỉnh mạnh từ 6,3% xuống còn 5,8%, tức giảm tới 0,5 điểm %.  

Lãi suất huy động trực tuyến của Vietcombank điều chỉnh mạnh 0,5-0,6 điểm %. Nếu như trước đây lãi suất tiền gửi trực tuyến Vietcombank luôn cao hơn tại quầy khoảng 0,2-0,3 điểm % thì hiện nay 2 biểu lãi suất đã ngang bằng nhau.

Tại Agribank, lãi suất huy động cũng giảm 0,3-0,5%/năm, mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng cũng 5,8%/năm, riêng kỳ hạn từ 13 trở lên chỉ còn 5,5%/năm.

Với sự điều chỉnh lần này, các ngân hàng Big 4 tiếp tục là những ngân hàng có lãi suất thấp nhất trong hệ thống.  

Trước đó, hồi giữa tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới trước ngày 25/8.

Đầu tuần này, Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng lại tiếp tục có văn bản chỉ đạo về triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023.

Tại văn bản này, Thống đốc giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương; chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng và cả hiệp hội trong ngành.

Thống đốc yêu cầu, các tổ chức tín dụng tiếp tục phấn đấu tiết giảm chi phí, cắt giảm những thủ tục và các loại phí không cần thiết, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để có dư địa giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp.

Chủ động triển khai, tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp và triển khai kịp thời, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp theo tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ.

Tiếp tục hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả. Các tổ chức tín dụng tiếp tục có giải pháp hiệu quả đẩy mạnh giải ngân chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ và 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản; Triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN.

Tỷ giá sẽ quay đầu vào cuối năm 2023

Ông Pyon Young Hwan, Giám đốc phụ trách Mảng giao dịch ngoại hối và phái sinh của Ngân hàng Shinhan Việt Nam nhận định, khả năng sẽ xuất hiện xu hướng giảm tỷ giá, kỳ vọng cuối năm nay sẽ ở mức 23.500 VND/USD.

Theo ông Pyon Young Hwan, lãi suất tại Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục giảm vừa phải trong nửa cuối năm. CPI nửa đầu năm là 3,3%, thấp hơn mục tiêu điều hành của Chính phủ là 4,5%. Trong bối cảnh giá cả trong nước ổn định và Chính phủ vẫn đang đẩy mạnh các chính sách kích thích kinh tế, chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng tiếp tục được thực hiện trong nửa cuối năm,

Xét đến những lo ngại về suy thoái kinh tế trong nước và quốc tế, xu hướng giảm lãi suất được kỳ vọng vẫn hữu hiệu. Đặc biệt, khi xét đến khả năng chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất của Fed vào nửa cuối năm, dự kiến Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ khoảng 0,5 điểm phần trăm lãi suất điều hành.

Qua quá trình tự thanh lọc quyết liệt, giờ đây thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam cần được bình thường hóa trở lại. Thị trường bất động sản đang là một vấn đề nhức nhối đối với sự phát triển cân bằng theo nhu cầu gia tăng tính minh bạch cho toàn xã hội.

“Theo tôi, nếu giải quyết được vấn đề này, nền kinh tế Việt Nam sẽ bước lên một tầm cao mới. Ưu tiên của dòng vốn toàn cầu đang cho thấy sự cạnh tranh giữa Ấn Độ và Việt Nam. Ngoài lĩnh vực sản xuất, thì bất động sản, hạ tầng phát triển năng lượng cũng cần có sự hỗ trợ về cơ chế hơn nữa để có thể tiếp cận dòng vốn nước ngoài. Cuối cùng, tôi cho rằng, động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu vẫn đến từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Thời điểm này, cần phải có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ để có thể phá vỡ bức tường ngăn cách giữa các công ty trong nước và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu”, chuyên gia này phân tích.

Trong ngắn hạn, tỷ giá đang đe dọa mốc 24.000 VND/USD. Chuyên gia cho rằng, mức độ mất giá của VND dần thu hẹp so với đồng tiền của các quốc gia châu Á khác, dù trước đó VND là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất trong khu vực. Với lãi suất thị trường thấp của Việt Nam, chênh lệch lãi suất giữa Mỹ - Việt Nam ngày càng lớn, sự phục hồi của nhập khẩu sau khi sụt giảm đáng kể là những yếu tố đang gây áp lực tăng cho tỷ giá trên thị trường. Tuy nhiên, càng về những tháng cuối năm, với việc sản xuất toàn cầu phục hồi, tỷ giá hối đoái dự kiến ​​giảm trở lại, trung bình quanh mức 23.500 VND/USD trong quý IV/2023.

HoREA kiến nghị ngân hàng được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để đảo nợ
Chưa thật hài lòng với việc tạm ngưng thi hành một số nội dung của Thông tư 06/2023/TT-NHNN, HoREA kiến nghị bãi bỏ hẳn các quy định này, cho các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư